Tái định vị “linh hồn” thị trường tiền tệ?
Thị trường liên ngân hàng vẫn được xem là linh hồn của thị trường tiền tệ. Những xáo trộn, biến động ở đây sẽ phát đi những tín hiệu có thể ảnh hưởng đến các vấn đề khác của hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế.
Xoay quanh cơ chế giao dịch phải đảm bảo, thế chấp trên thị trường liên ngân hàng mà một số ngân hàng lớn áp dụng thời gian gần đây, có những quan điểm, cách nhìn khác nhau.
Trong các dòng chảy thông tin vừa qua, hay phản hồi của thành viên liên quan, điều đó là hoàn toàn bình thường gắn với yêu cầu đảm bảo an toàn cho vay, tương tự như những hoạt động cho vay, tín dụng thông thường mà các ngân hàng đã và đang triển khai.
Tiếp theo bài viết đã đăng tải trên VnEcononomy về những nội dung phản hồi của Vietcombank, liên quan đến những khó khăn trong hoạt động của thị trường liên ngân hàng thời gian gần đây, bài viết này đề cập đến một góc nhìn phản biện khác, như một quan điểm để tham khảo, hướng tới cùng xây dựng một thị trường hoạt động lành mạnh, ổn định và phát huy đúng vai trò của nó.
Nhầm lẫn giữa “tiền gửi” và “cho vay”?
Trước hết, cần xác định rõ thị trường liên ngân hàng (interbank market) bao gồm thị trường giao dịch tiền gửi (money market) mà đối tượng giao dịch là lãi suất; thị trường ngoại hối (foreign exchange market) mà đối tượng giao dịch là tỷ giá. Sự phản biện tập trung ở thị trường thứ nhất.
Theo đó, thị trường liên ngân hàng cần được hiểu là thị trường tiền gửi giữa các ngân hàng, chứ không phải là thị trường cho vay. Đây là đặc thù để phân biệt với thị trường cho vay thông thường (cho vay đối với dân cư, doanh nghiệp, bao gồm cả giữa các ngân hàng với nhau hay còn gọi là cho vay liên ngân hàng). Đặc thù này tạo nên nên đặc tính khác biệt của thị trường liên ngân hàng hàng chục năm qua là có độ tin cậy rất cao. Nó là nơi các thành viên tham gia (chủ yếu là các tổ chức tín dụng) đáp ứng được các yêu cầu về vốn, ký quỹ, chuyên môn và cả đạo đức nghiệp vụ. Theo đó, từ trước đến nay các giao dịch ở đây hầu như không có tài sản đảm bảo và các thủ tục pháp lý tương đối đơn giản.
Là thị trường tiền gửi, giao dịch ở thị trường này dựa trên các hạn mức tiền gửi (money market line) mà các ngân hàng dành cho nhau và có sự thẩm định các yếu tố rủi ro. Nếu có yếu tố rủi ro cao, ngân hàng gửi (mà lâu nay vẫn được nhiều người hiểu và gọi là cho vay) sẽ thu hẹp hạn mức, chào gửi lãi suất cao hơn, hoặc lựa chọn đối tác khác an toàn hơn để gửi. Lượng tiền gửi đó vẫn được các ngân hàng gọi là huy động vốn trên thị trường 2, hay ghi nhận ở khoản mục tiền gửi của các tổ chức tín dụng khác.
Ở đây, là ngân hàng gửi tiền, họ có lựa chọn để quyết định gửi, co hẹp hạn mức hoặc không gửi, mà không phải đặt ra yêu cầu ngân hàng nhận phải đảm bảo thế chấp. Điều này tương tự như hoạt động gửi tiền của người dân tại các ngân hàng hiện nay, họ không có “quyền” hoặc không có khái niệm đòi ngân hàng mình gửi phải thế chấp; và nếu không tin ngân hàng A thì họ gửi ở ngân hàng B.
Thế nên, như thực tế vừa qua và cũng như quan điểm của một số ngân hàng lớn đưa ra, họ xem đó là hoạt động cho vay và yêu cầu ngân hàng nhận gửi phải đảm bảo tài sản thế chấp cũng như xem đó là một thông lệ bình thường.
Lâu nay, như đề cập ở trên, do tính đặc thù và bản chất là tiền gửi, giao dịch trên thị trường liên ngân hàng có độ tin cậy rất cao và không có cơ chế phải đảm bảo thế chấp như vậy (cũng như người dân gửi tiền tại ngân hàng mà không yêu cầu ngân hàng phải thế chấp vậy, nếu rủi ro họ chỉ được bảo hiểm với hạn mức 50 triệu đồng). Cho nên không thể xem cơ chế mà một số ngân hàng lớn đặt ra vừa qua là một thông lệ bình thường của thị trường; hay giả sử người dân gửi tiền tại ngân hàng lúc này đòi ngân hàng phải đưa giấy tờ nhà đất, vàng, ngoại tệ… thế chấp cho mình thì điều đó là bất thường.
Mặt khác cũng không thể đánh đồng các khoản tiền gửi đó là các khoản cho vay (loans), là tín dụng thông thường. Bởi các khoản cho vay, tín dụng thông thường được xác lập giữa các ngân hàng với nhau qua hợp đồng tín dụng, qua thẩm định và theo cơ chế tín chấp hoặc thế chấp. Những khoản cho vay này thông thường mang tính chất trung và dài hạn.
Nếu các ngân hàng xem đó là cho vay thì thực hiện đúng như tín dụng thông thường, thực hiện theo các khoản tín dụng riêng lẻ chứ không đưa nó kèm theo cơ chế phải thế chấp lên trên thị trường liên ngân hàng.
Một tiền lệ xấu?
Nhưng vừa qua, thực tế diễn ra cho thấy đã có một sự đánh đồng, hoạt động tiền gửi trên liên ngân hàng được hiểu là cho vay đi cùng với cơ chế phải có thế chấp. Điều này không phải là thông lệ mà là tạo một tiền lệ xấu, bởi nó phát đi một tín hiệu: độ rủi ro trong giao dịch giữa các ngân hàng ở một thị trường có độ tin cậy cao nhất lại bị đánh đồng như giao dịch với một doanh nghiệp vay vốn thông thường.
Là linh hồn của thị trường tiền tệ, những tín hiệu từ liên ngân hàng đều có thể gây những tác động và ảnh hưởng lớn tới niềm tin, tâm lý thị trường.
Rộng hơn, ở tín hiệu đó, ngay cả khi ngân hàng gửi tiền ở ngân hàng khác mà còn thiếu tin tưởng, đòi phải thế chấp thì người dân gửi tiền tại ngân hàng sẽ suy tính như thế nào? Phía sau câu hỏi này là tình trạng găm đô, giữ vàng trong dân cư có thể mở rộng hơn và liên quan là câu chuyện thanh khoản hệ thống.
Sự phòng thủ cục bộ của một số ngân hàng lớn với quan điểm đánh đồng với hoạt động cho vay như phản ánh từ thành viên thị trường còn tạo thêm những xáo trộn trên thị trường liên ngân hàng, góp phần tạo áp lực lãi suất và hiệu ứng tâm lý bất lợi, trong khi đó Ngân hàng Nhà nước đang nỗ lực giữ ổn định chung trên thị trường này.
Ở một ảnh hưởng khác, khi đưa cơ chế đó lên thị trường liên ngân hàng, vô hình trung hoạt động tiền gửi bị đánh đồng là cho vay và làm lệch hướng đi của thị trường, cũng như làm lẫn lộn vai trò của nó là kênh điều phối nguồn tiền gửi cho hệ thống thành một kênh cho vay, cũng như làm mất đi đặc tính có độ tin cậy cao mà nó có được trong suốt quá trình hoạt động trước đó.
Có lẽ, xoay quanh câu chuyện này, yêu cầu đặt ra là sự vào cuộc của Ngân hàng Nhà nước, tạo một khuôn khổ và hành lang pháp lý chặt chẽ hơn để đảm bảo hơn nữa tính ổn định và giá trị của thị trường liên ngân hàng.
Minh Đức
TBKTVN
|