Gạo Việt Nam lên ngôi
Lũ lụt khiến Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, bị giảm hàng triệu tấn lúa. Cơ hội cho xuất khẩu gạo của Việt Nam.
|
Gạo Thái Lan nhập khẩu tại siêu thị vẫn được nhiều bà nội trợ lựa chọn. |
Giá gạo tăng nhẹ
Theo khảo sát của PV Tiền Phong tại các chợ và siêu thị trên địa bàn Hà Nội, giá gạo siêu thị chưa tăng giá, nhưng giá gạo ở các chợ như Thái Hà, Nghĩa Tân, Đồng Tâm, Đồng Xa… tăng nhẹ.
Ở chợ Nghĩa Tân, gạo Thái Lan nhập khẩu đóng 10 kg/túi giá 25.000 - 26.000 đồng/kg, còn một số loại gạo của của Việt Nam như tám Hải Hậu 20.000 đồng/kg, tám Điện Biên 18.000 đồng/kg. Một tiểu thương ở chợ này cho hay, so với hơn một tuần trước, giá gạo Thái Lan nhập khẩu tăng, kéo giá các loại gạo Việt Nam tăng theo từ 500 đồng đến 2.000 đồng/kg, tùy loại. Tuy nhiên, giá gạo trong nước bán tại các siêu thị vẫn ổn định.
Tại cửa hàng của Cty CP Phân phối-bán lẻ VNF1 (Tổng Cty Lương thực miền Bắc), giá gạo nội địa hơn 4 tháng nay vẫn chưa tăng giá. Hiện VNF1 bán gạo Bắc Hương 17.800 đồng/kg, tám Điện Biên là 20.800 đồng/kg, Ngọc Sương 26.200 đồng/kg, Trân Châu 25.800 đồng/kg…
Tuy nhiên, giá gạo Thái Lan nhập khẩu mỗi nơi vẫn bán một giá, chênh lệch từ 2.000 đồng đến 10.000 đồng/kg. Chị Hạnh, chủ một cửa hàng gạo Quan Hoa (Cầu Giấy) cho biết, giá gạo Thái Lan nhập khẩu đã tăng lên 29.000-30.000 đồng/kg, mua cả tấn cũng không giảm giá thấp hơn được.
Trong khi đó, tại siêu thị Big C, giá gạo tám Thái Lan sữa, tám Thái Lan đặc biệt đều bán giá 24.500 đồng/kg, còn tại siêu thị Hapro ở Kim Liên, giá gạo Thái Lan nhập khẩu đóng túi 2 kg, loại túi xanh 31.250 đồngkg, còn túi đỏ tới 41.500 đồng/kg.
Theo một số lái buôn gạo, không dại gì ăn gạo Thái nhập khẩu lúc này, vì vừa đắt, lại là gạo cũ. Thái Lan có hai vụ, thì gạo đang bán thị trường Việt Nam chủ yếu gạo cũ, còn vụ chính, vụ mới, thì Thái Lan đang ngập lụt, không nhập được.
Tại vựa lúa ĐBSCL, gạo nguyên liệu 5% tấm, các doanh nghiệp mua vào từ 9.500 - 9.700đ/kg. Giá lúa khô từ 7.100 - 7.250đ/kg. Giá lúa gạo biến động tăng nhẹ, vài trăm đồng/kg, dù thiệt hại do lũ gây ra khá nặng nề.
Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang ông Trần Quang Củi cho biết: “Thiệt hại do lũ gây ra trong mấy tháng qua trên địa bàn tỉnh đã làm trên 2.000 ha lúa mất trắng. Tuy nhiên sản lượng lúa của tỉnh năm nay vẫn đạt mức cao nhất từ trước tới nay với 3 triệu 942 ngàn tấn, tăng 440 ngàn tấn so với năm 2010. Xuất khẩu đạt 880 ngàn tấn, tăng 30 ngàn tấn theo kế hoạch. Hiện lúa ở trong dân vẫn còn rất nhiều”.
Cơ hội cho gạo Việt
Lâu nay, Việt Nam luôn đứng thứ 2 thế giới, sau Thái Lan về xuất khẩu gạo. Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), nhận định: “Thái Lan xuất khẩu trung bình mỗi năm khoảng 7-9 triệu tấn gạo. Tuy nhiên, năm nay Thái Lan bị lũ lụt nặng, dù chưa có thống kê chính thức, nhưng cũng phải mất vài triệu tấn thóc, Campuchia mất khoảng 2 triệu tấn, Lào khoảng 1 triệu tấn.
Như vậy các nước xung quanh đều bị ảnh hưởng lũ. Trong lúc cung thiếu, cầu cao hơn, giá gạo đang cao, đây là cơ hội xuất khẩu, vấn đề là doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải biết chớp thời cơ”.
Khoảng 20 ngày nữa là thu hoạch xong lúa thu đông ở miền Nam và mùa ở miền Bắc. Tổng sản lượng lương thực năm nay có thể hơn 41 triệu tấn, hơn năm 2010 trên 1 triệu tấn.
Tuy nhiên, ông Phạm Quang Diệu, chuyên gia của Cty CP Phân tích và Dự báo thị trường Việt Nam (Agromonitor) cho biết, lũ lụt có thể khiến Thái Lan giảm khoảng 25% sản lượng vụ chính, tuy nhiên, thiệt hại này không phải quá lớn, có chăng chỉ là tâm lý.
Thực tế, khoảng 3 tháng nay, do nhiều doanh nghiệp đầu cơ từ chính sách thu mua của Chính phủ Thái Lan, nên họ không ký hợp đồng mới, số lượng xuất khẩu rất ít, chỉ bằng một nửa so với trước đây. Hiện có lượng gạo trữ ở doanh nghiệp và Chính phủ Thái Lan có thể lên 3-5 triệu tấn.
Theo ông Diệu, hiện giá gạo xuất khẩu của Việt Nam khoảng 570-580 USD/tấn, còn gạo của Thái Lan 595-600 USD/tấn. “Nhưng giá gạo Thái, kể cả gạo Việt Nam hiện chỉ là giá ảo mà thôi. Giá gạo Việt Nam cao chẳng qua do tác động dây chuyền từ giá nguyên liệu, chứ không phải do giá gạo Thái tăng rồi đẩy gạo ta tăng. Thực tế, doanh nghiệp tự nâng giá nhưng có giao dịch được đâu”.
Trao đổi với Tiền Phong , ông Nguyễn Hùng Linh - Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cho biết: “Tác động lớn nhất hiện nay đến việc xuất khẩu gạo chính là việc Ấn Độ và Pakistan đang tung gạo tồn kho bán ra thị trường thế giới với số lượng lớn, giá rẻ. Giá gạo xuất khẩu tại hai quốc gia này thấp hơn giá gạo xuất khẩu của Việt Nam khoảng 100 USD/tấn.
Loại gạo 5% tấm của Việt Nam hiện xuất đi với giá khoảng 570 USD/tấn, trong khi Ấn Độ và Pakistan chỉ ở mức 470 USD/tấn cùng chủng loại. Chính vì sự chênh lệch này đã tác động trực tiếp đến việc xuất khẩu gạo của Việt Nam. Khi xuất khẩu không được thì giá lúa gạo trong nước cũng không cao”.
Theo Bộ NN&PTNT, 10 tháng đầu năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 6,5 triệu tấn, đạt 3,3 tỷ USD, tăng 11,6% về lượng và 20,3% về giá trị. Giá gạo xuất khẩu bình quân 9 tháng đầu năm đạt 500 USD/tấn, tăng xấp xỉ 7% so với cùng kỳ năm 2010.
Tổng sản lượng lúa cả năm 2011 ước đạt trên 41,5 triệu tấn, qua cân đối cung-cầu, năm nay Việt Nam có thể xuất khẩu trên 7 triệu tấn gạo (chưa kể khoảng 840.000 tấn tồn kho của doanh nghiệp năm 2010 chuyển sang).
Phạm Anh - Hồng Lĩnh
Tiền Phong
|