Tại sao chứng khoán bị hắt hủi?
Muốn tái cấu trúc thị trường chứng khoán đầu tiên phải tái cấu trúc các công ty chứng khoán. Nhưng như thế chưa đủ bởi niềm tin vào thị trường, vào sự minh bạch và sự công bằng đã xuống rất thấp.
Ngày 21/11 được ghi nhận là một trong những ngày tồi tệ nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam. Chỉ số HNX-Index lập đáy mới 61,68 điểm, trong khi VN-Index mất mốc 380 điểm. Trên sàn, lần đầu tiên trong lịch sử có một mã cổ phiếu rớt xuống dưới ngưỡng 1.000 đồng/cp (chưa bằng 10% mệnh giá).
Số lượng cổ phiếu có giá bằng một nửa mệnh giá thì rất nhiều, có thể lên tới cả 100 mã. Đây là điều mà cách đây vài năm thì thật khó thể tưởng tượng. Và khi đó nếu bất cứ ai đưa ra dự đoán như vậy thì chắc sẽ bị dư luận "đánh" cho tơi bời.
Tuy nhiên tại thời điểm hiện tại thì những con số này chả có gì là ghê gớm bởi mọi người đã lường được và chấp nhận thực tại đáng buồn này. Nhiều người còn hình dung ra những kịch bản tồi tệ hơn, như sẽ có hàng loạt doanh nghiệp bị phá sản, bị hủy niêm yết, ra khỏi sàn...
Thậm chí, một số chuyên gia còn tính đến "nơi đến" cho các công ty rời sàn bởi xu hướng này đã xuất hiện và suy tính này là để bảo vệ quyền lợi của cổ đông.
Vậy tại sao thị trường chứng khoán lại đang bị các doanh nghiệp, các nhà đầu tư hắt hủi như vậy?
|
Tái cấu trúc TTCK: Cốt lõi là thiếu minh bạch, công bằng |
Điều này không khó trả lời. Một nhà đầu tư bình thường tham gia vào TTCK vài tháng đến 1 năm là có thể trả lời được ngay.
Trước hết, đó là do ảnh hưởng chung của cuộc khủng hoảng kinh tế bắt đầu từ năm 2008 và chính sách tiền tệ thắt chặt khiến cho các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, kéo theo đó là giá cổ phiếu rớt thê thảm.
Tuy nhiên, cốt lõi vấn đề mà các nhà đầu tư đều biết đó lại là sự thiếu minh bạch, sự thiếu công bằng trên một sân chơi mà đã có tuổi đời trên 10 năm. Sự thiếu minh bạch và thiếu công bằng ở chỗ, các doanh nghiệp được đưa lên sàn ồ ạt, tốt xấu khó phân biệt. Một doanh nghiệp có thể rất bé, thậm chí như là một trung tâm tin học, ngoại ngữ... và làm ăn lẹt đẹt, cũng được tư vấn và cấp phép lên sàn một cách hoành tráng với giá cổ phiếu được đưa ra rất cao, tới 3, 4 chấm.
Các doanh nghiệp sau khi lên sàn thi nhau phát hành cổ phiếu để lấy tiền để... đầu tư tài chính, đầu tư chính vào thị trường chứng khoán, buôn bất động sản, thậm chí là để gửi ngân hàng.
Và hơn thế nữa, trong một thị trường mà rất nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ chưa hiểu hết các ngóc ngách và sự tinh vi của thị trường thì các tổ chức, các nhóm đầu tư lớn luôn biết tìm ra những kẽ hở của pháp luật để trục lợi.
Hàng loạt các vụ mua đi bán lại, lướt sóng, mua cổ phiếu quỹ, phát hành riêng lẻ, mua bán sáp nhập... Mà sau đó là là các nghi án cổ đông lớn trục lợi từ các thương vụ đó. Người chịu thiệt hại là đa số những cổ đông nhỏ lẻ.
Cho tới tận thời điểm này khi mà nhiều doanh nghiệp phải trả giá cho những việc làm khuất tất của mình, thì vẫn còn những nghi án kiểu như vậy.
Mới nhất là nghi án trong vụ Ngân hàng Sacombank (STB) quyết định mua lại cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ.
Về thực chất, việc mua lại cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ trong bối cảnh thị trường đi xuống, giá cổ phiếu lao dốc là một việc làm bình thường và được pháp luật cho phép. Tuy nhiên, cổ đông vẫn đặt một dấu hỏi lớn khi mà số tiền được dùng mua cổ phiếu chính là một phần trong số vốn huy động thông qua việc tăng vốn điều lệ.
Hơn nữa, số lượng cổ phiếu được quyết định mua lại rất lớn và thời gian thực hiện trong vòng 1 tháng.
Theo tính toán, STB không thể thực hiện mua hết số cổ phiếu đó trên sàn. Số còn lại sẽ được mua thông qua hình thức giao dịch thỏa thuận? Và ai sẽ được lợi từ vụ mua bán này khi mà trước đó có một nhóm "nhà đầu tư bí ẩn" đã mua vào vài chục triệu cổ phiếu STB do Dragon Capital thoái vốn ở mức giá rất rẻ?
Và rồi là các thông tin đại loại như hàng chục, thậm chí cả trăm công ty bị phạt do vi phạm quy chế công bố thông tin, nhân viên công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ chưa có chứng chỉ hành nghề, công bố thông tin sai...
Tất cả những điều này đã góp phần khiến đa số các nhà đầu tư xa lánh với TTCK - một kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế.
Như vậy, có thể thấy, muốn tái cấu trúc thị trường chứng khoán không chỉ tái cấu trúc các công ty chứng khoán - những doanh nghiệp đang nằm bên bờ vực thẳm nợ nần, mà các cơ quan chức năng cần phải rà soát lại tất cả các quy định, luật định để đảm bảo có ít nhất các khoảng trống luật.
Tất cả để nhằm đảm bảo có được một thị trường minh bạch và công bằng. TTCK phải là nơi huy động vốn cho sản xuất, kinh doanh chứ không phải là một sòng bặc hoặc/và nơi huy động vốn để các doanh nghiệp niêm yết đầu tư tài chính.
Trong một động thái mới nhất, nhóm công tác thị trường vốn của Diễn đàn DN Việt Nam vừa đề xuất 5 giải pháp mang tính cấp bách nhằm hỗ trợ sự phát triển của thị trường vốn, nhất là TTCK. Vấn đề này có thể được đem ra bàn thảo tại Diễn đàn doanh nghiệp VN trong khuôn khỏ Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam ngày 2/12 tới.
Theo đó, Nhóm nhấn mạnh vào việc minh bạch hóa các thông tin kinh tế cơ bản, thông tin về giao dịch mua bán và các tài khoản chứng khoán, tiếp thị chứng khoán Việt Nam tới cộng đồng nhà đầu tư quốc tế...
Mạnh Hà
Diễn đàn kinh tế việt nam
|