Khi “cá lớn” quẫy đuôi
Bất chấp giá trị và khối lượng khớp lệnh trên cả hai sàn niêm yết trượt dốc mạnh, gần đây, xu thế giao dịch lô lớn nhiều chứng khoán niêm yết tăng vọt. Điều gây chú ý là một vài giao dịch lớn và "lạ" thành công nhanh chóng trong một thời gian ngắn kỷ lục.
Nhộn nhịp bán - mua
Trước khi công bố thông tin hủy niêm yết gây xôn xao, đầu tháng 11/2011, CTCP Chế biến thủy sản và Xuất nhập khẩu Cà Mau (CMX) đã thu hút sự chú ý của dư luận khi cổ đông lớn là Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) công bố thoái tới hơn 43% cổ phần đang nắm giữ tại DN này.
Trong một động thái tương tự, ngày 22/11, CTCP Vinpearl, cổ đông lớn của CTCP Du lịch Việt Nam Vitours (DLV) cũng thoái vốn thành công 29,13% vốn tại DVL.
Cũng diễn ra trong một thời gian ngắn, gần như cùng lúc, hai lãnh đạo Masan Group (MSN) thoái vốn tổng cộng 4 triệu cổ phiếu trong ngày 14 và 15/11.
Nhưng thu hút chú ý hơn cả trong các giao dịch lớn diễn ra gần đây là việc Sacombank (STB) thoái thành công 48 triệu cổ phiếu tại CTCK Sacombank (SBS) trong ngày 11/11.
Theo thông báo, người mua là hai cá nhân, mục đích mua được công bố chính thức là đầu tư tài chính. Trước đó, hai cá nhân này chưa sở hữu bất kỳ một cổ phiếu SBS nào.
Nhìn lại quá khứ, 2 năm qua, cơ cấu cổ đông lớn tại SBS đã chuyển dịch khá nhanh: từ Công ty TNHH một thành viên Chứng khoán Sacombank do ngân hàng mẹ sở hữu 100% vốn vào cuối năm 2009, việc IPO và các đợt phát hành tăng vốn đã làm giảm tỷ lệ nắm giữ của ngân hàng mẹ tại SBS xuống còn 56% vào cuối năm ngoái.
Đợt thoái vốn vào trung tuần tháng 6/2011 đã đẩy tỷ lệ sở hữu của Sacombank xuống 48,95%. Và với đợt giao dịch bán thành công trong tháng 11 vừa qua, mốc sở hữu của Sacombank tại SBS đang dừng ở tỷ lệ 10,95%.
Cũng với SBS, trước đó, sau nhiều lần thất bại, trong tuần đầu tiên của tháng 11, CTCK này đã thoái vốn thành công 13 triệu cổ phần tại CTCP Đường Bourbon Tây Ninh (SBT).
Với diễn biến tương đồng tại một DN ngành đường khác, Công ty Thành Thành Công thoái toàn bộ hơn 22% số cổ phần sở hữu tại CTCP Đường Biên Hòa, thực hiện trong ngày 8/11. Hiện tại, Thành Thành Công cũng đang là cổ đông lớn tại SBT.
Từ cuối tháng 11 tới đầu năm sau, SBT dự định mua vào 4 triệu cổ phiếu Sacomreal (SCR). Cuối tuần trước, Thành Thành Công lại đăng ký bán 1,1 triệu cổ phiếu SCR, giao dịch dự kiến được thực hiện trong tháng 12 tới đây.
Các quan hệ giao dịch zíc-zắc tương tự cũng xuất hiện ở CTCP Tư vấn - thương mại - dịch vụ địa ốc Hoàng Quân (HQC). Sau khi một loạt lãnh đạo cao cấp giao dịch nhằm giảm tỷ lệ sở hữu, mới nhất Chủ tịch HĐQT HQC Trương Anh Tuấn cũng đăng ký bán ra 3 triệu cổ phiếu.
Cùng trong khoảng thời gian này, vợ Chủ tịch HĐQT (là thành viên HĐQT HQC) lại đăng ký mua vào 7 triệu đơn vị. Diễn biến lạ lùng này khiến HQC bất ngờ trở thành cổ phiếu ồn ào bậc nhất trong số các giao dịch lớn đã và được đăng ký giao dịch…
Sóng ngầm sau giao dịch
Các giao dịch lô lớn - "bán buôn" cổ phiếu sôi động ở thời điểm hiện tại hoàn toàn đối nghịch với bức tranh ảm đạm trên cả hai sàn. Sự so sánh thị giá cổ phiếu ngang giá cốc trà đá trước đây đã nhường chỗ cho sự thật đáng thất vọng hơn khi xuất hiện cổ phiếu ở mức giá 600 - 700 đồng, tương đương với giá chợ… vài cọng hành.
Chứng khoán thất thế khiến đa số NĐT quay lưng lại với thị trường, la liệt cổ phiếu giảm thê thảm dưới mệnh giá, thấp hơn giá trị sổ sách, dù không ít DN kinh doanh hiệu quả, cổ tức tiền mặt có thể trả 10 - 12%/năm.
Khi chứng khoán niêm yết bị ghẻ lạnh thì tại sao nhiều giao dịch lô lớn bất ngờ sôi động ở thời điểm cuối năm? Có ít nhất ba lý do chính giải thích cho sự nhộn nhịp này.
Thứ nhất, khi giá cổ phiếu xuống thấp, xuất hiện các động thái mua vào đỡ giá của các cổ đông lớn, cổ đông là lãnh đạo công ty.
Thứ hai, kế hoạch thoái vốn của một số DN không thể tiếp tục trì hoãn khi năm tài chính 2011 sắp khép lại.
Thứ ba, các giao dịch bán lô lớn gần đây phần lớn thực hiện qua giao dịch thỏa thuận, không loại trừ trường hợp lòng vòng nội khối.
Mới đây, hai công ty con của CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. HCM (CII) đã nâng tỷ lệ sở hữu tại công ty mẹ lên 9,98%. Lý giải sự đầu tư ngược đời này, một lãnh đạo CII không dấu giếm rằng, đây là một cách để Công ty bình ổn giá khi cổ phiếu bị rẻ rúng.
Đầu năm 2011, CII phát hành thành công 40 triệu USD trái phiếu chuyển đổi cho NĐT nước ngoài ở mức giá chuyển đổi là hơn 4 lần mệnh giá. Hiện tại, khi giá cổ phiếu rơi rụng còn một nửa, nên các công ty con của CII mua vào trước hết nhằm trợ giá cổ phiếu cho công ty mẹ.
Ngoài ra, theo vị lãnh đạo này, khi cổ phiếu giảm giá, Ban lãnh đạo Công ty nên tiếp cận NĐT tổ chức và chứng minh cho họ thấy năng lực hoạt động của mình, lợi ích khi đầu tư vào cổ phiếu của Công ty.
Và đương nhiên, khi NĐT tổ chức đó quan tâm, họ muốn đầu tư cổ phiếu thì mình đã có sẵn lô lớn để bán, họ không cần phải mua gom ở ngoài thị trường nữa, qua đó, tránh được rủi ro không mua được đủ một lượng cổ phiếu lớn với mức giá được xác định trước.
Còn trường hợp của SBS, trong cuộc trao đổi mới đây với ĐTCK, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết, việc thoái vốn tại SBS là theo kế hoạch của Nghị quyết ĐHCĐ Sacombank năm 2010. Đó cũng là lý do cho những giao dịch lớn tại CMX, DVL…
Tuy nhiên, ẩn chứa phía sau sự sôi động trên rất có thể là các chuyển động mang nhiều toan tính. Chẳng hạn, tại HQC, một lãnh đạo Công ty đã giải thích với báo giới rằng, 7 triệu cổ phiếu đang được vợ Chủ tịch Công ty mua vào do giá cổ phiếu HQC trên sàn rất hấp dẫn (6.500 đồng/CP ngày 25/11).
Còn nhớ, nhớ, vào tháng 8/2011, lãnh đạo công ty này thỏa thuận bán cổ phiếu cho CBCNV với giá bằng mệnh giá và cam kết sau đó đúng một năm mua lại với giá gấp đôi! Trường hợp thoái vốn tại một CTCK lớn mới đây cũng gây chú ý.
Theo nguồn tin của ĐTCK, giao dịch lớn này được đặc cách thực hiện không qua sàn, giá bằng mệnh giá và cao gấp đôi giá thị trường. Cổ phiếu ngành chứng khoán bây giờ tìm được người đầu tư đã khó, với một CTCK mang trong mình rất nhiều vấn đề phức tạp thì việc có người mua lô lớn còn khó hiểu hơn.
Nhưng sẽ đơn giản hơn nếu nhìn nhận sự việc này theo hướng kỹ thuật giao dịch nội khối: giảm tỷ lệ sở hữu, công ty mẹ không phải ghi nhận khoản lỗ hàng trăm tỷ đồng so với mức góp vốn vào công ty con.
Báo cáo tài chính năm 2010 cũng không phải hợp nhất, hạch toán kết quả kinh doanh tại CTCK theo mô hình công ty con, công ty liên kết trong một năm đáng quên với ngành chứng khoán!
Giang Thanh
đầu tư chứng khoán
|