Thứ Năm, 01/12/2011 09:56

Chứng khoán và những cú sốc ngầm

Việc các doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường niêm yết làm nảy sinh câu hỏi lớn: phải chăng các cổ đông lớn chỉ hành động vì lợi ích của riêng họ? Liệu TTCK có đang đánh mất niềm tin đối với nhà đầu tư?

"Kẻ tiến, người lùi"

Theo khoản 1 Điều 12 của Luật Chứng khoán sửa đổi quy định: "Công ty đại chúng đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng phải cam kết đưa chứng khoán vào giao dịch trên thị trường có tổ chức trong thời hạn một năm, kể từ ngày kết thúc đợt chào bán được Đại hội đồng cổ đông thông qua". Tuy nhiên, do khó khăn trong việc huy động vốn khi TTCK suy giảm, doanh nghiệp niêm yết đua nhau xin hủy niêm yết như Saigon Tel (SGT), Tribeco (TRI), Descon (DCC). Đa số các trường hợp này đều do cổ đông chi phối 65% cổ phần công ty ra quyết định.

Có hai nguyên nhân chính khiến cho doanh nghiệp hủy niêm yết tại thời điểm hiện nay: Thứ nhất, việc huy động vốn bằng cổ phiếu khó khả thi do giá phát hành không thấp hơn mệnh giá 10.000đ/CP. Nếu trả cổ phiếu thưởng tăng vốn, tình hình sẽ trở nên tệ hại hơn khi giá tiếp tục giảm sâu. Khi phát hành trái phiếu chuyển đổi, giá thị trường đi xuống kéo theo giá chuyển đổi giảm, mức độ pha loãng cổ phần sẽ tăng lên. Đồng thời, cổ đông sẽ không thực hiện chuyển đổi để bảo toàn giá trị đầu tư, tạo ra áp lực thanh toán tiền lãi và gốc của doanh nghiệp. Trong điều kiện hiện nay, doanh nghiệp chỉ có thể phát hành thành công trái phiếu riêng lẻ. Xét trên góc độ lợi ích ngắn hạn, cho dù niêm yết hay không, chủ các công ty đại chúng đều có thể thực hiện được phát hành riêng lẻ, miễn là xin cấp phép của UBCKNN.

Thứ hai, nguy cơ bị thâu tóm trở nên rõ nét hơn khi giá trị vốn hóa công ty thấp hơn nhiều lần so với quy mô vốn điều lệ và tổng tài sản do "cơn lốc" giảm giá trên TTCK. Đơn cử như CTCP Xây dựng và Địa ốc Hòa Bình (HBC), giá trị vốn hóa trên TTCK là 334 tỷ đồng, chỉ bằng 50% vốn chủ sở hữu và 18% tổng tài sản. Điều này lý giải động cơ hủy niêm yết hàng loạt như một phương án phòng chống việc thâu tóm tài sản giá rẻ thông qua thị trường tập trung.

Ngoài hai lý do chính kể trên, trường hợp TRI hay DCC hủy niêm yết là do rắc rối về quản trị điều hành sau khi sáp nhập và việc kết chuyển lỗ của các công ty có liên quan. Nhìn chung, động cơ hủy niêm yết đã và đang diễn ra trên TTCK phục vụ cho lợi ích cổ đông chi phối doanh nghiệp hơn là cổ đông đại chúng.

Những cú sốc ngầm

Một lý do khác nữa khiến cho tổ chức niêm yết muốn hủy niêm yết là không muốn công bố thông tin thường xuyên nếu tình hình kinh doanh gặp bất lợi. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp niêm yết đứng trước nguy cơ thua lỗ trong quý IV hoặc phải giảm mạnh chỉ tiêu đặt ra trong bối cảnh kinh doanh rất ảm đạm. Thị trường niêm yết phải đối mặt trước những cú sốc ngầm về thông tin kinh doanh như điều chỉnh kế hoạch hoặc bất ngờ thua lỗ của các doanh nghiệp trong quý IV này.

Trường hợp Công ty BĐS Phát Đạt (PDR) vừa công bố giảm chỉ tiêu lợi nhuận rất mạnh so với kế hoạch mà đại hội cổ đông đặt ra là một ví dụ. Doanh thu và thu nhập khác điều chỉnh xuống 148 tỷ đồng, bằng 14% so với kế hoạch đầu năm. Đồng thời, lợi nhuận trước thuế chỉ khiêm tốn ở mức 8 tỷ đồng, bằng 2,2% so với kế hoạch tham vọng đầu năm. Soi xét kỹ hơn về tình hình tài chính của PDR, hàng tồn kho tính đến quý III của PDR lên đến con số 3.763 tỷ đồng, tăng 17% so với thời điểm đầu năm. Mặc dù công ty đã giải thích hàng tồn kho bao gồm giá trị quyền sử dụng đất, tuy nhiên, bản chất hạch toán kế toán và giá trị chiếm đến 84% tổng tài sản cho thấy thực trạng đáng lo ngại của công ty nói riêng và ngành bất động sản nói chung. Tương tự, CTCP Nhà Từ Liêm (NTL) công bố lợi nhuận trước thuế 9 tháng cả 3 quý chỉ đạt 104,7 tỷ đồng, còn khoảng cách rất xa so với mức lợi nhuận 788 tỷ đồng mà Đại hội cổ đông đặt ra. Cho đến thời điểm này, NTL chưa có bất cứ động thái điều chỉnh kế hoạch kinh doanh nào. Liệu NTL đã có doanh thu chưa ghi nhận hay đó là cú sốc thông tin do không thể cán đích kế hoạch lợi nhuận? Chất lượng công bố thông tin là vấn đề nổi cộm đối với cả doanh nghiệp niêm yết hay doanh nghiệp không niêm yết. Không ít các trường hợp doanh nghiệp muốn hủy niêm yết như Tribeco để trốn tránh trách nhiệm công bố thông tin thường xuyên với cổ đông.

