Chấm dứt tình trạng “đại gia” chống lưng ngân hàng
Chấm dứt tình trạng cổ đông lớn là thành viên HĐQT thao túng hoạt động của ngân hàng là yêu cầu trong đổi mới quản trị, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại.
Tình trạng “đại gia” đứng sau lưng ngân hàng, chi phối hoạt động của ngân hàng dẫn tới rủi ro của hệ thống đã được cảnh báo từ lâu. Chấm dứt tình trạng này là một trong những yêu cầu tiên quyết đảm bảo sự thành công của công cuộc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.
|
TS. Nguyễn Trí Hiếu, thành viên thường trực HĐQT Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) cho rằng, HĐQT của nhiều ngân hàng Việt Nam không chỉ tham gia ở khâu định hướng, chiến lược, mà còn can thiệp quá sâu vào việc điều hành. Biểu hiện là HĐQT tổ chức họp thường xuyên, thường là họp đột xuất và họp trong sự căng thẳng. “Tại nhiều ngân hàng, một số cổ đông lớn, cổ đông sáng lập thường dành cho mình quyền kiểm soát tuyệt đối, không chỉ về mặt chiến lược, mà cả những quyết định quan trọng thuộc thẩm quyền Ban điều hành. Ranh giới giữa chỉ đạo, ban hành chủ trương với việc thực hiện chủ trương không rõ ràng, dẫn tới HĐQT vừa đá bóng, vừa thổi còi”, ông Hiếu nhấn mạnh khi cho rằng, hệ thống ngân hàng Việt Nam muốn lành mạnh, đủ sức cạnh tranh với khu vực thì không thể không tái cấu trúc, trong đó nâng cao năng lực quản trị DN được đặc biệt coi trọng.
Thừa nhận thực trạng này ở Việt Nam, TS. Lê Thị Kim Nga, Ủy viên HĐQT Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - VCB) cho hay, cơ chế quản trị “một thủ trưởng” ở Việt Nam đã được thực hiện trong một thời gian dài. Với mô hình này, dù có sự phân định rõ ràng HĐQT và Ban điều hành, song thực chất, DN đó chỉ chịu sự điều hành của một người (chủ tịch HĐQT hoặc tổng giám đốc). Trên thực tế, nhiều tổng giám đốc hoặc chủ tịch HĐQT do không chịu nổi sức ép về quyền lực hoặc nhận thấy vị trí quyền lực của mình chỉ là hình thức đã xin nghỉ hưu sớm hoặc chuyển công tác.
Tổng giám đốc một ngân hàng TMCP có tỷ lệ cho vay bất động sản hơn 40% cũng chia sẻ: “Biết là cho vay bất động sản rất nhiều rủi ro, nhưng chúng tôi không thể không làm, vì một số thành viên HĐQT là cổ đông lớn của ngân hàng. Nếu không xử lý triệt để vấn đề này thì việc tái cơ cấu ngân hàng chỉ giải quyết được phần ngọn mà thôi”.
Rõ ràng, đẩy mạnh quản trị DN để tái cấu trúc ngân hàng là cấp thiết, song điều trớ trêu là khuôn khổ pháp lý cho vấn đề này hoàn toàn bị bỏ trống. Luật Các tổ chức tín dụng ra đời năm 2010 được hy vọng đưa vấn đề quản trị ngân hàng vào khuôn khổ. Thế nhưng, sau một năm có hiệu lực, các thông tư, nghị định hướng dẫn Luật vẫn chưa ra đời.
TS. Nguyễn Thị Kim Thanh, Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) nhận định, những vấn đề nổi lên trong hệ thống ngân hàng hiện nay như thiếu thanh khoản, nợ xấu, mất cân đối kỳ hạn, rủi ro đạo đức, sở hữu chéo… đều thể hiện sự yếu kém trong quản trị của các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, do hành lang pháp lý chưa rõ ràng, nên nhiều vấn đề nổi lên trong quản trị của hệ thống ngân hàng chưa được giải quyết.
Trước mắt, TS. Nguyễn Đại Lai, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, cần hoàn thiện hệ thống thanh tra, giám sát. Theo đó, việc thanh tra, giám sát không thể chỉ tiến hành bằng cơ chế một ủy ban, một tổng cục duy nhất từ phía Nhà nước, mà cần có thêm một tổ chức độc lập. Có thể dựa trên việc nâng cao vị thế quyền lực và chức năng của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia hiện nay. Về lâu dài, nên có một lộ trình để từng bước “công ty hóa” các hoạt động thanh tra, giám sát, bảo hiểm.
Hà Tâm
ĐẦU TƯ
|