“Bóng đen” trong ngân hàng
Văn phòng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng đã công bố một số thủ đoạn phạm tội đặc trưng trong hoạt động tín dụng, ngân hàng (NH).
Phát biểu khai mạc Hội nghị về phòng chống sai phạm, tham nhũng trong hoạt động tín dụng NH diễn ra tại TP.HCM vào ngày 30.11, ông Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng, Phó trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng - cho biết: “Sự phát triển khá nhanh của hệ thống NH đã góp phần tích cực cho phát triển nền kinh tế nhưng kéo theo tội phạm, tham nhũng trong lĩnh vực NH diễn biến phức tạp, tài sản thiệt hại lớn".
''Điều nguy hiểm là ngành ngân hàng chưa phối hợp với công an trong điều tra nên thiệt hại ngày càng nặng'' - Ông Đinh Văn Toàn, Phó giám đốc Công an Hà Nội |
Mua chuộc bằng hoa hồng
Phổ biến trong hầu hết các vụ án xảy ra thời gian qua là cán bộ NH lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để phạm tội. Một số hành vi điển hình gồm: sử dụng sổ tiết kiệm khống, vàng giả để thế chấp; giả mạo chữ ký khách hàng gửi tiết kiệm để tham ô, lừa đảo; không hạch toán vào tài khoản của khách hàng mà vào tài khoản của cá nhân cán bộ, chuyển tiền đi NH khác rồi rút tiền; thu tiền nợ vay không nhập quỹ; không thẩm định hoặc cố tình thẩm định sai tài sản thế chấp; cán bộ NH làm giả giấy rút tiền, mạo tên khách hàng gửi tiền tiết kiệm để rút một phần tiền. Một số cán bộ đã sử dụng các doanh nghiệp tư nhân “sân sau” để thực hiện hành vi tham ô, chiếm đoạt tiền của NH, nhà nước, điển hình như vụ xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính II thuộc Agribank.
Ông Phạm Anh Tuấn - Phó chánh Văn phòng Ban chỉ đạo, cho biết một số NH thương mại, công ty quản lý quỹ, các tổ chức kinh tế lợi dụng việc thành lập các công ty “sân sau”. Từ đó, sử dụng các đòn bẩy tài chính, chuyển tiền, ủy thác đầu tư cho các doanh nghiệp, cá nhân nhằm tăng quy mô giả tạo, tiếp tay cho hoạt động đầu cơ bất động sản, chứng khoán, tín dụng đen, làm lũng đoạn thị trường trong suốt thời gian dài. Các công ty "sân sau" lập các hợp đồng tiền gửi giả mạo, dấu giả, chữ ký giả, lệnh chi khống để chiếm đoạt tiền của NH. Cũng có trường hợp, cán bộ NH sửa, tẩy xóa, nâng giá trị các chứng chỉ tiền gửi rồi đem thế chấp tại chính NH mình đang công tác. Những vụ này chỉ thực hiện được khi mua chuộc cán bộ NH, chủ yếu là cán bộ trực tiếp làm công tác tín dụng, cán bộ thẩm định hồ sơ, tài sản thế chấp hoặc lãnh đạo của các chi nhánh NH. Mua chuộc chủ yếu bằng hoa hồng.
Ông Đinh Văn Toàn - Phó giám đốc Công an Hà Nội - còn cho biết mức chi hoa hồng trong các hợp đồng tín dụng là từ 3 - 5% tổng số tiền vay.
Thanh tra "sân sau"
Theo ông Đinh Văn Toàn, “cán bộ NH vi phạm thường ham mê cờ bạc, hoạt động bất chính trong lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, cho vay nặng lãi… Điều nguy hiểm là ngành NH chưa phối hợp với công an trong điều tra nên thiệt hại ngày càng nặng”. Ông Trần Duy Thanh - Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng - cũng thừa nhận các vụ án liên quan đến lĩnh vực NH ngày càng nghiêm trọng. Tuy nhiên, công tác điều tra gặp nhiều khó khăn khi NH luôn nêu lý do an ninh tiền tệ.
Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã nhận trách nhiệm về sự yếu kém trong công tác thanh tra, giám sát của NH Nhà nước đối với hệ thống NH thời gian qua và điều này sẽ được khắc phục trong thời gian tới. Ngành NH sẽ phối hợp chặt chẽ hơn trong công tác phòng chống sai phạm trong hoạt động tín dụng, NH. Sắp tới, NH Nhà nước và Bộ Công an sẽ ký kết một thông tư liên tịch về vấn đề này. NH Nhà nước sẽ làm việc với NH thương mại về vấn đề thành lập quỹ với số tiền khoảng 15 - 20 tỉ đồng để thưởng cho các tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tội phạm.
Trong báo cáo tại hội nghị, Văn phòng Ban chỉ đạo yêu cầu NH Nhà nước kiểm soát chặt chẽ việc cấp phép thành lập các NH nhỏ; kiểm soát, thanh tra toàn diện hoạt động NH là “sân sau” của tổ chức, tập đoàn kinh tế chiếm phần vốn chi phối.
Một số vụ án
Chỉ tính riêng năm 2010 và 10 tháng đầu năm 2011, công an đã xác lập án điều tra 69 vụ, thiệt hại trên 8.000 tỉ đồng, thu hồi gần 2.000 tỉ. Cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố 40 vụ, 70 cán bộ ngân hàng, kiến nghị ngành ngân hàng xử lý hành chính 85 cán bộ ngân hàng. Có thể điểm một số vụ án nổi cộm:
- Bùi Thị Tâm (nguyên cán bộ tín dụng NH TMCP Đông Á (DongABank), chi nhánh Q.5, TP.HCM) móc nối với Đàm Văn Lợi (nguyên thủ quỹ Ban quản lý chợ Hòa Bình) và Nguyễn Ngọc Lâm (nguyên Trưởng ban quản lý chợ) làm giả 700 bộ hồ sơ vay vốn của 430 hộ tiểu thương chợ Hòa Bình để vay 160 tỉ đồng, trong đó tiểu thương chỉ thực vay 5,885 tỉ đồng còn khoảng 155 tỉ đồng Tâm rút ra sử dụng cá nhân, trả nợ, kinh doanh chứng khoán, cho vay lại.
- Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc chi nhánh NH TMCP Công thương TP.HCM) và Võ Anh Tuấn (nguyên Phó giám đốc chi nhánh NH TMCP Công thương Nhà Bè) làm giả chữ ký, con dấu của giám đốc chi nhánh, lấy cớ huy động vốn cho ngân hàng để lừa đảo, chiếm đoạt 3.600 tỉ đồng của 2 ngân hàng, 33 doanh nghiệp “sân sau” của một số ngân hàng, công ty quản lý quỹ.
- Mới đây, TAND TP.HCM đã đưa ra xét xử vụ án Trần Thị Hà và Hà Văn Hòa móc nối với Trần Văn Tè (Chủ tịch UBND xã Đông Thạnh, H.Hóc Môn) cùng với sự hỗ trợ của Nguyễn Văn Khỏe (Chủ tịch UBND H.Hóc Môn) lập khống hồ sơ xây dựng dự án cụm công nghiệp sạch tại xã Đông Thạnh thế chấp cho chi nhánh NH NN-PTNT Chợ Lớn TP.HCM vay 42 tỉ đồng, đến nay không còn khả năng trả nợ.
- Viện KSND TP.HCM mới có cáo trạng truy tố 14 bị cáo, trong đó 9 bị cáo nguyên là cán bộ Agribank. Theo đó, Trần Huỳnh Nghĩa (Giám đốc Công ty TNHH Cát Phương Nam) câu kết với Nguyễn Thị Phương Hoa (nguyên Phó giám đốc Công ty Reetech - REE) làm giả hợp đồng góp vốn, phiếu thu tiền… rồi dùng bộ hồ sơ giả này vay Arigbank Tân Bình 60 tỉ đồng. Đến hạn thanh toán, không có tiền trả, cả hai làm giả cổ phiếu của Công ty cơ điện lạnh REE với tổng mệnh giá 240 tỉ đồng để vay rồi chiếm đoạt 120 tỉ đồng của Agribank Tân Bình.
- Ngày 26.9.2011, TAND TP.HCM tuyên phạt các cán bộ của Agribank Q.8, gồm: Nguyễn Thị Thu Hà (nguyên Trưởng phòng Tín dụng) tù chung thân về tội “tham ô tài sản” và “vi phạm các quy định về hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng”; Hoàng Trọng Chỉ (nguyên Giám đốc chi nhánh Agribank Q.8) 8 năm tù về hai tội: “thiếu trách nhiệm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” và “vi phạm các quy định về hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng”; 7 bị cáo nguyên là cán bộ của chi nhánh ngân hàng này cũng lãnh từ 3 - 7 năm tù về tội “tham ô tài sản”, “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Lê Nga |
Thanh Xuân
Thanh Niên
|