Thứ Sáu, 04/11/2011 17:20

Trần tỷ giá chỉ để… “làm cảnh”

Hiện có khá nhiều doanh nghiệp phản ánh là họ rất khó mua USD tại các NHTM theo đúng tỷ giá niêm yết và nếu muốn mua được thì đều phải trả thêm phí. Điều này gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu trong diện kiểm soát giá như vật tư nông nghiệp...

Các NHTM rất khó mua được USD theo đúng tỷ giá niêm yết

Nguyên nhân

Lãnh đạo một Công ty TNHH Thức ăn gia súc tại Lái Thiêu, Thuận An, Bình Dương cho biết, tỷ giá liên ngân hàng do NHNN công bố hằng ngày và tỷ giá ngân hàng thương mại niêm yết chỉ tồn tại trên giấy bởi thực chất, nhiều doanh nghiệp như doanh nghiệp này hiện không thể mua USD theo giá niêm yết. Cụ thể, như ngày 3/11, ngân hàng công bố giá bán khoảng 21.011 VND/USD nhưng doanh nghiệp phải trả với giá cao hơn khoảng 1% nữa và khoản thu thêm này được ngân hàng giải thích là phí.

"Mặc dù mức chênh lệch không quá nhiều nhưng cũng làm tăng chi phí của doanh nghiệp trong bối cảnh những mặt hàng này (thức ăn gia súc), theo yêu cầu của Chính phủ, không những không được tăng mà còn phải giảm giá xuống để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nông dân". vị lãnh đạo trên than.

Câu chuyện của doanh nghiệp trên cũng lặp lại với các doanh nghiệp nhập khẩu những mặt hàng thiết yếu khác như: phân bón, vật tư nông nghiệp, nguyên phụ liệu dệt may… Lãnh đạo các doanh nghiệp này đều chung quan điểm, ngân hàng đang "làm khó" doanh nghiệp trong bối cảnh rất khó khăn hiện nay.

Theo một lãnh đạo phụ trách nguồn vốn của Techcombank, phí dành cho việc mua bán ngoại tệ thì ngân hàng không được thu, nhưng việc thu phí khác có thể là một gói dịch vụ của ngân hàng được thực hiện dựa trên biểu phí quy định, đồng thời cũng dựa trên cơ sở thỏa thuận giữa khách hàng và ngân hàng. Cần phân biệt rõ, hai câu chuyện này hoàn toàn khác nhau.

"Nhưng suy cho cùng, đây là do cầu vượt cung, thanh khoản kém trên thị trường", vị lãnh đạo trên nói.

Mặc dù vậy, theo các chuyên gia ngân hàng, mấu chốt vấn đề là hiện tỷ giá trên thị trường ngoại tệ tự do luôn cao hơn thị trường chính thức, khiến các NHTM rất khó mua được USD theo đúng tỷ giá niêm yết, dẫn đến cũng không thể bán theo đúng tỷ giá niêm yết được.

Đồng quan điểm trên, một cán bộ ngân hàng thừa nhận, để mua được ngoại tệ, ngoài tỷ giá niêm yết, ngân hàng phải trả thêm cho doanh nghiệp hoặc ngân hàng bạn, sau đó thu lại của bên mua. Mặc dù đó không phải là việc ngân hàng mong muốn, nhưng nhiều doanh nghiệp có nguồn ngoại tệ hiện không mặn mà với việc bán lại mà phần lớn là "găm". Bản thân ngân hàng cũng rất khó khăn về nguồn nên đành trả thêm phí và được coi là điều kiện để doanh nghiệp bán lại USD. "Đó là lý do hình thành tỷ giá giao dịch riêng giữa ngân hàng và doanh nghiệp", vị cán bộ trên giải thích.

Theo TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, tỷ giá hối đoái hiện nay chưa phản ánh đúng quan hệ giữa VND và USD. NHNN có vẻ như vẫn đang cố kìm nén tỷ giá. Thực chất, phí thu thêm là một loại giá, giá niêm yết chỉ là hình thức. Giá sau khi cộng phí có thể còn cao hơn ở cả giá USD ngoài thị trường tự do. Điều đó cho thấy có vấn đề ở thị trường chính thức, trong khi việc thiếu minh bạch trên thị trường này có thể gây thiệt hại nhiều hơn cả việc thiếu minh bạch trên thị trường tự do.

"Câu chuyện ngân hàng thu phí khi doanh nghiệp mua ngoại tệ giống như việc quản lý trần lãi suất trước kia, chỉ để làm 'cảnh' bởi NHNN không kiểm tra, kiểm soát gắt gao, tạo kẽ hở cho các ngân hàng 'lách' với các giao dịch thực không tuân thủ đúng quy định", ông Ánh nói.

Cần giải pháp đồng bộ

Theo NHNN, hiện cán cân thương mại của Việt Nam vẫn bị thâm hụt khá cao, đã tạo áp lực trên thị trường ngoại hối, là nguyên nhân dẫn đến sự mất cân bằng cung cầu ngoại tệ hiện nay. NHNN cũng cho biết, hiện tượng một số tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua bán ngoại tệ với tỷ giá vượt trần quy định của NHNN đã ảnh hưởng bất lợi đến hiệu lực của các chính sách mới, sự ổn định của thị trường ngoại hối cũng như hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng. Để đảm bảo việc thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng sẽ tổ chức kiểm tra ngay hoạt động mua bán ngoại tệ với khách hàng và trên thị trường liên ngân hàng tại một số tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

TS. Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định, khoản phí trả thêm lại không được ghi đúng trong sổ sách của ngân hàng cũng như doanh nghiệp và buộc phải ẩn dưới tên khác, vì thế dễ bị lợi dụng. Sự lợi dụng đó có thể xuất hiện ở nhiều khâu như: đại diện doanh nghiệp khi bán USD được ngân hàng trả thêm nhưng chưa hẳn tất cả tiền này về đến doanh nghiệp. Khi mua USD, đại diện doanh nghiệp có thể kê thêm, nói là ngân hàng đòi thế, để "móc ruột" doanh nghiệp. Nhân viên ngân hàng móc ngoặc với đại diện doanh nghiệp để xà xẻo khoản trả thêm khi mua/bán USD...

"Cần sự trao đổi, đối thoại giữa NHNN với các ngân hàng thương mại, giữa ngân hàng thương mại với khách hàng để giải quyết tình trạng này", TS. Thành nói.

Còn lãnh đạo phụ trách nguồn vốn của Techcombank cho rằng, NHNN đã có những động thái hành chính siết chặt lại việc mua bán ngoại tệ nhưng cũng cần có biện pháp can thiệp mạnh vào thị trường. Ví dụ, NHNN cần ưu tiên bán USD cho doanh nghiệp thông qua việc ngân hàng đề nghị những lĩnh vực cấp thiết của xã hội thì thanh khoản sẽ tốt. Đương nhiên, đối với những lĩnh vực không ưu tiên như hàng hóa xa xỉ sẽ buộc doanh nghiệp khi mua ngoại tệ phải cân nhắc bởi những khó khăn đi kèm.

"Hiện tại, NHNN mới chỉ nhìn tổng thể mà không theo giao dịch cụ thể nào", vị lãnh đạo này nói.

Một chuyên gia ngân hàng nêu quan điểm, NHNN có lý khi đeo đuổi cơ chế tỷ giá do ngân hàng niêm yết nhưng không thể để tỷ giá nhập nhèm mãi. NHNN cần mạnh tay như đã làm với trần lãi suất huy động để lập lại kỷ cương về chấp hành tỷ giá. Nhưng muốn thế, NHNN phải bán USD can thiệp để thị trường không bị chặn nguồn cung khi bên bán nhất định găm giữ USD. Nếu chưa thể kiềm chế tỷ giá như mong muốn thì NHNN yêu cầu ngân hàng và doanh nghiệp phải minh bạch khoản thu thêm để giảm bớt nạn nhập nhèm, khó kiểm soát.

Hồng Dung

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   NHNN yêu cầu báo cáo dư nợ liên quan đến bất động sản (04/11/2011)

>   Lo rủi ro ở hệ thống ngân hàng (04/11/2011)

>   BIDV dành 100 triệu USD cho vay mua nhà, showroom tại Nga (04/11/2011)

>   GiaDinhBank chính thức đổi tên thành Ngân hàng Bản Việt (04/11/2011)

>   Khó thu hồi nợ bất động sản (04/11/2011)

>   Ngân hàng nhỏ: Vẫn rất cần (04/11/2011)

>   Sợ 'sờ gáy', ngân hàng dè dặt bán đôla (04/11/2011)

>   Vụ ACB thắng kiện 1,3 triệu đô la: Đòi nợ không dễ! (04/11/2011)

>   “Thủ thế” trên thị trường liên ngân hàng (04/11/2011)

>   Lãi suất liên ngân hàng lại “nóng” lên 27% (04/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật