Thứ Hai, 31/10/2011 22:17

Xuất khẩu nông sản lo rối vì quy định mới

Xuất khẩu nông sản đang hướng tới kỷ lục mới, nhưng doanh nghiệp xuất khẩu nông sản vẫn lo lắng vì nhiều vướng mắc về vật tư, nguyên liệu đầu vào chưa được tháo gỡ.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu nông, lâm và thủy sản tháng 10 ước đạt 2,2 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đầu năm lên 20,8 tỷ USD, tăng 34,5% so với cùng kỳ năm 2010. Trong đó, các mặt hàng nông sản chính vẫn giữ được vị trí chủ lực với kim ngạch ước đạt 11,6 tỷ USD, tăng xấp xỉ 45%. Đáng mừng là, cả thị trường lẫn giá xuất khẩu của hầu hết các loại nông sản đều tăng khá mạnh.

Cụ thể, xuất khẩu thủy sản 10 tháng đầu năm đạt gần 5 tỷ USD. Hầu hết các thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đều tăng trưởng ấn tượng về giá trị. Điển hình là Hoa Kỳ tăng 27,7%, Hàn Quốc tăng 38,1%, Trung Quốc tăng 47,5% và Italy tăng 42,1%. Xuất khẩu gạo cũng đạt 3,3 tỷ USD, tăng 11,6% về  lượng và 20,3% về giá trị, vượt mục tiêu đề ra ban đầu cho cả năm. Xuất khẩu gạo tăng mạnh tại hầu hết các thị trường, như Indonesia tăng 2,8 lần, Senegal tăng 5 lần và Trung Quốc tăng hơn 3 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2010.

Xuất khẩu cà phê 10 tháng đầu năm cũng đạt khoảng 2,3 tỷ USD, tăng xấp xỉ 6% về lượng và 60,6% về giá trị so với năm 2010. Xuất khẩu cao su cũng thu về 2,6 tỷ USD, tăng hơn 57% về kim ngạch, giá xuất khẩu tăng hơn 56% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tương tự, trong 10 tháng đầu năm, xuất khẩu lâm sản và đồ gỗ đạt khoảng 3,4 tỷ USD, tăng 16,2%; xuất khẩu hạt điều đạt 1,2 tỷ USD, giảm hơn 8% về lượng, nhưng tăng 36,5% về kim ngạch do giá xuất khẩu tăng 48%; xuất khẩu hạt tiêu đạt 702 triệu USD. 

Như vậy, mục tiêu ban đầu đề ra cho xuất khẩu nông sản năm 2011 đã đạt được chỉ trong vòng 10 tháng. Khả năng, trong năm nay, ngành nông nghiệp sẽ đạt kỷ lục mới về xuất khẩu, khoảng 20-24 tỷ USD.

Tuy thị trường xuất khẩu rất khả quan, song những diễn biến mới trên thị trường đang khiến DN xuất khẩu lo ngại. Hiện giá vật tư nguyên liệu phục vụ sản xuất đang có tốc độ tăng giá nhanh hơn tốc độ tăng giá của sản phẩm. Giá nhiều sản phẩm nhập khẩu như phân bón, cao su, thức ăn chăn nuôi… đều tăng cao hơn 20-25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, các DN đang phải đối mặt với tình trạng thiếu vốn. Theo ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, hiện niên vụ cà phê 2011/2012 đang bước vào thu hoạch, nhưng DN vẫn lo lắng về vốn, dù một số ngân hàng đã cam kết cho vay. Trong khi đó, DN điều cũng vừa kiến nghị ngân hàng cho phép giãn thời gian trả nợ để tránh bán tháo sản phẩm.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của nhiều DN xuất khẩu nông sản hiện nay là nguyên liệu khan hiếm, giá tăng cao, trong khi nhập khẩu nguyên liệu đang rối vì nhiều quy định mới.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo, quý IV/2011, nguyên liệu cá tra xuất khẩu sẽ thiếu khoảng 50% so với nhu cầu của các đơn hàng dịp Giáng sinh, năm mới. Nguyên liệu tôm xuất khẩu cũng đang thiếu trầm trọng, giá tăng cao khiến DN lãi rất ít (do hầu hết hợp đồng đã ký từ trước).

Dù nguyên liệu xuất khẩu thiếu trầm trọng, nhưng việc nhập khẩu đang bị ách lại do quy định mới của Luật An toàn thực phẩm. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký VASEP cho biết, nhiều lô hàng nguyên phụ liệu nhập khẩu của DN xuất khẩu thủy sản đang bị ách tại cảng. Trước thực trạng này, VASEP đã làm việc với Bộ Y tế kiến nghị giải tỏa các lô hàng trong khi chờ nghị định, thông tư hướng dẫn cụ thể hơn. 

Bên cạnh đó, VASEP cũng đề nghị Bộ Tài chính giảm thuế suất thuế nhập khẩu nguyên liệu đối với tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm biển, bạch tuộc và mực các loại xuống còn 1%.

Thùy Liên

đầu tư

Các tin tức khác

>   VFA: Xuất khẩu gạo sẽ vượt 7 triệu tấn (31/10/2011)

>   Giá ngũ cốc thế giới: một tuần nhìn lại (31/10/2011)

>   10.000 ha mía phải thu hoạch sớm (30/10/2011)

>   Có thể mất 1 triệu tấn lúa nhập từ Campuchia (30/10/2011)

>   Giá ca cao "ăn theo" đà tăng của các thị trường hàng hóa khác (30/10/2011)

>   Tồn kho khoảng 100.000 tấn đường (29/10/2011)

>   VN là thị trường nông sản quan trọng của Mỹ (28/10/2011)

>   Tồn kho gạo qua năm sau sẽ ở mức thấp (28/10/2011)

>   Giá chè Bangladesh tiếp tục giảm do nhu cầu yếu (28/10/2011)

>   Tìm cách nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo (27/10/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật