Vùng Viễn Đông Nga quan tâm nông sản Việt
Chính phủ Nga đang đầu tư xây dựng nhiều cơ sở chiến lược tại vùng Viễn Đông. Mùa đông kéo dài và khắc nghiệt, việc sản xuất nông nghiệp trong vùng sẽ bị hạn chế, đây sẽ là điều tốt để đưa hàng thực phẩm tiêu dùng, nông sản đóng hộp của VN sang tiêu thụ.
Ông Nguyễn Duy Thành - chủ tịch HĐQT Công ty Agrimeks-DV, thành phố Vladivostok, đồng thời là chủ tịch hội người Việt tại vùng Primorye, Liên bang Nga - chia sẻ về cơ hội giao thương giữa VN và vùng Viễn Đông nói riêng, thị trường Nga nói chung.
Hiện các mặt hàng xuất khẩu chính từ VN là nhóm hàng mì ăn liền và các sản phẩm mì, rau củ quả đóng hộp như cà chua, dưa chuột, tương ớt, hạt điều, cà phê, cao su tự nhiên, tinh bột sắn, thủy sản... Các mặt hàng nhập khẩu chính về VN là các sản phẩm sắt thép, amiăng... Theo số liệu của hải quan Viễn Đông, trong năm tháng đầu năm 2011, trị giá hàng hóa xuất nhập khẩu giữa các doanh nghiệp VN và các doanh nghiệp Viễn Đông qua hệ thống cảng Viễn Đông đạt 45 triệu USD. Trong đó VN xuất khẩu 13 triệu USD, nhập khẩu từ Nga 32 triệu USD.
* Vùng Viễn Đông quan tâm đến những mặt hàng nào, thưa ông?
- Nhu cầu và thị hiếu của Viễn Đông đối với hàng nhập khẩu rất khác nhau, nhất là đối với hàng hóa nông sản thực phẩm tiêu dùng hằng ngày. Hiện nay do tình hình kinh tế khó khăn nên người dân có xu hướng chuyển sang sử dụng và tiêu thụ các loại hàng có giá rẻ trên thị trường, tuy nhiên các loại hàng này vẫn phải bảo đảm các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Có thể nói hiện nay tại thị trường Viễn Đông, các nhà sản xuất và xuất khẩu của Trung Quốc đã làm được điều này và chiếm được phần lớn thị trường khi xuất khẩu các loại hàng hóa rẻ tiền, hầu hết các loại hàng tiêu dùng thiết yếu, kể cả những thứ nhỏ nhất như cái tăm, sợi chỉ, đồ chơi trẻ em, mặc dù chính quyền sở tại vẫn khuyến cáo, thậm chí có chủ trương hạn chế hàng Trung Quốc.
* VN cần làm gì để có thể phát triển thương mại sang vùng này?
- Việc Chính phủ Nga đang muốn phát triển vùng Viễn Đông thông qua việc hợp tác và hội nhập với các nước châu Á, trước mắt là muốn tăng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm năng lượng thông qua các hải cảng của Viễn Đông, đang tạo ra những yếu tố thuận lợi để các doanh nghiệp VN có thể triển khai hợp tác đầu tư thương mại với phía bạn.
Trước kia thời Liên Xô, thị trường Viễn Đông cũng như Liên bang Nga có rất nhiều hàng hóa VN được dân Nga ưa chuộng như hàng rau củ quả đóng hộp của Vigetexco, hàng may mặc, giày dép của VN... Tuy nhiên, hiện nay các mặt hàng VN ít đi, thay thế bằng các mặt hàng của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... Thậm chí hiện nay có nhiều doanh nghiệp và thương nhân người VN ở Nga đang bán hàng cho Trung Quốc. Một số mặt hàng nông sản của VN như dưa chuột muối, nước tương... giá thấp bằng 2/3 giá hàng của các nước khác nhưng vẫn bán không chạy và có mặt hàng của VN mang thương hiệu thương mại không phải của VN.
Để tăng số lượng hàng VN nhập vào Nga và xây dựng thương hiệu cho hàng VN, nên tổ chức tham gia triển lãm thường niên hàng VN tại thành phố cảng Vladivostok, Khabaropsk hoặc tổ chức trung tâm thương mại hàng VN và chỉ bán riêng các mặt hàng VN tại thành phố cảng Vladivostok, với giá bán buôn các mặt hàng bắt đầu từ nông sản, thực phẩm, hàng may mặc, giày dép và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác... Sau đó có thể xây dựng nhà máy thứ hai tại Viễn Đông, đưa hàng bán thành phẩm từ VN (giảm thuế nhập) sang Nga lắp ráp, hoàn thiện thành sản phẩm hoàn chỉnh. Việc này thành phố Vladivostok, vùng Primorye rất ủng hộ.
P.Phương
tuổi trẻ
|