Thứ Tư, 23/11/2011 06:23

Tái cấu trúc DNNN: Ai làm và có dễ làm?

Cần giải được bài toán ai sẽ thực hiện việc tái cấu trúc nền kinh tế hay tái cấu trúc DNNN. Vấn đề đổi mới và tái cấu trúc DNNN bằng nguồn lực từ bên trong hay bên ngoài cần đặt ra. Nhân sự làm tái cấu trúc DNNN phải có động cơ và quyền lực đúng mức để thực hiện công việc đầy khó khăn và mâu thuẫn này.

Trọng tâm của tái cơ cấu, tái cấu trúc DNNN được nhấn mạnh là tập trung vào các tổng công ty nhà nước, DNNN, thực thi việc hạn chế và chấm dứt các đầu tư ra ngoài các ngành nghề chính yếu, lĩnh vực sản xuất chủ yếu mà DNNN được tin tưởng giao nhiệm vụ.

DNNN rồi đây chỉ nên tập trung làm tốt các lĩnh vực ngành nghề mà kinh tế tư nhân chưa thể làm tốt được, các ngành nghề quan trọng có tính chất sống còn với lợi ích quốc gia như đầu tư hạ tầng cơ sở, dịch vụ công ích xã hội, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện các mục tiêu chương trình an sinh xã hội nhằm đáp ứng các mục tiêu chiến lược quan trọng và có ý nghĩa lớn nhất đối với tổng thể nền kinh tế.

Câu hỏi tại sao phải tái cấu trúc nền kinh tế nói chung và tái cấu trúc hệ thống DNNN nói riêng đã được ngã ngũ là do bắt buộc phải nâng cao hiệu quả kinh doanh của toàn nền kinh tế, của hệ thống DNNN, tránh tham nhũng, thất thoát, quan liêu, trì trệ, đưa DNNN thực sự trở thành các doanh nghiệp bằng cách cổ phần hóa, đổi mới hệ thống quản trị doanh nghiệp theo mô hình kinh tế công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, chịu sự điều chỉnh chung của Bộ Luật Doanh nghiệp và các bộ luật chung của đất nước.

Có dễ làm? Ai sẽ trực tiếp thực hiện?

Nói tái cấu trúc DNNN nhưng ai sẽ đứng ra làm việc này? Nghị quyết từ trên đưa ra là phải nhanh chóng tái cấu trúc DNNN, các cơ quan chính phủ và bộ ngành rồi đây sẽ phải ban hành các công văn hướng dẫn thực hiện ở tầm vĩ mô, như các kim chỉ nam cho các hoạt động tái cấu trúc tại từng DNNN.

Xuống đến từng doanh nghiệp của hệ thống DNNN, các chủ thể và khách thể tại DNNN ở cấp độ vi mô, sẽ phản ứng thế nào?

Cần mạnh dạn nhanh chóng cắt bỏ các đầu tư ngoài ngành, ngoài các lĩnh vực kinh doanh mà Nhà nước không chủ trương khuyến khích (ảnh minh họa)

Cụ thể hơn là Hội đồng quản trị, ban giám đốc DNNN cùng cán bộ nhân viên trong DNNN và các đối tác, bạn hàng của DNNN sẽ đón nhận việc cải cách, cải tổ, tái cấu trúc này ra sao?

Vẫn như cũ chăng? Liệu có xung đột hay mâu thuẫn lợi ích giữa cá nhân và tổ chức nào cần phải xử lý trong quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp này?

Nếu các lĩnh vực mà DNNN nào đó đang kinh doanh ngoài lĩnh vực chuyên ngành chủ yếu mà Nhà nước yêu cầu phải cắt giảm hay hủy bỏ mặc dù đang sinh lợi chủ yếu và ngày càng lớn mạnh thì DNNN liệu có nên hoặc phải nghe theo?

Sau cùng, ai sẽ là người đứng ra thực hiện việc tái cấu trúc DNNN? Nếu Hội đồng quản trị hay Ban giám đốc DNNN trực tiếp đứng ra làm thì kết quả công việc liệu có khả thi hoặc tốt nhất?

Nếu cần có một "ban chỉ đạo" hay "ban thực hiện" việc tái cấu trúc doanh nghiệp tại từng DNNN thì các nhân sự ở ban này là ai?

Nhân sự làm việc tái cơ cấu, tái cấu trúc là do từ cấp trên đưa xuống hay từ dưới cơ sở đưa lên? Làm sao các nhân sự này có "động lực" thực sự để xúc tiến việc tái cấu trúc DNNN? Liệu Nhà nước có thể chỉ cần dùng một số văn bản hướng dẫn là có thể thực hiện tái cấu trúc DNNN?

Nếu các nhân sự thực hiện việc tái cấu trúc DNNN mà là có quyền lợi mâu thuẫn với việc tái cấu trúc, ví dụ: giám đốc hay quản lý tại một ngân hàng đầu tư ngoài ngành, trực thuộc DNNN về dầu khí hay điện lực, liệu họ có muốn tự tay tái cấu trúc, cắt giảm công việc tại ngân hàng của mình không? Giám đốc phụ trách dự án bất động sản - đầu tư ngoài ngành của Dầu khí hay Điện lực có muốn tự tay dẹp bỏ dự án bất động sản do mình quản lý và sinh lợi?

Để trả lời các câu hỏi trên, cần giải được bài toán ai sẽ thực hiện việc tái cấu trúc nền kinh tế hay tái cấu trúc DNNN - một bài toán kết hợp kinh tế vĩ mô và vi mô của từng doanh nghiệp. Vấn đề đổi mới và tái cấu trúc DNNN bằng nguồn lực từ bên trong hay bên ngoài cần đặt ra ở đây. Nhân sự làm tái cấu trúc DNNN phải có động cơ và quyền lực đúng mức để thực hiện công việc đầy khó khăn và mâu thuẫn này.

Giữ lại DNNN nào?

Chỉ riêng việc lựa chọn lĩnh vực và ngành nghề chuyên môn nào mà các DNNN nên tập trung làm tốt hay phát triển thành một doanh nghiệp có tính chủ đạo của nền kinh tế theo ý chí của Nhà nước, cũng đã là một bài toán khó.

Cái khó là các DNNN dù muốn hay không cũng đã được hình thành từ lâu, có khi không theo quy luật kinh tế thị trường ngay từ đầu, lại được nuôi dưỡng, níu kéo, hỗ trợ nâng đỡ bằng các biện pháp bao cấp của một thời kỳ kinh tế chỉ huy, tập trung kéo dài. Nên khi hội nhập kinh tế thế giới, hội nhập nền kinh tế thị trường thì các vấn đề yếu kém về con người và hệ thống được bộc lộ rõ ra.

Vấn đề con người và tư duy kinh tế chủ quan hay khách quan sẽ quyết định ngành nghề nào nên giữ lại, ngành nghề nào nên để tư nhân làm.

Vì kinh tế tư nhân với sự năng động và sáng tạo cao, động cơ hành động thường có tính khách quan, dẫn đến năng suất và hiệu quả cao sẽ luôn làm tốt, cạnh tranh tốt hơn DNNN; ngành nghề nào do ý chí của Nhà nước quyết định hay do bối cảnh lịch sử để lại, khó thay đổi, chậm chuyển đổi sang mô hình quản trị theo Luật Doanh nghiệp, hoặc các lĩnh vực mà kinh tế tư nhân chưa thể làm được do quy mô đầu tư quá lớn, hiệu quả đầu tư kinh tế chưa cao nhưng hiệu quả an sinh xã hội lớn, thì buộc Nhà nước phải đầu tư làm.

Ví như, có đại biểu Quốc hội cho rằng ngân hàng là ngành quan trọng chủ chốt của nền kinh tế nên Nhà nước phải giữ lại và đầu tư phát triển. Tuy nhiên, có rất nhiều ví dụ thực tiễn cho thấy tại các quốc gia phát triển, Chính phủ hay nhà nước không giữ hay đầu tư vào ngành ngân hàng. Họ cho rằng các ngân hàng tư nhân hay tập đoàn tài chính - ngân hàng đa quốc gia đã và đang làm rất tốt các việc liên quan đến ngân hàng! Không có lý do để nhà nước can thiệp.

