Xuất khẩu gạo đang thuận lợi
Các chuyên gia khuyến cáo doanh nghiệp trong nước cần theo dõi sát tình hình và tính toán kỹ trong việc ký hợp đồng xuất khẩu gạo hiện nay.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cơ hội xuất khẩu gạo của Việt Nam những tháng cuối năm và quý I/2012 là rất lớn. Nguyên nhân là do nhu cầu tiêu thụ tại các nước nhập khẩu gạo, cũng như các thị trường mới ngày càng tăng. Trong khi đó, nguồn cung từ Thái Lan có thể bị ảnh hưởng mạnh do lũ lụt kéo dài.
Cầu cao, nguồn cung bị thu hẹp
Ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch VFA, cho biết doanh nghiệp (DN) xuất khẩu không nên vội ký hợp đồng giá thấp vì cơ hội xuất khẩu còn khá nhiều. Tại Hội nghị Quốc tế Lúa gạo vừa được tổ chức cuối tháng 10 ở TPHCM, đại diện các nước nhập khẩu gạo của Việt Nam như Indonesia, Philippines, Bangladesh đều tuyên bố sẽ nhập khẩu thêm gạo của Việt Nam. Chẳng hạn Indonesia cần nhập thêm 1,5 triệu tấn gạo, Bangladesh nhập thêm 450.000 tấn và Philippines cũng sẽ nhập thêm 150.000 tấn từ Việt Nam và Trung Quốc.
TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, nhận định thị trường xuất khẩu gạo sắp tới khá lớn. Theo đánh giá của Tổ chức Lương thực Thế giới hiện có cả tỉ người bị đói, nhu cầu tiêu thụ lương thực đang rất cao. Việc Thái Lan bị ngập lụt cũng đã ảnh hưởng đến 6 - 7 triệu tấn lúa làm hạn chế khả năng xuất khẩu gạo của nước này. Ông Bảnh phân tích thêm: Tỉ lệ xuất khẩu gạo của Thái chiếm 30% thế giới, Việt Nam chiếm 20%. Việc Thái bị thiệt hại do lũ lụt sẽ tác động không nhỏ đến nguồn cung trên thế giới, chưa kể chính phủ mới của họ sẽ trợ giá thu mua lúa cao và đương nhiên giá xuất khẩu của họ sẽ tăng lên 700 USD- 800 USD/tấn gạo. Nếu thị trường thế giới không chấp nhận giá mới này thì có khả năng Thái Lan sẽ tạm ngưng xuất khẩu một thời gian. Ở nước ta, vụ thu đông sắp tới tại ĐBSCL sẽ cho sản lượng hơn 3 triệu tấn lúa, góp phần vào xuất khẩu gạo cuối năm tăng thêm.
DN cần chuẩn bị kỹ
“Hiện nay, còn quá sớm để nhận định tình hình gạo trên thị trường thế giới có tăng vọt hay không sau lũ lụt ở Thái Lan. Điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố”- TS Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh Cần Thơ, thận trọng nhận định. Tuy nhiên, theo TS Võ Hùng Dũng, nếu không có lũ lụt, Thái Lan cũng sẽ thực hiện chính sách mới về lúa gạo của nước này được công bố ngày 7-10. Theo đó, lúa thường sẽ vào khoảng 500 USD/tấn, lúa đặc sản khoảng 670 USD/tấn, tăng khoảng 30%. Nếu tình hình lũ lụt ở Thái Lan nghiêm trọng, kéo dài và vụ mùa của các nước xuất khẩu gạo khác cũng bị ảnh hưởng thì việc giá gạo tăng là chắc chắn. Ấn Độ và Pakistan cũng xuất một lượng gạo lớn sang nhiều thị trường, nên việc dự báo giá gạo thế giới tăng là chưa chắc chắn... Vì vậy, các DN cần theo dõi thêm.
Ông Phạm Văn Bảy cho biết: Dự kiến cuối tuần sau, VFA sẽ họp để đánh giá tình hình thị trường. Theo VFA, đến nay Việt Nam đã ký hợp đồng xuất khẩu gạo được 7 triệu tấn nhưng thời điểm này hợp đồng thương mại ký thêm không nhiều một phần là do gạo Ấn Độ cạnh tranh giá (giá gạo trắng của Ấn Độ xuất sang châu Phi thấp hơn khoảng 100 USD/tấn so với gạo Thái Lan và Việt Nam). Vì vậy, các DN cần theo dõi sát tình hình giá thế giới. TS Lê Văn Bảnh lo ngại: “Một số DN của Thái Lan và Trung Quốc đã vào Việt Nam thành lập cơ sở thu mua lúa gạo. Do đó, DN trong nước cần chuẩn bị thật kỹ để không rơi vào tình trạng như ngành sản xuất cà phê”…
Nhiều ý kiến cũng lo ngại, hiện giá lúa tại ĐBSCL từ 6.200 đồng-6.400 đồng/kg, có nơi thu mua lên đến 7.000 đồng/kg; mức giá được đánh giá là khá cao. Nếu giá lương thực tăng tiếp, trong khi không chuẩn bị kỹ cho tiêu thụ nội địa, có thể tác động không tốt đến thị trường, gây ảnh hưởng đến giá cả hàng tiêu dùng khác.
Xuất khẩu gạo thơm, gạo đồ
Ông Phạm Văn Bảy cho biết: Từ đầu năm đến nay, lượng gạo thơm xuất khẩu sang Hồng Kông và Trung Quốc khá cao, khoảng 370.000 tấn và sẽ đạt 400.000 tấn trong năm nay. Dự kiến số lượng này sẽ tăng lên 500.000 tấn trong năm 2012. Do đây là loại gạo chất lượng cao và giá thấp nên ưu thế hơn so với gạo Thái Lan. Bên cạnh việc tăng cường xuất khẩu gạo thơm, Việt Nam cũng đang hướng đến việc phát triển xuất khẩu gạo đồ. Hiện sản lượng gạo đồ của Việt Nam khoảng 55.000 tấn. |
Ca Linh - Nguyễn Hải
Người lao động
|