Tháng Chạp: Ngân hàng sẽ “mở lòng từ bi”?
(Vietstock) - Trong tháng cuối cùng của năm 2011, các ngân hàng sẽ phải tính đến một khả năng có thể diễn ra: nếu Ngân hàng Nhà nước thực hiện hạ mặt bằng lãi suất thêm 2% nữa thì tình thế sẽ chuyển biến ra sao?
Tín hiệu từ ngân hàng nhỏ
Từ nửa năm qua, nợ xấu bất động sản (BĐS) đã trở thành một dấu hỏi ngày càng phình to trong não trạng của những người quan tâm đến chủ đề này. Tuy nhiên chưa có bất cứ một con số nào được chính thức công khai.
Trong bối cảnh thị trường BĐS rơi vào cơn hôn mê sâu, đặc biệt từ tháng 5/2011 đến nay, tình trạng mù mờ của các số liệu về nợ xấu BĐS càng làm dấy lên mối nghi ngờ trong dư luận.
Chỉ mới đây, vào ngày 25/11/2011, trong một nội dung trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình đã lần đầu tiên trong năm công bố tỷ lệ nợ xấu BĐS. Tỷ lệ này chỉ chiếm 4.2% dư nợ cho vay BĐS.
Người đứng đầu ngành ngân hàng Việt Nam cũng nhận định một cách khá trôi chảy rằng với tỷ lệ như thế, BĐS không phải là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nợ xấu của Việt Nam.
Có vẻ như một hiệu ứng nhỏ đã tác phát. Mười ngày trước khi ông Nguyễn Văn Bình đăng đàn trả lời chất vấn của Quốc hội, An Bình (ABBank) và Đại Dương (Oceanbank) đã trở thành hai ngân hàng thương mại (NHTM) nhỏ phát động một chiến dịch cho vay mua nhà. Trong bối cảnh thị trường BĐS gần như đóng băng ở cả ba miền Trung - Nam - Bắc, việc ngân hàng nối lại các chương trình cho vay mua nhà là một tín hiệu khác thường.
Cơ sở có lý duy nhất mà người ta có thể dùng để diễn giải động thái cho vay mua nhà của hai ngân hàng nhỏ trên là văn bản số 8844 của Ngân hàng nhà nước (NHNN) ban hành vào ngày 14/11 năm nay. Mặc dù được lồng trong nội dung chỉ đạo chung về tình hình tín dụng cuối năm 2011, nhưng việc 4 nhóm đối tượng BĐS, đặc biệt là nhóm thứ tư, được văn bản này loại trừ khỏi khu vực tín dụng phi sản xuất, hẳn đã tạo điều kiện khai thông phần nào dòng vốn đang bị ách tắc từ ngân hàng đến các doanh nghiệp và cá nhân.
Tháng 12/2011 có thể chứng kiến làn sóng cho vay mang tính kích thích hơn nữa đối với đối tượng tiêu dùng và BĐS. |
Thật ra ABBank và Oceanbank chỉ là hai NHTM cổ phần tiếp bước từ phát pháo hiệu của Ngân hàng Đầu tư phát triển (BIDV). Ngay trước khi lãi suất huy động 14% được NHNN tái thiết lập trên toàn bộ hệ thống các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam vào ngày 7/9/2011, BIDV đã đi tiên phong trong việc nối lại chương trình cho vay đối với chứng khoán và BĐS, tuy vẫn với mức lãi suất cho vay cao.
Cùng với BIDV, còn có các ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - STB), Techcombank và Ngân hàng TMCP Á châu (ACB). Việc ACB cho vay đã hình thành từ lâu như một “truyền thống” của ngân hàng này, còn đối với Sacombank thì người ta lại thường nhắc đến công ty con của nó - Sacomreal - đang có chiều hướng tái lập và mở rộng hoạt động các dự án xây dựng căn hộ loại trung cấp.
Như vậy, có thể xác định thời điểm tái khởi động việc cho vay đối với BĐS tại ngân hàng là vào đầu tháng 9/2011, còn giữa tháng 11 năm nay lại là mạch tiếp nối của dòng vốn chảy từ ngân hàng sang khu vực tiêu dùng.
Sức ép cho “lòng từ bi”
Vấn đề hiện thời về hướng đi của dòng vốn không hẳn lệ thuộc vào mối quan hệ ngân hàng – doanh nghiệp, mà dĩ nhiên phải tính đến cả mối tương quan ngân hàng – cá nhân.
Hiện nay, các ngân hàng đang nhìn nhau, còn doanh nghiệp lại nhìn vào ngân hàng. Nếu trong thời gian tới, dòng vốn từ ngân hàng chảy mạnh hơn vào khối tiêu dùng cá nhân, đi kèm với điều kiện mặt bằng lãi suất hạ dần dưới vùng 18-19%, thì kể cả những doanh nghiệp sản xuất đang trong tình trạng khó khăn cũng có thể bắt đầu tính toán đến phương án vay mượn ngân hàng.
Khả năng dòng vốn dịch chuyển mạnh hơn từ ngân hàng đến cá nhân là có thể, và cũng đang dần có tín hiệu của xu thế. Trong một phát ngôn gần đây, ông Lê Xuân Nghĩa – Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia – đã dự đoán sau văn bản 8844 của NHNN, trong thời gian tới nhóm đối tượng được tách khỏi khu vực tín dụng phi sản xuất tại các ngân hàng còn có thể mở rộng hơn.
Trong cách lý giải của ông Lê Xuân Nghĩa, Chính phủ ước tính tín dụng năm 2011 chỉ tăng trưởng ở mức 14%, thấp hơn khá nhiều so với chỉ tiêu 20%, tổng phương tiện thanh toán ước tăng 12% (chỉ tiêu cả năm là 16%), đồng thời lạm phát đang có xu hướng giảm dần; do vậy năm 2012 có thể Chính phủ sẽ ban hành một nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 11 về ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, trong đó chú trọng bảo vệ hệ thống ngân hàng và hỗ trợ doanh nghiệp. Theo đó, tổng phương tiện thanh toán là 12%-13%, hạn mức tăng trưởng tín dụng 16%-17%.
Cần nhắc lại, Nghị quyết 11 của Chính phủ được ban hành vào cuối tháng 2/2011, đến nay dã trải qua đúng 3 quý. Đó cũng là khoảng thời gian chứng kiến những kịch tính trong biến động của lạm phát: chỉ số lạm phát trỗi dậy rồi tăng vọt, lập đỉnh cao vào tháng 6, sau đó dần chững lại và tạo đỉnh cuối vào tháng 8. Trong 4 tháng liên tiếp gần đây, chỉ số này đã giảm về dưới mức 1%. Riêng hai tháng 10 và 11, lạm phát nằm trong khung “lý tưởng”, dao động từ 0.35-0.39%.
Nếu mọi chuyện tiếp tục diễn ra theo đà ổn định, trong tháng 12/2011, chỉ số lạm phát cũng chỉ gần tương đương như tháng 10 và tháng 11 – vào khoảng 0.35%. Đó là điều kiện tiên quyết để NHNN có thể bắt tay vào việc kéo giảm dần lãi suất huy động và lãi suất cho vay – thực hiện lời hứa của Thống đốc Nguyễn Văn Bình trước Quốc hội.
Cũng trong tháng 11/2011, một số quốc gia thuộc khu vực châu Á như Thái Lan, Philippines, Pakistan đã đồng loạt lên phương án hạ lãi suất, nhằm tránh nguy cơ hoạt động sản xuất trong nền kinh tế bị rơi vào tình trạng đình trệ. Vì thế nếu Việt Nam có hạ lãi suất vào tháng 12/2011 thì cũng không phải là một hiện tượng mang tính dị biệt.
Xu thế hạ dần lãi suất cũng là cơ sở cho các ngân hàng “mở lòng từ bi” hơn nữa. Ngoài những ngân hàng đã nối lại chương trình cho vay tiêu dùng, trong thời gian tới chắc chắn sẽ xuất hiện những ngân hàng khác.
Vào đầu tháng 5/2011, mặc dù đã có bước khơi thông đầu tiên cho NHTM khi NHNN tiến hành tái cấp một lượng vốn khoảng 70,000 tỷ đồng cho một số ngân hàng, nhưng thực tế sau đó phần lớn nguồn vốn tín dụng vẫn không thoát khỏi thị trường liên ngân hàng. Đến tháng 9/2011, mới chỉ khoảng 20-25% vốn tín dụng của các ngân hàng được giải ngân cho khu vực I. Còn đến nay, những ngân hàng lớn cũng chỉ mới giải ngân được khoảng 50% kế hoạch cho vay tín dụng đến cuối năm 2011.
Tình thế chập chờn trong dịch chuyển của dòng vốn đã không chỉ gây khó cho doanh nghiệp. Ở một khía cạnh khác, người ta có thể ngẫm ra lý do vì sao ABBank lại là ngân hàng đầu tiên công bố lỗ trong quý 3/2011. Hiển nhiên nếu không đẩy mạnh cho vay, nhiều ngân hàng sẽ rơi vào tình trạng nghẽn vốn và đương nhiên sẽ bị giảm mạnh lãi trong quý 4 năm nay.
Hà Nội: thêm một tín hiệu nữa?
Trong tháng cuối cùng của năm 2011, các ngân hàng sẽ phải tính đến một khả năng có thể diễn ra: nếu NHNN thực hiện hạ mặt bằng lãi suất thêm 2% nữa thì tình thế sẽ chuyển biến ra sao?
Từ tháng 10/2011, đã xuất hiện những ý kiến của chuyên gia trong Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia về sự cần thiết và khả năng kéo giảm lãi suất huy động xuống còn 12%/năm ngay trong năm nay. Thậm chí, một vài kiến nghị của tổ chức hiệp hội còn đề nghị mặt bằng lãi suất huy động chỉ còn 10%/năm.
Nếu trường hợp NHNN giảm lãi suất huy động xảy ra vào tháng 12/2011, lẽ đương nhiên mặt bằng lãi suất cho vay cũng không còn duy trì ở vùng 17-19%/năm nữa. Dòng vốn từ ngân hàng chắc chắn sẽ tuôn ra mạnh hơn, khi phần lớn các doanh nghiệp sẽ chấp nhận vùng lãi suất cho vay 15-16%.
Còn nếu thời điểm hạ lãi suất diễn ra cùng thời gian ban hành “gói giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô”, mà thực chất là gói kích cầu của Chính phủ, điều đó sẽ mang hàm ý hơn nhiều đối với ngân hàng. Khi đó, gần như một mệnh lệnh bất thành văn, các NHTM sẽ phải tính đến khả năng cạnh tranh lẫn nhau trong việc tìm đối tượng cho vay. Đó là chưa kể đến nguồn tái cấp vốn của NHNN cho một số NHTM nhỏ để bảo đảm thanh khoản, và do đó cũng tăng sức ép phải lưu chuyển vốn đối với những ngân hàng này.
Nằm trong xu thế trên, tháng 12/2011 có thể chứng kiến làn sóng cho vay mang tính kích thích hơn nữa đối với đối tượng tiêu dùng và BĐS. Nếu quả thực nợ xấu BĐS chỉ chiếm 4.2% trong dư nợ tín dụng BĐS, còn dư nợ cho vay trực tiếp BĐS chỉ đại diện có 8.3% trong tổng dư nợ của khối ngân hàng, thì đó có thể là một cơ sở khá mãn nguyện để ngân hàng tăng cường cho vay hơn là duy trì trạng thái thủ thế như hiện nay.
Một thông tin mới nhất cho biết Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vừa ký quyết định hỗ trợ lãi suất 2.4%/năm cho một số doanh nghiệp công nghiệp chủ lực; doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp, chế biến hàng nông sản thực phẩm; các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu…
Vào tháng 2/2009, NHNN cũng đã có một thông tư hỗ trợ mức lãi suất cho vay 4%/năm đối với doanh nghiệp. Văn bản này nằm trong hệ thống gói kích cầu nhằm khắc phục khó khăn cho doanh nghiệp sau cuộc khủng hoảng năm 2008.
Nói một cách nào đó, động thái của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội gần giống như một thách thức nữa đối với tầm nhìn ngắn hạn và cả trung hạn của khối NHTM.
Hạ Xuyên
|