Lãi suất: Đồng thuận hay độc quyền nhóm?
Các nhà phân tích kinh tế gần đây bắt đầu thể hiện những hoài nghi về khái niệm “đồng thuận” trong vấn đề giảm lãi suất ngân hàng, được Ngân hàng Nhà nước khởi xướng trong vòng hơn một tháng nay.
Bắt đầu bằng đồng thuận 100% trong việc quy định trần lãi suất huy động 14%/năm, gần đây lại có thêm đồng thuận “7+1” trong quản lý vàng, và đồng thuận “12+1” trong quản lý lãi suất.
Thực tế cho thấy, cứ sau mỗi đợt “đồng thuận”, thị trường lại xuất hiện những biến tấu mới có vẻ “thách thức” bàn tay can thiệp của Ngân hàng Nhà nước. Giới phân tích cũng bình luận rằng, Ngân hàng Nhà nước cũng khá rành những giải pháp thị trường, nên gần đây nhất, đã chuyển sang chiến lược đồng thuận “thu hẹp” theo kiểu “7+1” và “12+1” như nói ở trên.
Lý giải theo thuyết thị trường hiệu quả (Efficiency Market Hypothesis), nếu một ngân hàng có mức độ hiệu năng cao hơn các đối thủ cạnh tranh, thì nó có thể chọn một trong hai chiến lược. Với chiến lược thứ nhất, ngân hàng đó sẽ tối đa hóa lợi nhuận và giá trị doanh nghiệp bằng cách vừa giữ nguyên mức lãi suất hiện tại (đang cao) vừa giữ nguyên quy mô hoạt động của mình. Trong chiến lược thứ hai, ngân hàng cũng cố gắng tối đa hóa lợi nhuận nhưng bằng cách giảm lãi suất (từ mức đang cao) và gia tăng quy mô hoạt động. Ngân hàng có hiệu năng cao nhất sẽ nắm được thị phần với giá phí của ngân hàng kém hiệu năng nhất.
Các ngân hàng thương mại lớn của Việt Nam đang ở đâu trong hai chiến lược lý thuyết kể trên? Với khái niệm đồng thuận “mở rộng” ban đầu, có lẽ chiến lược thứ nhất sẽ thích hợp với họ hơn. Nhưng rõ ràng, với khái niệm đồng thuận thu hẹp “12+1” như trong những ngày gần đây, rõ ràng họ đang nằm trong chiến lược thứ hai.
Nếu như thế thì cũng không phải là chuyện lớn gì lắm, bởi lẽ, nếu như tính hiệu năng là động lực đứng đằng sau tiến trình tập trung hóa, hay nói một cách khác, tập trung ngân hàng không nhất thiết phải dẫn đến hệ quả lạm dụng quyền lực thị trường như thực tế đang diễn ra hiện nay. Rõ ràng, các ngân hàng lớn đang có lợi quá nhiều trong việc đồng thuận, dù họ có thực sự đồng thuận hay không trong khuôn khổ “12+1” nói trên thì khó mà biết. Bằng chiến lược thứ nhất, họ cũng có lợi. Bằng chiến lược thứ hai, họ càng có lợi, thậm chí lợi “kép”: lợi nhuận và tư cách là một thành viên đồng thuận.
Có quan điểm cho rằng, các ngân hàng nhỏ là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc gia tăng lãi suất trong thời gian vừa qua. Theo tôi, nói như thế không công bằng. Tại sao người ta lại bỏ qua vai trò “dẫn đạo”, “đầu tàu” của các ngân hàng lớn? Thực tế là chính các ngân hàng lớn vẫn cho các ngân hàng nhỏ vay trên thị trường 2 mà. Điều đáng nói thêm, vẫn có những ngân hàng lớn, bằng lợi thế vay lãi suất thấp từ Ngân hàng Nhà nước, lại sử dụng các nguồn vốn đó để cho các ngân nhỏ vay lại để kiếm lời.
Rõ ràng, từ khuôn khổ bị hành chính hóa, thị trường ngân hàng Việt Nam đang có những biến tướng đáng quan ngại. Người ta tự hỏi, liệu đồng thuận có diễn ra đúng với nghĩa của nó hay không, hay là, từ đồng thuận, đã có những dấu hiệu của “độc quyền nhóm” trong lĩnh vực ngân hàng?
PGS.TS. Trương Quang Thông
tbktsg
|