Thứ Sáu, 04/11/2011 21:56

Khó thực hiện chỉ tiêu xuất khẩu 7 triệu tấn gạo

Trái với kỳ vọng của xuất khẩu 7,5 triệu tấn gạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trước đây, tại buổi họp giao ban xuất khẩu gạo ngày 4/11 tại Thành phố Hồ Chí Minh của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), các nhà xuất khẩu gạo cho rằng với tình hình thực tế việc hoàn thành mốc 7 triệu tấn không hề dễ dàng.

Theo VFA, tính đến hết tháng 10, lượng hợp đồng đăng ký đạt 6,97 triệu tấn, trong đó đã xuất khoảng hơn 6,3 triệu tấn trị giá 3,058 tỷ USD, tăng 8,4% về lượng và 24% về giá trị.

Theo kế hoạch 2 tháng cuối năm các doanh nghiệp sẽ xuất khoảng 700.000 tấn gạo, tuy nhiên theo ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, lượng hợp đồng thương mại đến nay gần như không còn.

Trong khi đó, các doanh nghiệp lại do dự trong việc ký hay không nên ký những hợp đồng mới do phải nghe ngóng động tĩnh từ thị trường Ấn Độ, Thái Lan…

Mặc dù tính chung xuất khẩu 10 tháng cũng đạt mức cao nhất từ trước đến nay cả về số lượng lẫn trị giá, nhưng lượng gạo xuất khẩu trong tháng 10 đã thấp hơn nhiều so với tháng 9 do số lượng hợp đồng thương mại giảm do thiếu hợp đồng thương mại và chỉ có hợp đồng tập trung với Malaysia.

Ông Lê Minh Trượng, Giám đốc Công ty Lương thực Sông Hậu cho biết, gần như trong tháng 10 doanh nghiệp không ký được hợp đồng nào để xuất khẩu loại gạo thông dụng.

Thị trường loại gạo này trước tập trung tại châu Phi nhưng hiện gần như đã rơi vào tay Ấn Độ và Pakistan, do gạo Việt Nam đã không còn nằm trong nhóm có phẩm cấp thấp.

Hiện gạo loại 5% của Việt Nam xuất khẩu khoảng 570 USD, thấp hơn Thái Lan khoảng 20-25 USD/tấn nhưng cao hơn gạo Ấn Độ và Pakistan tới hàng trăm USD/tấn.

Trong khi đó, thông tin gạo Thái Lan tăng giá ồ ạt khiến người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long tích cực trữ lúa đợi giá lên, khiến giá gạo tại Cần Thơ tăng liên tiếp trong những ngày gần đây.

Ông Trượng cho biết thêm với giá thành gạo mà doanh nghiệp làm ra hiện nay (10.720-10.750 đồng) thì rất khó để có thể thương thảo, ký kết những hợp đồng thương mại mới.

Trước tình hình này, VFA cho rằng thị trường có những thay đổi nhất định và đang xác lập xu hướng cân bằng giá mới. Yếu tố chính tạo áp lực thay đổi thị trường trong thời gian qua là chương trình can thiệp tăng giá gạo tại Thái Lan, nhưng yếu tố này đã xảy ra không như mong đợi, giá đã không tăng cao như dự báo, trong khi lũ lụt tại Thái Lan đang trở thành vấn đề được quan tâm nhiều hơn.

Ông Phong cho biết mặc dù chưa có số liệu đánh giá cuối cùng nhưng có đủ thông tin để dự báo thiệt hại có thể lên đến 6 triệu tấn, tương đương với khoảng 3,6 triệu tấn gạo. Như vậy chương trình can thiệp của Thái Lan hiện chưa có tác động dẫn dắt thị trường và có thể nước này đứng ngoài thị trường.

Theo phân tích của ông Phong, nếu người dân trong nước cứ nhìn vào thị trường Thái Lan để lo tích trữ gạo thì rủi ro rất lớn vì lượng gạo của Việt Nam và Thái Lan chỉ chiếm 50% thị phần gạo xuất khẩu của thế giới, như vậy 2 nước chỉ có thể điều tiết chứ không quyết định thị trường gạo toàn cầu. Trong khi đó nếu Ấn Độ, Pakistan vẫn tiếp tục bán ra thì giá gạo thế giới rất khó lên…

Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Phó chủ tịch VFA, hiện giá gạo Việt Nam vẫn giữ vai trò dẫn dắt thị trường nhưng phải đến nửa cuối tháng 11 này mới có thể đánh giá chính xác được diễn biến thị trường, lúc đó doanh nghiệp trong nước mới quyết định ký hay không ký những hợp đồng mới.

Ông Kiên cho rằng trước mắt cần ổn định thị trường trong nước. Hiện lượng gạo tồn kho tại các kho của doanh nghiệp ở mức cao khoảng 1,2 triệu tấn, cao gần gấp đôi so với lượng hợp đồng chưa thực hiện giao hàng.

Số liệu thiệt hại do lũ lụt tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long được Cục trồng trọt đưa ra khoảng 8.461 ha, chiếm 1,3% diện tích xuống giống.

VFA đánh giá mức này chưa ảnh hưởng đến nguồn cung... nhưng cũng lo ngại đà tăng giá sẽ tiếp tục trong những tháng cuối năm do ảnh hưởng tâm lý./.

Liên Phương

Vietnam+

Các tin tức khác

>   Đắk Lắk: Kim ngạch xuất khẩu cà phê tăng 30% (04/11/2011)

>   Cà phê, cacao, đường tăng giá nhờ đồng USD yếu (03/11/2011)

>   Hợp đồng giao sau, nỗi sợ của ngành cà phê Việt (03/11/2011)

>   Xuất khẩu gạo đang thuận lợi (02/11/2011)

>   Giá cà phê giảm, xuất khẩu cả năm vẫn tăng (02/11/2011)

>   Gạo Việt Nam lên ngôi (02/11/2011)

>   Thiếu sức mua, giá cà phê xuống dưới 40.000 đồng/kg (01/11/2011)

>   Vùng Viễn Đông Nga quan tâm nông sản Việt (01/11/2011)

>   Vui buồn xứ sở hồ tiêu (01/11/2011)

>   Người trồng cà phê gặp khó (01/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật