Thứ Tư, 30/11/2011 09:42

Góc nhìn Nhà đầu tư:

Một góc nhìn khác về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng

(Vietstock) – Thời gian gần đây, tái cơ cấu ngân hàng (NH) đang trở thành mục tiêu cấp bách trong bối cảnh hệ thống ngân hàng Việt Nam đối mặt với khó khăn về thanh khoản và nợ xấu tăng cao. Tuy nhiên, nếu đặt khó khăn về thanh khoản khi tái cơ cấu ở các NH nhỏ lên hàng đầu thì dường như chưa ổn.

Mặc dù các NH nhỏ gặp khó khăn về thanh khoản vì không thể huy động nhiều nhưng nợ cho vay lại khá minh bạch về độ rủi ro. Cho vay ở đây được hiểu theo khái niệm kinh doanh tiền tệ, thế chấp sòng phẳng - khác với các “đại ngân hàng” cho vay vẫn còn mang đậm nét “hỗ trợ phát triển kinh tế”, tín chấp với các doanh nghiệp Nhà nước, điển hình là 7 tổng công ty có thể vay vốn gấp 10 lần vốn điều lệ.

Mặt khác, do vốn huy động ít, dễ mất thanh khoản nên nợ xấu NH nhỏ dễ lộ diện, khó ẩn giấu lâu ngày đến nổi ‘phình to” nên việc xử lý NH nhỏ với tổng tài sản không lớn sẽ không ảnh hưởng nhiều đến cục diện chung.

Còn đối với các “đại ngân hàng”, tuy không thiếu thanh khoản vì huy động được nhiều vốn, nhất là tiền gởi các cơ quan đơn vị Nhà nước, nhưng “thấp thoáng” sau các vụ bể nợ lớn đều có “nợ xấu” của các đại ngân hàng. Do vốn huy động nhiều nên việc “giấu nợ xấu lâu ngày” có thể thực hiện được. Việc tích tụ nợ xấu tại các đại ngân hàng nếu không được minh bạch và xử lý dần sẽ gia tăng mâu thuẫn về khả năng thanh khoản trong tương lai và ảnh hưởng đáng kể đến cục diện chung.

Vì thế, nên nhìn tái cơ cấu ở góc độ lành mạnh hóa hoạt động tín dụng (bao gồm huy động và cho vay) của hệ thống NH. Hay nói cách khác là không để “nợ xấu” phát sinh ở khoản vay mới, đồng thời minh bạch hóa các khoản nợ xấu lộ diện và “đang còn được giấu” để xử lý dần theo hướng thu hẹp quy mô, tiến dần đến một tỷ lệ nợ xấu cho phép.

Muốn thực hiện điều này, chúng ta cần phân tích những cơ chế, nguyên nhân sản sinh ra tình hình nợ xấu, đồng thời cần vận dụng những biện pháp đặc biệt để xử lý. Theo tôi, một số cơ chế có thể được đưa ra xem xét với góc độ là nguyên nhân gây ra nợ xấu:

Một là cho vay thực hiện dự án với thế chấp là chính dự án đó. Nếu dự án thất bại, kinh doanh không hiệu quả thì nợ xấu khó thu hồi vì không ai nhận sang nhượng dự án thất bại đó. Việc triển khai dự án nên là vốn tự có, không nên là vốn vay. Thực tế chỉ ra rằng nếu doanh nghiệp dùng vốn vay để đầu tư một nhà máy xi măng và thế chấp bằng chính nhà máy đó thì NH sẽ mất vốn đáng kể khi nhà máy thua lỗ.

Hai là cho vay phải có thế chấp bằng bất động sản dễ thanh khoản và có giá trị đảm bảo thu hồi nợ. Việc nhận thế chấp kho hàng, động sản có thể dẫn NH đến mất trắng như vụ việc 5 ngân hàng cùng nhận thế chấp kho thủy sản tại Cần Thơ hoặc tàu Hoa Sen mua vào hơn 1 ngàn tỷ nhưng bán lại chỉ dưới 1 trăm tỷ đồng.

Ngoại trừ cho vay nông nghiệp, nông thôn, việc NH nhận thế chấp bằng những mảnh đất xa xôi khó bán (mơ hồ trong việc định giá – dẫn đến khó bán và thất thoát vốn khi thanh lý), thế chấp bằng tài sản là những máy móc thiết bị (ranh giới giữa giá thiết bị khi sản xuất có lãi và giá thanh lý phế liệu khi máy móc lạc hậu, sản xuất gây lỗ là quá lớn), thế chấp bằng kiến trúc xí nghiệp khó định giá sẽ dẫn NH đến việc ôm thế chấp trong khi phải trả lãi huy động vốn đều đặn. Do vậy, NH chỉ nên nhận thế chấp đất đô thị theo bảng giá Nhà nước thì sẽ hạn chế rủi ro.

Theo tôi, đã đến lúc ngưng cơ chế tín chấp nếu muốn NH đảm bảo thu được nợ. Và trong tình hình này, cũng nên tạm ngưng việc định giá tài sản theo giá thị trường và do nhân viên NH tự định nhằm hạn chế những hậu quả xấu từ vấn đề “đạo đức nghề nghiệp” của một số nhân viên NH.

Ba là hạn chế cho vay mặt hàng, ngành hàng đang bị đầu cơ, bong bóng giá. Trước thực trạng giá bất động sản bị đầu cơ, cầu ảo thì lẽ ra nên hạn chế tín dụng vào lĩnh vực này từ vài năm trước.

Bốn là không nên cho vay chỉ dựa vào tài sản thế chấp mà mục đích kinh doanh không rõ ràng nhằm tránh việc người vay dùng tiền cho vay lại lãi suất cao, sẽ dẫn đến vỡ nợ. Đằng sau các vụ bể hụi, tín dụng đen xảy ra thời gian qua phần lớn là tiền vay ngân hàng.

Năm là không cho vay qua môi giới. Với loại hình này người vay nợ được “dịch vụ” lo hết thủ tục, chỉ ký tên và nhận tiền tại NH. Loại hình này thường là người có nhà nhưng không kinh doanh (giấy phép kinh doanh chỉ là thuần đăng ký cho hợp thủ tục). Họ  đứng ra vay vốn rồi giao lại cho người môi giới kinh doanh tiền để nhận một tỷ lệ lãi hàng tháng với khái niệm “nhà mình vẫn ở, sổ đỏ NH giữ dùm, có tiền lãi hàng tháng” nhưng trên thực tế số tiền trên đi vào tín dụng đen. Khi bể nợ, việc thu hồi của NH sẽ gặp tranh chấp, khó khăn.

Sáu là cần có một mặt bằng lãi suất phù hợp để người vay có khả năng kinh doanh hiệu quả, đủ trả lãi vay. Lãi suất quá cao thời gian qua là nguyên nhân lớn đối với nợ xấu.

Bảy là các NH không nên được tự đầu tư (mua bán chứng khoán, góp vốn vào các công ty hay kinh doanh bất động sản…). Vốn chủ sở hữu chỉ dùng để bổ sung nguồn cho vay nhằm đảm bảo cân đối thanh khoản và bù đắp rủi ro.

Đối với việc thu hẹp quy mô nợ xấu hiện hữu, NHNN cần tổng rà soát các khoản cho vay lớn, các khoản đầu tư lớn của từng NH, nhằm phát hiện và buộc NH phải thực hiện thanh lý tài sản thế chấp thu hồi nợ. Mục đích của việc này là nhằm tránh lãi vay phát sinh quá lớn dẫn đến thiếu hụt thanh toán nợ, đồng thời phải trích lập dự phòng rủi ro ngay với các khoản nợ có khả năng mất vốn. Thực hiện lành mạnh hóa tình hình tài chính dần với mọi NH, tránh để tình trạng NH giấu nợ xấu, dùng lãi phân phối hết cho cổ đông, khi lộ diện mất vốn lớn thì không đủ nguồn bù đắp. Trường hợp ABBank hạch toán lỗ trong quý 3/2011 nhằm trích lập dự phòng rủi ro là trường hợp cần nhân rộng trong việc tái cơ cấu NH hiện nay.

Sông Ray 

Các tin tức khác

>   Tái cấu trúc ngân hàng: Thời cơ cải tổ toàn diện  (30/11/2011)

>   Ngân hàng lớn cũng không nằm ngoài vòng sáp nhập (30/11/2011)

>   Vay nóng với thẻ tín dụng (30/11/2011)

>   Ngân hàng khát tiền (30/11/2011)

>   NHNN yêu cầu đảm bảo an toàn khi trang bị ATM (29/11/2011)

>   NHNN: Tiền giả có xu hướng giảm (29/11/2011)

>   Phó chủ tịch LienVietPostBank: “Tôi đã bảo mẹ bán vàng gửi tiền” (29/11/2011)

>   Ngân hàng “khát” nhiều loại ngoại tệ (29/11/2011)

>   Tái cơ cấu ngân hàng - Người gửi tiền có nên lo ngại? (29/11/2011)

>   Nhiều chiêu lừa đảo ngân hàng (29/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật