Thứ Ba, 08/11/2011 06:22

Căng như dây đàn, tỷ giá có tăng mạnh?

Điều chỉnh tỷ giá là lựa chọn khó tránh của cơ quan quản lý. Vấn đề còn lại là Ngân hàng Nhà nước sẽ cần phải quản lý kỳ vọng thị trường để tránh một cuộc điều chỉnh tỷ giá quy mô lớn và giữ được sự ổn định tiền tệ nói chung.

Những biểu hiện cũ

Mới đây, ngân hàng Standard Chartered dự báo, USD sẽ dần mất giá so với tiền tệ của hầu hết nước châu Á trong năm 2012, nhưng VND sẽ là một ngoại lệ. Theo đó, tỷ giá vào cuối năm 2012 có thể lên tới 22.000 đồng/ USD. Và theo tổ chức này Ngân hàng Nhà nước sẽ có rất ít sự chọn lựa và sẽ phải điều chỉnh sao cho phù hợp với kỳ vọng của thị trường.

Tuy nhiên, đây không phải là một dự báo có gì gây sốc, cả trên lý thuyết lẫn thực tế. Hồi giữa năm, chính tổ chức này đã đưa ra nhận định tỷ giá sẽ tiếp tục chịu sức ép và sẽ lên đến 21.800 vào cuối năm 2011.

Thời điểm đó, nhận định này bị phản đối mạnh mẽ và đaij diện Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định, những quy luật cũ của tỷ giá những năm trước sẽ không lặp lại. Tuy nhiên, thực tế không như vậy mà quy luật cũ của tỷ giá đang lặp lại và thách thức những nỗ lực bình ổn.

Điều duy nhất có thể gọi là khác là thị trường "chợ đen" đã bớt nóng. Tuy vẫn có một khoảng cách lớn với tỷ giá niêm yết chính thức nhưng "chợ đen" tự do đã không còn là vấn đề lớn nhất. Thay vào đó đã lộ ra "cái chợ" trong lòng ngân hàng với tất cả những bản chất của tỷ giá và mánh lới của các ngân hàng.

Với mức giá thực tế giao dịch tại các ngân hàng trong mất tháng qua lên đến 21.800 và như thế, dự báo trên đây đã phản ánh đúng thực tế của thị trường.

Trong khi đó, dù tỷ giá chính thức không có điều chỉnh mạnh nhưng khi Ngân hàng Nhà nước chấp nhận sử dụng gần hết hạn mức cam kết và đẩy tỷ giá chính thức vượt 21.000 đồng đã phần nào cho thấy tỷ giá đang chịu nhiều sức ép lớn vào dịp cuối năm.

Thậm chí, trong những ngày gần đây, giá USD thực lên cao nhưng các DN và người dân cũng khó mua bán khi các ngân hành cảnh giác hơn trong chuyện mua bán với tỷ giá vượt trần khiến cho thị trường thêm căng thẳng.

Theo dự báo sự căng thẳng này sẽ còn tiếp tục khi nhu cầu USD cuối năm lên cao, áp lực từ việc đáo hạn tín dụng USD tăng cao trong suốt thời gian qua, công thêm các tác động từ thị trường vàng sẽ đẩy nhu cầu USD lên cao. Trong khi đó, theo dự báo của Standard Chartered, dù đã được cải thiện nhưng Việt Nam vẫn đang ở trong tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai. Trong khi đó, mức dự trữ ngoại tệ thấp cho thấy nguy cơ của đồng nội tệ sẽ còn mất giá.

Ngân hàng Nhà nước cam kết đến hết năm 2011 điều chỉnh tỷ giá dưới 1% nhưng đến nay hạn mức đó đã sử dụng hết 85% trong khi tỷ giá vẫn còn chịu nhiều sức ép

Theo ông Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, chênh lệch cho vay bằng ngoại hối của Việt Nam đang ở mức 7,5 tỷ USD (tổng cho vay bằng ngoại tệ là 30 tỷ USD, trong khi huy động tiền gửi bằng ngoại tệ chỉ là 22,5 tỷ USD). Con số 7,5 tỷ USD không phải là quá lớn nhưng nếu thời gian đáo hạn chỉ dồn vào 3 tháng cuối năm thì đây sẽ là một lực cầu rất lớn của thị trường ngoại hối.

Bên cạnh đó, với nhiệm vụ bình ổn vàng, các tổ chức trong nước đã bán ra thị trường một lượng vàng lớn, đồng thời cũng đầu tư qua tài khoản. Đến cuối năm chắc chắn sẽ buộc phải mua để để cân đối lại. Con số hơn 10 tấn vàng sẽ làm căng thẳng thêm thị trường vào dịp cuối năm khi nhu cầu USD đang lên cao để phục vụ xuất nhập khẩu, trả nợ... Trong khi các ngân hàng cũng sẽ siết lại các hoạt động ngoại hối để đảm bảo các chỉ tiêu an toàn cuối năm nên cung USD sẽ không còn được dễ dàng.

Hy vọng từ cán cân thanh toán

Hy vọng lớn nhất của cơ quan quản lý trong việc bình ổn trong năm này là những biểu hiện tích cực trong cán cân ngoại hối. Cụ thể, theo dự báo, nếu năm 2010, ngoại tệ bị thâm hụt khoảng 3 tỷ USD thì 2011 sẽ thặng dư 1 tỷ USD. Những chính sách chung thắt chặt tiền tệ và các chính sách quản lý ngoại hối thời gian qua như hạn chế đối tượng cho vay, mở rộng đối tượng bắt buộc bán USD cho ngân hàng... sẽ tạo ra quan hệ cung cầu mới cho ngoại tệ.

Bên cạnh đó, dự trữ ngoại tệ cũng đang tăng lên đến thời điểm này, đạt khoảng 8 tuần nhập khẩu so với mức 3,5 tuần của hồi đầu năm. Hơn nữa, dịp cuối năm, Việt Nam còn có thuận lợi khi đón nhận luồng kiều hối đổ về nước và những khoản giải ngân lớn cuối năm của các nhà đầu tư.

Trong thông tin mới đây, kiều hối năm nay có thế đạt 8,5 tỷ USD. Đây là một mức kỷ lục,vượt xa kỳ vọng từ đầu năm. Tuy nhiên, chỉ có một phần nhỏ được bán cho ngân hàng để tăng nguồn cung cho thị trường, khoảng 10 - 15%. Phần còn lại là bán ra thị trường tự do hay găm giữ như một tài sản an toàn. Điều này không chỉ không tăng thêm nguồn cung mà còn tạo ra áp lực cho tỷ giá. Trong khi đó, một lượng lớn DN ngoài nhà nước, thuộc diện không phải bán USD theo dạng bắt buộc lại cũng đang có xu hướng găm giữ USD cho mình hoặc chỉ để dành bán với giá cao cho những ai có nhu cầu.

Cũng tương tự, Ngân hàng Nhà nước đã từng đặt nhiều kỳ vọng vào việc hạ lãi suất huy động USD để người dân hạn chế găm giữ và bán USD ra. Đồng thời, việc bắt buộc nhiều đối tượng phải bán USD cho ngân hàng đến thời điểm này cũng chưa tạo ra nhiều hiệu quả rõ rệt lên nguồn cung USD khi huy động USD không giảm nhiều còn các DN nhà nước thì luôn trong tình trạng đồng ý bán cho ngân hàng nhưng rồi lại đòi mua lại với số tương đương hoặc nhiều hơn.

Chính vì thế, rất nhiều chuyên gia đã chỉ rõ, dù cán cân tổng thể của ngoại tệ có được cải thiện thì USD vẫn bị găm giữ đâu đó và tạo ra sự mất cân đối cho thị trường, gây nên sức ép. Hơn thế, với thực tế thâm hụt thương mại vẫn cao, nguồn đầu tư đi xuống trong năm nay và dự trữ ngoại hỗi còn thấp thì cung cầu USD sẽ chưa có nhiều thay đổi. Chính vì thế, như dự đoán của Standard Chartered thì điều chỉnh tỷ giá là là lựa chọn khó tránh của cơ quan quản lý. Vấn đề còn lại là Ngân hàng Nhà nước sẽ cần phải quản lý kỳ vọng thị trường để tránh một cuộc điều chỉnh tỷ giá quy mô lớn và giữ được sự ổn định tiền tệ nói chung

Còn ông Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng, đến thời điểm này thì có thể tạm thời yên tâm về vấn đề tỷ giá của năm nay; nhưng từ năm sau (năm 2012) trở đi thì liệu thặng dư cán cân thanh toán có còn lớn như năm nay hay không? NHNN có đủ ngoại tệ để can thiệp thị trường hay không? Đó tiếp tục là một câu hỏi mở.

Trên thực tế, căn cứ vào những diễn biến, biểu hiện và cung cách cũ, nhiều người đang đặt dự đoán cho thời điểm có thể diễn ra điều chỉnh tỷ giá. Hiện nay, thị trường có dấu hiệu khan hiếm, tỷ giá chợ đen đã tăng cao gần 1.000 đồng/USD so với chính thức, cơ quan điều hành dù khẳng định là ổn định nhưng vẫn điều chỉnh tỷ giá với mức hơn 150 đồng trong hơn 1 tháng qua mà vẫn chưa giải quyết được tình thế... Sức ép lớn dần, rất có thể không tăng ngay cuối năm nhưng như cách làm cũ, ngay đầu năm 2012 tỷ giá sẽ được điều chỉnh để rộng đất cho công tác điều hành cho cả năm sau.

Một chuyên gia cho biết, cũng như những lần trước, Ngân hàng Nhà nước cam kết không điều chỉnh đến hết năm nhưng trong đầu năm mới thì không có gì chắc chắn. Có lẽ chính vì lo ngại điều đó mà các DN và ngân hàng cũng phải "thủ thế" với việc điều chỉnh.

Phước Minh

Diễn đàn kinh tế Việt Nam

Các tin tức khác

>   Dọn nợ xấu ngân hàng (08/11/2011)

>   Vốn ngân hàng bớt nóng (07/11/2011)

>   Lãi suất vay quá cao khiến doanh nghiệp phá sản (07/11/2011)

>   Nên đối xử như thế nào với tỷ giá USD? (07/11/2011)

>   “Lách” lãi suất từ khuyến mãi? (06/11/2011)

>   Kỳ vọng công cuộc chấn hưng ngành ngân hàng (06/11/2011)

>   Tối thiểu phải dành 20% tín dụng cho nông nghiệp (06/11/2011)

>   'Chết' vì tỷ giá (06/11/2011)

>   Tăng vốn đầu tư cho nông nghiệp nông thôn (05/11/2011)

>   Tái cơ cấu ngân hàng: Ưu tiên hoàn thiện hành lang pháp lý (05/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật