Hy vọng sống cho doanh nghiệp: Bằng chứng và dấu hỏi
Vừa có thêm một bằng chứng nữa về miễn giảm thuế thu nhập cho hy vọng “sống sót” của doanh nghiệp Việt Nam vào năm 2012. Liệu chúng ta có thể chờ đợi một văn bản nào đó của Ngân hàng nhà nước về hỗ trợ lãi suất sẽ được ban hành trong thời gian tới?
Bằng chứng từ Nghị định 101/CP
Ngày 4/11/2011, Chính phủ ban hành Nghị định 101/CP về một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân. Như vậy sau đúng 3 tháng từ khi Quốc hội thống nhất một nghị quyết về miễn giảm thuế thu nhập cá nhân, chủ trương này đã được triển khai trong thực tiễn.
Nếu căn cứ vào tính toán của Bộ Tài chính khi tham mưu cho Chính phủ về kế hoạch miễn giảm thuế thu nhập cá nhân, tổng số thuế miễn giảm không lớn - khoảng 13.300 tỷ đồng - chỉ bằng gần phân nửa số thuế 28.000 tỷ đồng được miễn giảm trong gói kích cầu năm 2009.
Tuy nhiên cũng cần ghi nhận là trong bối cảnh quá khó khăn của doanh nghiệp từ đầu năm 2011 đến nay, bất cứ một động tác miễn hay giảm thuế, cũng đều có ý nghĩa như một bình nước mát lạnh dành cho những lữ khách đang sắp chết khô giữa sa mạc.
Đơn cử, một nội dung của Nghị định 101/CP là giảm 50% số thuế thu nhập cá nhân từ ngày 1/8/2011 đến ngày 31/12/2012 đối với thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng chứng khoán của cá nhân. Nếu vào những giai đoạn thị trường chứng khoán tăng nóng, cơ chế giảm thuế thu nhập cá nhân như thế sẽ khá là vô lý. Nhưng hiện nay, tình hình lại hoàn toàn trái ngược.
Dù chứng khoán là lĩnh vực phi sản xuất và vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng thị trường này không xứng đáng được nhận một sự ưu đãi về thuế, nhưng trong bối cảnh giá cổ phiếu đã suy thoái suốt hai năm qua và làm cho gần hết nhà đầu tư thua lỗ, trong đó không ít người thua lỗ gần hết vốn liếng, 17 tháng giảm thuế thu nhập cá nhân sẽ là một sự khích lệ khá lớn, ít nhất về hàm ý Nhà nước không bỏ rơi thị trường chứng khoán.
Còn đối với những người có thu nhập từ tiền lương, tiền công và kinh doanh, cũng 17 tháng được miễn thuế thu nhập cá nhân là một biểu hiện có ý nghĩa hơn nhiều so với việc nhà đầu tư chứng khoán được giảm 50% tại sắc thuế này.
Dù nhiều hay ít, hình ảnh miễn thuế ấy cũng làm đậm hơn ấn tượng về đời sống dân sinh sẽ được cải thiện, phần nào bù đắp cho nhiều thiệt thòi mà người dân và công chức đã phải gánh chịu, đặc biệt trong 8 tháng đầu năm 2011 khi lạm phát và giá cả tiêu dùng tăng vọt.
Còn đối với doanh nghiệp, năm 2012 được hy vọng sẽ không lặp lại một hậu quả của năm 2011 với tỷ lệ phá sản cao gấp đôi năm 2010. Hy vọng này đang được cụ thể hóa, với nội dung giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2011 cho một số đối tượng trong Nghị định 101/CP.
Bằng chứng từ báo cáo của Vietnam Report
Gần đây, Công ty Vietnam Report đã công bố Báo cáo đánh giá về môi trường kinh doanh ở Việt Nam trong năm 2011 và triển vọng 2012. Báo cáo này dựa trên cuộc khảo sát với các doanh nghiệp trong các Bảng xếp hạng VNR500 - nhóm 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam về doanh thu; và FAST500 - nhóm 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam.
Theo đó, 70% số doanh nghiệp được điều tra là công ty cổ phần, 30% còn lại là các công ty thuộc khu vực FDI, nhà nước, và công ty tư nhân. Xét trên lĩnh vực hoạt động, các doanh nghiệp sản xuất chiếm nhiều nhất với tỷ lệ 34%. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ chiếm khoảng 25%.
Nhận xét chung của tất cả các doanh nghiệp được khảo sát là môi trường kinh doanh của năm 2011 nhìn chung khá ảm đạm, với tỷ lệ 40% số doanh nghiệp tham gia đánh giá là kém, 44% đánh giá là tạm được, và chỉ có 16% số doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá là tốt.
Tuy nhiên, khi được hỏi về triển vọng môi trường kinh doanh trong năm 2012 - 2013 tới, tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng môi trường sẽ trở nên tốt hơn tăng lên gấp đôi, lên tới 33% và chỉ có 16% đánh giá là kém trong tương lai. Nếu tính riêng các doanh nghiệp khối sản xuất, 33% số mẫu cho rằng môi trường kinh doanh sẽ tốt lên và chỉ có 17% cho rằng môi trường sẽ kém đi.
Trong kế hoạch kinh doanh ba năm tới, có 84% số doanh nghiệp tham gia điều tra cho rằng sẽ mở rộng kinh doanh, chỉ có 14% cho rằng sẽ duy trì hoạt động kinh doanh như bình thường và 2% cho rằng sẽ giảm quy mô kinh doanh.
Trong số những doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng kinh doanh, hai lý do chính các doanh nghiệp này đưa ra là lạc quan về triển vọng kinh tế của Việt Nam và thế giới thuận lợi hơn trong ba năm tới (chiếm tỷ lệ 26%), và lạc quan về tăng trưởng của thị trường trong nước và khu vực (27%).
Kết quả khảo sát trên của Vietnam Report tuy vẫn chưa thể cung cấp những bằng chứng cụ thể về triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp trong năm 2012, cũng như phương cách khắc phục khó khăn tồn tại trong năm 2011, nhưng ít nhất cũng phác ra được một cái nhìn tổng quát và dự cảm về tình thế không đến nỗi quá tồi tệ trong thời gian tới.
Còn bằng chứng về giảm lãi suất cho vay?
Liệu những bằng chứng từ Nghị định 101/CP và kết quả khảo sát của Vietnam Report được viện dẫn ở trên có thể kết tụ thành một mẫu số chung, mà từ đó cho thấy triển vọng cụ thể của doanh nghiệp trong năm 2012?
Sẽ là khá chủ quan nếu cho rằng bầu trời năm tới sẽ tràn đầy ánh nắng, các doanh nghiệp sẽ phục hồi nhanh chóng và đời sống người dân không còn bị đe dọa bởi lạm phát.
Ở một thái cực gần như ngược lại, quá trình hồi phục của nền kinh tế yếu ớt có thể chỉ mới bắt đầu vào thời điểm hiện nay. Cơ sở rõ rệt nhất cho sự hồi phục đó không phải xuất phát từ tỷ lệ nợ công "vẫn trong tầm kiểm soát" như một số quan chức cố gắng thuyết phục dư luận, mà bằng hiện tượng tốc độ tăng CPI đã liên tục giảm trong tháng 9 và 10/2011, kéo theo tình hình bớt căng thẳng của lạm phát và giá cả tiêu dùng dễ thở hơn đối với người dân.
Tuy thế, cần nhấn mạnh việc tốc độ tăng CPI giảm như một "hiện tượng" chứ không hẳn là thành tích, bởi sự việc này diễn ra trùng với bối cảnh nền kinh tế thế giới cũng giảm tốc lạm phát, chẳng hạn như ở Mỹ, Anh, Pháp và Trung Quốc.
Các chỉ số kinh tế chính của Việt Nam hiện thời vẫn còn mong manh, chưa thể đặt nền móng cho một sự phục hồi bền vững. Sự trùng hợp mang tính "tình cờ" giữa xu thế vận động của chỉ số lạm phát ở Việt Nam với chỉ số lạm phát trên thế giới đã cho thấy các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế và tiền tệ của chúng ta có phần may mắn khi mạnh miệng tuyên bố là thời kỳ khó khăn nhất của lạm phát đã trôi qua.
Nhưng giảm tốc lạm phát không có nghĩa là tình hình đang trở nên tốt đẹp, mà có thể đó lại là sự khởi đầu cho chu kỳ giảm phát để dẫn tới suy thoái. Từ đầu tháng 8/2011, khi Chính phủ mới đi vào hoạt động, cho đến nay những kết quả kiểm tra về tình hình thắt chặt chi tiêu công và nạn lãng phí vẫn còn rất khiêm tốn, trong khi gánh nặng trả nợ nước ngoài vẫn chiếm đến 14-16% tổng ngân sách hàng năm của Việt Nam.
Trong bối cảnh chuyển từ lạm phát sang trạng thái tiền giảm phát ấy, Nghị định 101/CP về miễn giảm thuế thu nhập cá nhân mới chỉ giải quyết một phần nhỏ của toàn cục kinh tế, và nó cũng chỉ đóng vai trò như một thành phần nhỏ nếu so sánh với gói kích cầu trị giá khoảng 8 tỷ USD của Chính phủ vào năm 2009.
Trong khi đó, cơ chế vận hành nhằm tháo gỡ những khó khăn kinh tế trước mắt cho khối doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu, vẫn hầu như chưa đồng điệu. Lời hứa của thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình về việc lãi suất cho vay được kéo giảm xuống 17%-19% trong tháng 9/2011 lại mang tính hình thức hơn là một cái gì đó thực chất đối với doanh nghiệp.
Trong thực tế từ đầu tháng 9/2011 đến nay, dù một số ngân hàng đã xây dựng những chương trình cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, nhưng tỷ lệ giải ngân thực tế lại không cao. Ngoài BIDV với nhiều cố gắng kéo giảm lãi suất cho vay ưu đãi về mức thấp nhất 15%, phần lớn các ngân hàng khác vẫn đang "nhìn nhau" với mặt bằng lãi suất cho vay còn cao ngất ngưởng, không những tiếp tục gây khó cho doanh nghiệp mà còn đang dần triệt tiêu hy vọng tiếp cận vốn vay giá rẻ của doanh nghiệp.
Mà đã không tiếp cận được vốn vay giá rẻ thì khi bàn về khả năng phát triển của doanh nghiệp trong năm 2012, chúng ta cũng chỉ nên sử dụng từ "tồn tại" cho tương xứng với thực tế mà doanh nghiệp đang phải đối mặt.
Cơ chế điều chỉnh mối quan hệ về lãi suất của Ngân hàng nhà nước từ đầu tháng 9/2011 đến nay còn làm cho dư luận nghi ngại rằng tổ chức này đã "ưu ái" việc kéo giảm lãi suất tiết kiệm hơn là lãi suất cho vay. Trong khi lời cam kết về lãi suất cho vay được giảm về vùng 17-19% vẫn còn khá xa mới vươn tới sự hoàn thiện, thì dự thảo về nghị định quản lý kinh doanh vàng do Ngân hàng nhà nước đưa ra vào cuối tháng 10/2011 lại dấy lên mối nghi ngại về độc quyền kinh doanh có thể rơi vào tay một số DN lớn như SJC.
Cũng với SJC, tiền lệ về tính độc quyền và cả thao túng thị trường vàng đã được thể hiện rõ ràng trong mấy tháng qua, khi công ty này được ưu đãi về cơ chế nhập khẩu vàng, bán vàng và kể cả "duy trì" giá vàng trong nước luôn chênh cao hơn khá nhiều so với giá vàng thế giới..., khiến dư luận phải đặt vấn đề về một nhóm lợi ích nào đấy trong hoạt động kinh doanh vàng ở Việt Nam.
"Sứ mệnh" nào của Ngân hàng nhà nước?
Nghị định 101/CP của Chính phủ về miễn giảm thuế thu nhập cá nhân là tiền đề cho một gói kích cầu nữa chăng? Điểm đặc biệt của văn bản này là nó có nét tương đồng với một phần nội dung của Nghị quyết số 30, cũng của Chính phủ, được ban hành vào tháng 12/2008 về "những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế...". Trong đó khối doanh nghiệp được giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp.
Như vậy, chúng ta có thể chờ đợi một văn bản nào đó của Ngân hàng nhà nước về hỗ trợ lãi suất sẽ được ban hành trong thời gian tới, như Thông tư 02 cũng của tổ chức này đã được ký vào ngày 3/202009 về hỗ trợ lãi suất 4%?
Hiện vẫn chưa có nhiều cơ sở để so sánh và kết luận là thời kỳ gói kích cầu năm 2009 sẽ được lặp lại vào cuối năm 2011 hoặc đầu năm 2012. Nhưng ít ra, động tác không thể thiếu để hỗ trợ khu vực sản xuất và xuất khẩu sẽ không chỉ dừng ở chuyện "con cá" mà còn phải là cung cấp "cần câu" cho doanh nghiệp: tức phải bằng một cơ chế hỗ trợ cụ thể về lãi suất. Nếu không có được mức hỗ trợ 4% như năm 2009 thì cũng phải ngay lập tức kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay về vùng 15-16%. Đồng thời bảo đảm các điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay giá rẻ chứ không phải theo kiểu "làm màu" như thời gian vừa qua. Sứ mệnh về cái cần câu đó giờ đây đang nằm hoàn toàn trong tay Ngân hàng nhà nước.
Sứ mệnh ấy, nếu không được thực hiện một cách không chậm trễ, những bằng chứng đầu tiên cho hy vọng tồn tại của doanh nghiệp sẽ chẳng còn mấy ý nghĩa.
TS. Phạm Chí Dũng
Diễn đàn kinh tế Việt Nam
|