Niềm tin ở đâu?

Niềm tin của các doanh nghiệp vào thị trường niêm yết đang bị xói mòn. Giá cổ phiếu giảm liên tiếp bất kể bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp diễn biến ra sao trong quý III, đặc biệt là nhóm bất động sản, tài chính. Ngành bất động sản hứng chịu hậu quả nặng nề nhất do thị trường đóng băng, chi phí vốn tăng cao ngốn hết lợi nhuận trong quý III. Ví dụ như: Quốc Cường Gia Lai (QCG) lỗ ròng 26,49 tỷ đồng, Nhà Thủ Đức (TDH) lỗ ròng 11,94 tỷ đồng. Trong khi đó, nhóm ngành tài chính hứng chịu khó khăn không kém phản ánh qua chất lượng tín dụng và trích dự phòng nợ xấu. NH TMCP Vietcombank (VCB) công bố tỷ lệ nợ xấu lên đến 3,9% tổng dư nợ ; NH TMCP An Bình (ABBank) công bố lỗ sau thuế trong quý III là 18 tỷ đồng, chủ yếu do trích lập dự phòng tín dụng lên 240 tỷ đồng. Giá cổ phiếu "rơi tự do" không chỉ đối với doanh nghiệp niêm yết công bố lỗ mà thậm chí các công ty làm ăn có lãi, giá cổ phiếu vẫn giảm thấp hơn giá trị sổ sách. Nguyên nhân sâu xa là CTCK bán giải chấp lượng cổ phiếu này để bù đắp danh mục đầu tư sử dụng đòn bẩy bị giảm giá. Gần đây, Chủ tịch HĐQT của HBC kêu gọi cổ đông không bán cổ phiếu HBC vì tình hình kinh doanh của công ty vẫn tiến triển bình thường, giá cổ phiếu không liên quan đến sự cố bất thường trong công ty. Ngay lập tức giá cổ phiếu HBC đã được "trấn an" bằng 2 phiên tăng điểm sau khi giảm nhiều phiên liên tiếp.

TTCK đang thiếu vắng niềm tin của nhà đầu tư và quan trọng hơn người chủ của doanh nghiệp niêm yết chưa tìm đúng cách để khôi phục niềm tin cho cổ đông, hơn là phục vụ lợi ích riêng họ. Một số doanh nghiệp vẫn tự tin bước lên sàn niêm yết như Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB) chính thức giao dịch trên HOSE trong tháng 11/2011. Có thể hiểu việc thâu tóm một tổ chức tín dụng có vốn điều lệ 7.300 tỷ không đơn giản như việc thâu tóm một công ty quy mô vốn dưới 100 tỷ đồng. Ngoài ra, cổ phiếu MBB đã từng làm mưa gió trên sàn OTC, việc giao dịch tập trung sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cổ đông đại chúng. Ngoài ra, trường hợp huy động vốn thành công trên TTCK của doanh nghiệp niêm yết không phải là không có.

CTCP Dịch vụ và Xây dựng Địa ốc Đất xanh (DXG) vừa chào bán thành công 16 triệu cổ phiếu tăng vốn với mức giá bình quân là 15.161 đồng/CP cho cổ đông hiện hữu lẫn đối tác chiến lược là quỹ FPT Capital. Doanh nghiệp bất động sản này vẫn biết cách gây dựng niềm tin cổ đông khi mà giá chào bán cao hơn giá thị trường của DXG là 12.000 đồng/CP. Cho dù niêm yết hay không niêm yết, doanh nghiệp vẫn phải đặt lợi ích của cổ đông đại chúng lên hàng đầu vì cổ đông giúp công ty tạo lập được thị trường và đóng góp vào sự phát triển lâu dài. Thị trường chờ đợi sự can thiệp của cơ quan quản lý về vấn đề niêm yết hay hủy bỏ niêm yết, quan trọng hơn là bảo vệ quyền lợi của cổ đông thiểu số.

 Anh Quân

diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Niêu cơm họ Thạch (30/11/2011)

>   Lời kêu gọi… (29/11/2011)

>   Khi “cá lớn” quẫy đuôi (29/11/2011)

>   Quỹ mở: Năm 2012 cũng chưa chắc thành lập được (29/11/2011)

>   KDC giảm room nhà đầu tư nước ngoài từ 49% xuống 34.66% (28/11/2011)

>   Công ty chứng khoán đua nhau cắt giảm nhân sự (28/11/2011)

>   60 cổ phiếu của Việt Nam được giới thiệu ra ASEAN (28/11/2011)

>   Khảo sát Top 5 DNNY có hoạt động IR tốt nhất 2011 (08/12/2011)

>   La liệt cổ phiếu dưới mệnh giá: Chưa có biện pháp “cứu” thị trường (25/11/2011)

>   Hơn 20% số công ty kiểm toán không đạt chuẩn (25/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật