Kỳ vọng công cuộc chấn hưng ngành ngân hàng
Là một người đã từng ở trong “ruột” của ngành ngân hàng (NH) VN nhiều năm về trước. Và mặc dù không hoạt động trong lĩnh vực tài chính đã được 3-4 năm nay, nhưng doanh nhân Lê Kiên Thành vẫn tỏ ra rất tâm huyết với ngành tài chính – ngân hàng, đặc biệt là với chủ đề nóng bỏng: Tái cấu trúc hệ thống NH.
Nguyên chủ tịch HĐQT NH TMCP Kỹ thương VN, hiện là thành viên HĐQT độc lập NHTMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB), Chủ tịch HĐQT Cty Thực phẩm Thái Minh - doanh nhân Lê Kiên Thành - đã trò chuyện với DĐDN quanh chủ đề này.
Ông Thành cho rằng, những nhà làm kinh tế vĩ mô luôn có lý do của họ. “Tuy nhiên, nếu đã đặt ra vấn đề tái cấu trúc hệ thống NH một cách nghiêm túc, thì rất có thể nhiều người cũng như tôi – những người ngoài ngành NH – sẽ thắc mắc: Tại sao phải tái cấu trúc hệ thống NH? Vì nhiều NH quá hay không vì các NH hiện nay không đảm bảo chất lượng, hay vì lý do gì khác? Nếu là vì nhiều NH quá, ta sẽ đặt tiếp một câu hỏi nữa: Vậy nếu sau khi tái cấu trúc NH và giảm bớt số lượng đi một nữa, thì chất lượng NH có tốt hơn không, chất lượng đó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến ngành tài chính cũng như toàn bộ nền kinh tế trong tương lai?”, ông Thành nói.
Chúng ta cần nhớ lại rằng, khi nền tài chính Mỹ khủng hoảng, những NH sụp đổ trước tiên là những NH lớn và lâu đời nhất, chứ không phải là những NH nhỏ. Trong bối cảnh nào, lý do vì đâu mà các NH lớn với tên tuổi khổng lồ và truyền thống hàng trăm năm lại có thể sụp đổ, trong khi các NH “thấp bé nhẹ cân” thì lọt qua được cơn bão khủng hoảng? Nhớ lại, để thấy nếu đặt mục tiêu mua bán, sáp nhập, hợp nhất các NH nhỏ để tạo ra những NH lớn hơn, tạo điều kiện cho những NH lớn tồn tại và kỳ vọng điều đó sẽ làm lành mạnh hệ thống, tôi cho rằng rất cần phải có một cuộc khảo sát và phân tích nghiêm túc mục tiêu này, nếu có.
- Nhưng chủ trương sáp nhập, hợp nhất, mua lại, cũng đã xác định rõ là không phân biệt quy mô, tức không phân biệt NH lớn hay NH nhỏ, thưa ông?
Tôi có thể khẳng định một cách chắc chắn là nếu đưa ra chủ trương khuyến khích mua bán sáp nhập NH, thì sẽ không có chuyện NH nhỏ mua NH lớn, hoặc NH nhỏ thâu tóm, “nuốt” được NH lớn. Cho nên, bức tranh đầu tiên ta có thể hiểu ngay là sẽ có hiện tượng NH lớn mua NH nhỏ, theo đó số lượng các NH sẽ co lại để đạt mục tiêu có những định chế hoặc tổ hợp tài chính lớn hơn nữa. Lớn hơn thì có thể, nhưng mạnh hơn thì như tôi đã nói, không có ai dám chắc khi thị trường chỉ còn các NH lớn, những vấn đề của hệ thống tài chính sẽ được giải quyết.
- Vậy theo ông, nên nhìn nhận vấn đề tái cấu trúc NH như thế nào để đảm bảo không “trượt” mục tiêu nâng cao sức cạnh tranh và lành mạnh hệ thống NH?
Lại nói về cụm từ tái cấu trúc, tôi hiểu tái cấu trúc là cấu trúc lại hệ thống NH ở quy mô, số lượng, và qua đó kỳ vọng tăng chất lượng. Hiện nay, chưa ai đưa ra được con số thuyết phục là với nền kinh tế VN, bao nhiêu NH sẽ là đủ. Nếu xếp NH ở quy mô nhỏ, cũng chưa ai đưa ra con số thuyết phục ở quy mô nào thì sẽ gọi là các NH nhỏ. Cột mốc được đưa ra là thường căn cứ trên quy mô vốn 3.000 tỉ đồng, 4.000 tỉ đồng hay thấp hơn thế, trong khi ở Thụy Sỹ hoặc Mỹ - những nước có nhiều NH có quy mô nhỏ hơn, hoặc chỉ bằng ½ con số đó – thì các NH nhỏ này rất nhiều và hoạt động rất lành mạnh. Như vậy, vấn đề nâng cao sức cạnh tranh và lành mạnh hệ thống NH có nên bắt đầu từ sự nâng cấp quy mô (vốn) của một NH?
Bên cạnh đó, đáng nói hơn là chưa ai đưa ra được một bộ chuẩn mực đạo đức kinh doanh NH có tính thuyết phục, và được áp dụng để nâng cao sức cạnh tranh, lành mạnh hệ thống NH. Xin lấy một ví dụ quen thuộc: Hiện nay mọi người rất quan tâm đến vấn đề lãi suất NH. Cần phải thấy rằng lãi suất cao như hiện nay có phải lỗi của chỉ hệ thống NH? Hay đó là vấn đề vĩ mô hơn thế, là vấn đề của lạm phát, của trượt giá, mà nếu các NH không “chạy theo” thì sẽ không thu hút được tiền huy động của dân cư và tổ chức. Thực sự các NH có muốn tăng lãi suất huy động cao, để tăng lãi suất cho vay cao không, hay họ chỉ muốn lãi suất hai đầu thấp, để tăng trưởng tín dụng của họ chất lượng hơn, mà lợi nhuận thì vẫn được đảm bảo? Và liệu họ có muốn phải cạnh tranh thiếu lành mạnh, phải “bẫy” đồng nghiệp, phải “lách” luật như những hiện tượng đã xảy ra vừa qua không? Tôi e rằng là không. Nhưng hiện nay, vì những điều kiện và lý do khách quan, nhiều NH đã sẵn sàng làm điều đó để chạy theo lợi nhuận, đảm bảo mục tiêu tối thượng trong kinh doanh. Và theo tôi các NH sẵn sàng làm những điều đó cũng bởi vì có thể đạo đức của người làm NH bây giờ khác rất xa với đạo đức của những người làm NH từ bao năm trước. Kinh doanh NH có đặc thù sử dụng vốn của xã hội rất lớn, vốn có chỉ 1 nhưng vốn xã hội là 20 lần hoặc hơn thế. Khi đạo đức những người làm NH không còn được đặt lên hàng đầu thì rủi ro tiềm ẩn cho xã hội là rất lớn. Chúng ta đang quên mất việc cần phải đặt đạo đức, chuẩn mực kinh doanh NH ngang với phạm trù đạo đức, chuẩn mực của ngành y, và cần phải chú trọng đến vấn đề đó hơn cả vấn đề tái cấu trúc, hay tái cơ cấu hệ thống.
- Như vậy, có thể kỳ vọng công cuộc tái cấu trúc hệ thống NH, với những phương thức đã được khuyến khích và có thể có cơ chế hỗ trợ tới đây, ở mức độ nào thưa ông?
Chúng ta đang quên mất việc cần phải đặt đạo đức, chuẩn mực kinh doanh NH ngang với phạm trù đạo đức, chuẩn mực của ngành y, và cần phải chú trọng đến vấn đề đó hơn cả vấn đề tái cấu trúc, hay tái cơ cấu hệ thống. |
Tôi kỳ vọng đây không chỉ là công cuộc tái cấu trúc hệ thống, mà nên xem là công cuộc chấn hưng hệ thống NH. Chấn hưng, bao gồm cả việc cần đưa ra những quyết sách, quyết định và phân định rạch ròi giữa thế nào là kinh doanh NH theo nghĩa thương mại thuần túy, với thế nào là thực thi NH chính sách. Tôi cho rằng thời gian vừa qua, cùng với sự bùng nổ và dễ dãi của hoạt động NH, sự phổ biến và thông dụng của thói quen hễ người nào giàu lên, DN nào có tên tuổi, là đều nhắm đến hai mục tiêu làm NH và mua bất động sản, khiến phần lớn vốn của NH đã chảy sang và mắc kẹt ở bất động sản, thì một nguyên nhân góp phần đưa đến sự bất ổn của hệ thống NH hiện nay là sự nhập nhằng giữa hai loại hình kinh doanh NH với thực thi chính sách. Một số NH đang gặp nợ xấu và khó khăn về thanh khoản, một phần do họ đã dễ dãi trong cho vay, trong đầu tư, trong quản trị... Nếu nhân công cuộc tái cấu trúc này, chúng ta đặt mục tiêu tách bạch giữa thực thi chính sách với hoạt động kinh doanh của các NH, thì sẽ tránh nguy cơ làm méo mó bức tranh kinh doanh NH. Sự méo mó dễ dẫn đến sự mập mờ giữa nguyên nhân và trách nhiệm trong trường hợp khó khăn của các NH xảy ra.
Cùng với đó, tôi cũng kỳ vọng công cuộc chấn hưng NH nên tính đến chuyện xây dựng văn hóa kinh doanh tài chính NH, như văn hóa kinh doanh của bất kỳ loại hình DN nào khác. DN NN phải tự chịu trách nhiệm về hoạt động của mình, NH có thể sinh ra, có thể tăng trưởng nhưng cũng có thể... chết đi, theo quy luật cạnh tranh tự nhiên, sàng lọc tự nhiên. Lịch sử ngành NH VN chưa từng có một NH nào dám tuyên bố phá sản và được cho phép phá sản, điều đó dễ làm nảy sinh tâm lý “ỷ lại”, với những ý nghĩa của những người làm NH là “tôi đang kinh doanh dở tệ nhưng nếu kinh doanh dở hơn nữa thì cũng không phải lo phá sản, vì Nhà nước sẽ không để cho tôi phá sản”. Tâm lý đó rất nguy hiểm không chỉ cho hệ thống NH, mà còn cho cả nền kinh tế !
- Xin cảm ơn ông đã dành thời gian trò chuyện!
Lê Mỹ thực hiện
Diễn đàn Doanh nghiệp
|