Nền kinh tế 100 tỉ USD có những gì?
Việc phân bổ nguồn lực trong nền kinh tế 100 tỉ USD của Việt Nam đang bộc lộ nhiều vấn đề. Theo PGS. TS. Trần Đình Thiên, ngay từ lúc này Việt Nam cần phải thay đổi.
|
TS. Trần Đình Thiên cho rằng Chính phủ cần quy hoạch lại chiến lược quốc gia, trong đó mục tiêu ưu tiên là cần thu hẹp đầu tư công nhằm đảm bảo tính trọng điểm, đột phá và tránh dàn trải. |
Nền kinh tế Việt Nam với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 100 tỉ USD gồm 100 cảng biển, hơn 100 tổ chức tín dụng, 22 sân bay, 260 khu công nghiệp... Vậy ai tạo ra GDP?”, Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đặt vấn đề trong buổi hội thảo “Cập nhật tình hình kinh tế toàn cầu và kinh tế vĩ mô Việt Nam”, do Ngân hàng ANZ Việt Nam tổ chức ngày 16.11.
“Mỗi địa phương như một vương quốc độc lập”
Ông Thiên cho biết, nền kinh tế với GDP 100 tỉ USD của Việt Nam có 100 cảng biển, trong đó có 20 cảng quốc tế; hơn 100 tổ chức tín dụng, hàng trăm công ty tài chính và chứng khoán; 22 sân bay, trong đó có 8 sân bay quốc tế (trong khi Nhật có 4 sân bay quốc tế). Ngoài ra còn có 18 khu kinh tế ven biển; 27 khu kinh tế cửa khẩu; 260 khu công nghiệp, 650 cụm công nghiệp. Chỉ tính trong 10 năm (2001-2010), Việt Nam có thêm 233 trường đại học và cao đẳng, tức mỗi tháng có thêm 2 trường. Tính trung bình, nền kinh tế có thêm 1 khu đô thị mới trong 1 tháng.
Thực tế, số lượng các sân bay, cảng biển, khu công nghiệp và ngân hàng thương mại không phải là vấn đề đáng ngại đối với một nền kinh tế nếu các công trình này thực sự cần thiết, mang lại hiệu quả kinh tế cao và đóng góp cho tăng trưởng của nền kinh tế đó. Tuy nhiên, theo phân tích của ông Thiên, quy mô nền kinh tế Việt Nam chỉ có 100 tỉ USD nhưng có đến 100 cảng biển. Nghĩa là, mỗi cảng chỉ phục vụ sản xuất trung bình 1 tỉ USD/năm cho nền kinh tế mà thôi. Tương tự, nếu 100 ngân hàng thương mại trong nền kinh tế có GDP 100 tỉ USD có nghĩa bình quân mỗi ngân hàng chỉ phục vụ sản xuất ra 1 tỉ USD/năm cho nền kinh tế.
TS. Vũ Tuấn Anh, Viện Kinh tế Việt Nam, từng nói: “Mỗi địa phương như một vương quốc độc lập. Tỉnh nào cũng có sân bay, cảng biển, khu công nghiệp, sân golf, khu đô thị như một đại công trường dang dở”. Ngay giữa các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và khu kinh tế ven biển của Việt Nam cũng diễn ra sự cạnh tranh rất gay gắt nhằm thu hút đầu tư.
Theo ông Thiên, Nhà nước cần có biện pháp kiểm soát và kiểm tra chặt bởi nguồn lực có hạn. Sự bất cập trong lĩnh vực đầu tư công gây lãng phí về nguồn lực quốc gia, đặc biệt tại những địa phương thuộc diện nghèo nhất nước như Hà Giang. Số liệu từ Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, từ năm 1998, Hà Giang chủ trương xây dựng hạ tầng. Tỉnh này đã đầu tư thực hiện 1.901 công trình xây dựng cơ bản theo hình thức chỉ định thầu, với tổng vốn dự toán được duyệt 3.308 tỉ đồng tính đến năm 2004. Tuy nhiên, vẫn có hàng trăm công trình chưa hoàn thành và sau 4 năm Hà Giang còn nợ vốn xây dựng cơ bản 1.800 tỉ đồng.
Ông Thiên đặt vấn đề: “Quy mô nền kinh tế có khiêm tốn ở mức 100 tỉ USD hay không, nếu các công trình bị chậm tiến độ, gây thất thoát trên cả nước được quản lý bởi 1 bộ máy hậu kiểm sau cấp phép nghiêm ngặt từ trên xuống dưới?”
Quy hoạch lại hệ thống phân bổ nguồn lực
Cần nói thêm rằng, so với các quốc gia công nghiệp mới (NICs) ở châu Á như Đài Loan và Hàn Quốc sau 30 năm phát triển đầu tiên, phát triển kinh tế của Việt Nam tương đối chậm. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính từ năm 2000 cho tới nay, đầu tư toàn xã hội chiếm khoảng 30-40% GDP/năm nhưng hiệu quả đầu tư không cao. Thống kê của ông Thiên cho thấy, trong 3 năm gần nhất từ 2008-2010, hệ số ICOR của Việt Nam luôn rất cao, đồng nghĩa với hiệu quả đầu tư thấp (ICOR là hệ số đo lường để có được 1 đồng vốn tăng trưởng GDP cần bao nhiêu đồng vốn đầu tư, ICOR càng thấp hiệu quả đầu tư càng cao). Năm 2009, tốc độ tăng GDP là 5,3%; đầu tư/GDP tăng 38,13% và ICOR là 7,19. Đến 2010, GDP tăng trưởng 6,78% trong khi đầu tư/GDP tăng 41,91% và ICOR 6,18. ICOR của Việt Nam cao như vậy chứng tỏ điểm yếu của nền kinh tế là tăng trưởng nóng dựa vào vốn đầu tư nhưng kém chất lượng.
Theo ông Thiên, muốn chống lạm phát, ổn định vĩ mô và tăng trưởng lâu dài thì ngay từ lúc này Việt Nam phải thay đổi hệ thống phân bổ nguồn lực.
Ông Thiên cho rằng, không thể để tái diễn tình trạng chỉ một tỉnh mà có thời điểm có tới 13 dự án xây sân golf được cấp phép. Hay tổng số cảng biển đã hoạt động, đang xây dựng và chuẩn bị đầu tư tại Bà Rịa - Vũng Tàu là 57 cảng. Nếu cả 57 cảng này đi vào hoạt động, Bà Rịa - Vũng Tàu tìm đâu ra nguồn lực dành cho các lĩnh vực khác? Trong khi đó, có cảng chỉ hoạt động 20% công suất. Việc dự báo nhu cầu vận chuyển hàng hóa cũng cần xem lại, khi 17 cảng biển đang hoạt động tại Vũng Tàu chỉ có lượng hàng bốc xếp là 13-14 triệu tấn/năm, nhưng lại dự báo tới 53 triệu tấn hàng trong năm 2010.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để đầu tư vào các dự án xây dựng hạ tầng trên cả nước như cảng biển, sân bay, khu kinh tế biển, đường cao tốc... ngân sách Nhà nước phải mất 15 tỉ USD/năm từ nay đến năm 2020.
Vì lẽ đó, tái cơ cấu nền kinh tế chính là thay đổi hệ thống phân bổ nguồn lực quốc gia. Trong ngắn hạn, theo ông Thiên, phải hạ lạm phát xuống thấp hơn 7% vào năm 2012. Quan điểm này được ông Paul Gruenwald, Kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng ANZ, ủng hộ. Ông cho rằng, Việt Nam cần kéo lạm phát xuống mức 1 con số vào năm sau và coi đây là mục tiêu lớn nhất. Nới lỏng tiền tệ và hạ lãi suất chỉ có thể thực hiện sau khi mục tiêu giảm lạm phát đã hoàn thành.
Trong dài hạn, ông Thiên cho rằng Chính phủ cần quy hoạch lại chiến lược quốc gia, trong đó mục tiêu ưu tiên là cần thu hẹp đầu tư công nhằm đảm bảo tính trọng điểm, đột phá và tránh dàn trải. Chẳng hạn chỉ tập trung đầu tư cho 2-3 khu kinh tế tự do thay vì 45 khu kinh tế ven biển và cửa khẩu như hiện nay.
Nhã Khánh
NHỊP CẦU ĐẦU TƯ
|