Những “chiêu” mua bán ngoại tệ ngoài thị trường
Cuối năm, khi nhu cầu mua ngoại tệ, đặc biệt là đô la Mỹ (USD) của khách hàng tăng cao thì lợi nhuận của hoạt động kinh doanh mặt hàng đặc biệt này trở nên vô cùng hấp dẫn. Nhiều hiệu vàng mua bán USD với nhiều “chiêu” che mắt các đơn vị kiểm tra khá tinh vi…
Luật càng chặt, càng… cảnh giác?!
Theo quy định tại Thông tư số 20/2011/TT-NHNN ngày 29-8, việc mua ngoại tệ tiền mặt của cá nhân được thực hiện tại các điểm được phép bán ngoại tệ tiền mặt thuộc mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy vậy, các hoạt động mua bán ngoại tệ ngoài thị trường vẫn diễn ra dù không công khai như trước.
Trao đổi với phóng viên ANTĐ, chị Nguyễn Hương Trà, ở khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: “Tôi sắp đi du lịch nên có nhu cầu mua USD để mua quà cho người thân. Khi tôi tìm đến một số cửa hàng kinh doanh vàng bạc, ngoại tệ trên phố Hà Trung, Tôn Đức Thắng... ngỏ ý muốn mua từ 5.000 - 7.000 USD, chủ cửa hàng nào cũng lắc đầu quầy quậy nhưng yêu cầu tôi để lại số điện thoại để “tiện liên hệ”. Buổi chiều cùng ngày, tôi nhận được điện thoại của một chủ cửa hàng kinh doanh vàng bạc tại quận Hoàn Kiếm cho biết cửa hàng chỉ bán 5.000 USD và yêu cầu chúng tôi mang tiền đến. Sau khi kiểm tiền, chủ cửa hàng đã dùng dây chun buộc tiền của chúng tôi lại để “đánh dấu” rồi gọi điện cho người khác mang USD đến. Tôi trao tiền trực tiếp cho người kia rồi nhận USD còn chủ cửa hàng chỉ đóng vai trò như người chứng kiến. Tôi thắc mắc với cô em gái đang làm việc lại một ngân hàng thương mại thì mới vỡ lẽ các cửa hàng vàng bạc làm như vậy để đề phòng nếu bị kiểm tra phát hiện thì họ phủi tay, coi như không liên quan. Đây chính là “chiêu” đối phó với cơ quan chức năng mà hầu hết các cửa hàng buôn bán ngoại tệ đang áp dụng”…
Anh Nguyễn Đình C - nhân viên một cửa hàng kinh doanh vàng bạc đá quý tiết lộ: “Càng đến cuối năm, nhu cầu mua USD của khách càng tăng. Công tác kiểm tra của các cơ quan chức năng cũng được tăng cường nên các cửa hàng kinh doanh ngoại tệ rất cảnh giác. Nếu như trước đây, việc giao USD và nhận tiền Việt chỉ do một nhân viên đảm nhiệm thì hiện nay phải do 2 người phụ trách. Khi khách có nhu cầu, một nhân viên sẽ đến trước để nhận tiền Việt, ít phút sau một người khác sẽ giao USD cho khách. Các cửa hàng này chỉ bán USD tại chỗ cho khách quen với số lượng ít. Với khách muốn mua nhiều sẽ được giao tiền tại nhà. Tại cửa hàng chỉ mua vào ngoại tệ theo giá ngân hàng đối với những khách lạ.
Đối với một số ngân hàng thương mại để thu hút những khách hàng có nhu cầu bán USD, do không thể mua USD với giá cao hơn niêm yết theo quy định nên các ngân hàng quy đổi từ USD sang loại ngoại tệ khác có tỷ giá cao hơn (bảng Anh, euro, đô la Singapore, yên Nhật hay nhân dân tệ… tùy từng thời điểm). Từ ngoại tệ này, doanh nghiệp sẽ bán lại cho ngân hàng để lấy tiền Việt theo giá trị tương đương với giá USD thị trường tự do. Các ngân hàng sẽ tư vấn cho khách hàng chọn ngoại tệ nào có lợi nhất vào thời điểm giao dịch và chịu trách nhiệm tính giá. Và tất nhiên, khi giao dịch thành công, doanh nghiệp sẽ phải chi trả ngân hàng một khoản gọi là “tiền hoa hồng”.
Quy định chưa đủ mạnh
Theo quy định hiện hành, tất cả các giao dịch trong nước đều được thực hiện bằng đồng Việt Nam, USD chỉ được phép giao dịch ở nước ngoài, nếu cá nhân, tổ chức đem USD ra nước ngoài phải chứng minh được họ đem ngoại tệ ra nước ngoài sử dụng vào mục đích gì và có đơn gửi ngân hàng mà mình có nhu cầu mua, đổi ngoại tệ. Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc Công ty TNHH Luật S&B cho biết, việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 20/2011/TT-NHNN nhằm kiểm soát chặt chẽ việc chống mua bán ngoại tệ ra nước ngoài và đem ngoại tệ vào Việt Nam. Tuy hạn mức mua ngoại tệ của cá nhân là 100 USD/ người/ ngày, song căn cứ khả năng tự cân đối nguồn ngoại tệ tiền mặt, tổ chức tín dụng được phép có thể bán vượt mức trên. Phạm vi điều chỉnh của Thông tư là việc mua, bán ngoại tệ tiền mặt của cá nhân với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối. Cá nhân là công dân Việt Nam được mua ngoại tệ tiền mặt tại tổ chức tín dụng để đáp ứng các nhu cầu chi tiêu của bản thân đi lại ở nước ngoài.
Cũng theo luật sư Thanh Hà, mặc dù hiện nay Nhà nước đã có những quy định rất rõ ràng về cấm mua bán ngoại tệ tại thị trường bên ngoài nhằm tránh việc “găm” USD trong dân giống như thị trường vàng nhưng xem ra việc quản lý các cơ sở mua, bán thu đổi ngoại tệ chui của các cơ quan chức năng rất khó thực hiện. Để kiểm soát chặt chẽ hơn các điểm thu, mua ngoại tệ không chính thức này, các cơ quan quản lý nên xử lý nghiêm các điểm thu, mua ngoại tệ không được phép, thậm chí điều chỉnh chế tài xử lý để có tính răn đe cao hơn đối với loại hình kinh doanh ngoại tệ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho khách hàng này.
Bảo - Linh
An ninh Thủ đô
|