Tương tự, các lĩnh vực năng lượng, dầu khí, điện, khoáng sản .v.v. nhà nước hay chính phủ tại rất nhiều quốc gia chỉ xây dựng các luật đầu tư, kinh doanh, môi trường kinh doanh rõ ràng, minh bạch và không cần trực tiếp tham gia góp vốn hay đầu tư vào các doanh nghiệp tư nhân đang làm rất tốt các công việc của mình.

Thậm chí, ở các nước như Mỹ, Úc, Canada, Nhật... và châu Âu ..v.v.. , một số lĩnh vực đầu tư cần vốn đầu tư lớn như an ninh, quân sự, quốc phòng, hàng không, không gian, chế tạo thiết bị công nghệ cao, công nghệ sinh học, di truyền học, công nghệ nguồn, công nghiệp nặng, .v.v. nếu doanh nghiệp tư nhân đã trưởng thành, đã làm tốt thì Nhà nước cũng không cần đầu tư.

Tóm lại, việc cải cách và hoàn thiện thể chế quản lý doanh nghiệp cho các DNNN hoạt động theo luật chơi chung, luật doanh nghiệp và cạnh tranh sòng phẳng với các loại hình doanh nghiệp tư nhân khác trong nền kinh tế là rất quan trọng, vì đây là yếu tố sống còn liên quan đến hiệu quả của DNNN. Khâu tổ chức thực hiện việc tái cấu trúc DNNN sẽ gặp khó khăn lớn vì khó lựa chọn được nhân sự tối ưu để thực hiện việc tái cấu trúc do có mâu thuẫn và xung đột quyền lợi ở các cấp độ liên quan.

Nhà nước và DNNN chỉ nên đầu tư hay làm thay cho kinh tế tư nhân ở những lĩnh vực mà kinh tế tư nhân chưa có điều kiện làm tốt, chưa đủ nguồn lực để đầu tư. DNNN muốn lớn mạnh và xứng đáng là doanh nghiệp cung cấp sản phẩm và dịch vụ chủ đạo trên thương trường thì phải cải cách sâu rộng, giải quyết được các mâu thuẫn quyền lợi bên trong và ngoài doanh nghiệp, tập trung đầu tư có chiều sâu vào các lĩnh vực mà kinh tế tư nhân chưa làm hoặc khó làm được.

DNNN còn phải mạnh dạn nhanh chóng cắt bỏ các đầu tư ngoài ngành, ngoài các lĩnh vực kinh doanh mà Nhà nước không chủ trương khuyến khích vì đây là một xu thế hay định hướng lớn của toàn nền kinh tế. DNNN cũng sẽ phải sẵn sàng cạnh tranh được sòng phẳng với các loại hình doanh nghiệp khác trong cùng một sân chơi bình đẳng của Luật Doanh nghiệp.

Cảnh Thái

Diễn đàn kinh tế VN

Các tin tức khác

>   Chính phủ sẽ chỉ đạo tháo gỡ khó khăn về vốn cho DN (22/11/2011)

>   WB: Lạm phát 2012 của Việt Nam sẽ giảm mạnh (22/11/2011)

>   Lãnh đạo EVN trần tình chuyện lương 7,3 triệu đồng (22/11/2011)

>   Tái cấu trúc DNNN cần song hành tái cấu trúc đầu tư (22/11/2011)

>   Đánh giá về hiệu quả đầu tư (22/11/2011)

>   CPI Hà Nội tháng 11 tăng 0,29% (21/11/2011)

>   Nợ công ở châu Âu và bài học về quản lý nhà nước (21/11/2011)

>   Vốn TPCP căn cứ vào đầu tư hiệu quả (21/11/2011)

>   Lời hứa bộ trưởng: Một năm “thử lửa” (21/11/2011)

>   CPI tháng 11 của TPHCM tăng 0,28%  (21/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật