Thứ Sáu, 18/11/2011 09:19

Khi nhà đầu tư dần rơi rụng

Trong suốt giai đoạn 2008 - 2011, TTCK lao dốc mạnh đã khiến nhiều lớp NĐT rời bỏ thị trường với những khoản thua lỗ, cùng một lời thề "đã ra đi không quay đầu lại".

Sàn vắng hơi người

Cuối năm 2010, phóng viên ĐTCK đã có một cuộc khảo sát 20 sàn chứng khoán trong những phiên giao dịch cận Tết, kết quả thu được khá ảm đạm khi nhiều sàn vắng tanh. Một phần nguyên nhân có thể được lý giải là do NĐT tất toán tài khoản sớm để yên tâm đón Tết.

Tuy nhiên, trong đợt khảo sát các sàn giao dịch thực hiện trong tuần này, kết quả còn đáng buồn hơn. Sàn chứng khoán nào đông nhất cũng chưa quá 20 - 30 người, trung bình chỉ có chưa đầy 10 NĐT/sàn, hầu hết đều đã qua tuổi trung niên. Chủ đề của họ thường là chuyện gia đình, chuyện xã hội…, chẳng dính gì đến chứng khoán!

Sàn giao dịch của CTCK Tràng An chỉ có vài NĐT đang bàn luận về một vụ án mới xảy ra (10h06 sáng 15/11)

Cá biệt, có những sàn chứng khoán không một bóng NĐT, dù bảng điện tử vẫn chạy. 9h30 sáng 15/11, khi chúng tôi đến Tòa nhà 49 Quang Trung - nơi tọa lạc 3 sàn chứng khoán ở tầng 3, 8 và 9, cả 3 sàn đều chưa đầy 10 NĐT. Tại chi nhánh của CTCK Ngân hàng Đông Á nằm kế bên chỉ duy nhất một NĐT ngồi lướt web. Hai màn hình máy chiếu không có người xem, chính vì vậy mà một màn hình hiển thị thông báo lỗi phần mềm ngay giữa bảng giá, nhưng cũng chẳng ai buồn khởi động lại. Nằm chỏng chơ trên một góc tủ là chồng bản tin của 2 Sở GDCK được CTCK này đặt mua để phát cho NĐT còn chưa dỡ dây buộc.

Có lẽ vì NĐT không mặn mà đến sàn, nên nhiều CTCK đã tắt bảng điện, thu hẹp diện tích sàn để vừa tiết kiệm chi phí. Diễn biến này cùng với xu hướng giao dịch trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến là một gợi ý để cơ quan quản lý thị trường xem xét bỏ quy định diện tích sàn tối thiểu tại Thông tư thay thế Quyết định 27/2007/QĐ-BTC về hướng dẫn tổ chức và hoạt động của CTCK dự kiến được ban hành trong quý I/2012.

Có phải do giao dịch trực tuyến?

Tại cuộc trao đổi về các giải pháp phát triển TTCK Việt Nam ngày 16/11, Chủ tịch UBCK Vũ Bằng cho biết, trong nội dung Đề án tái cấu trúc các CTCK, sự nỗ lực tự thân của CTCK vẫn là quan trọng nhất.

Về phía cơ quan quản lý, dự kiến có 2 giải pháp chính để thực hiện tái cấu trúc CTCK là giải pháp hành chính và giải pháp kinh tế, trong đó giải pháp kinh tế là chủ đạo. Cơ quan quản lý không thể buộc CTCK này sáp nhập vào CTCK kia, mà chỉ có thể đưa ra các giải pháp kỹ thuật, như đưa vào diện bị kiểm soát, rút nghiệp vụ CTCK đăng ký hoạt động..., còn lại, tự thân các CTCK sẽ phải tìm giải pháp cho chính mình.

Tại Trung Quốc, thời kỳ cao điểm, TTCK nước này có 2.000 CTCK, nhưng sau đó đã thu gọn chỉ còn 74 CTCK và hiện nay là 100 CTCK.

Tại Đài Loan, TTCK của nền kinh tế này từng có tới 280 CTCK, nhưng sau mấy tháng tái cấu trúc, chỉ còn 48 CTCK.

Nhiều người lý giải, việc NĐT không đến sàn là do công nghệ thông tin đã được các CTCK áp dụng khá tốt, giờ đây ngồi tại bất cứ đâu, NĐT cũng có thể đặt lệnh online. Điều này là đúng  một số CTCK có giải pháp công nghệ tốt, đầu tư bài bản. Chính những công ty này đã hút gần như toàn bộ lượng khách hàng có nhu cầu giao dịch online, cũng như giảm tải cho các sàn giao dịch trực tiếp. Tuy nhiên, nhiều CTCK mới, bức tranh cũng chỉ là vắng vẻ và ế ẩm. Với các đơn vị này, việc hệ thống giao dịch trực tuyến bị treo không thể truy cập, sai sót trong việc hiển thị bảng giá (có độ trễ), bị rớt lệnh không vào hệ thống… xảy ra khá thường xuyên.

Thậm chí, nhiều CTCK còn "bỏ hoang" chính trang web của công ty mình khi không cập nhật dữ liệu (stsc.vn, sjcs.com.vn, vdse.com.vn, vics.vn, tcbs.com.vn, rubse.com.vn, japan-sec.vn, kvs.com.vn, hobase.vn…), đăng ký tên miền nhưng không đưa trang web vào hoạt động (vietsecurities.com.vn, cimb-vinashin.com), không có website như VITS…

Ngày 16/3/2009, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 50/2009/TT-BTC về việc hướng dẫn giao dịch điện tử trên TTCK. Kể từ đó đến nay, UBCK đã chấp thuận cho 84 CTCK đăng ký cung cấp dịch vụ giao dịch trực tuyến. Như vậy, vẫn còn tới 18 CTCK chưa đủ điều kiện cung cấp dịch vụ này và không thể nói là do NĐT đặt lệnh online nên sàn vắng khách...

Quy mô thị trường niêm yết hiện có 693 DN và 5 chứng chỉ quỹ, tổng giá trị vốn hóa khoảng 650.000 tỷ đồng, cùng hơn 1,156 triệu tài khoản NĐT. Tuy nhiên, số lượng tài khoản thực tế giao dịch nhỏ hơn nhiều, do không ít NĐT đã rời bỏ chứng khoán nhưng không tất toán tài khoản sau những đợt sóng suy giảm mạnh vừa qua.

Trong nhiều tháng qua, giá trị giao dịch mỗi phiên trên hai sàn phổ biến chưa đầy 1.000 tỷ đồng, khiến cho doanh thu từ môi giới của các CTCK giảm mạnh. Thống kê 10 CTCK có thị phần môi giới lớn nhất trong quý III/2011 cho thấy, những công ty này chiếm hơn một nửa doanh số giao dịch. Như vậy, hơn 90% số CTCK còn lại phải chia nhau thị phần ít ỏi.

Sàn giao dịch của CTCK VSC chỉ có 1 NĐT ngồi nhìn máy tính (10h01 sáng 15/11)

Trong số 27 CTCK niêm yết đã công bố BCTC 9 tháng đầu năm, tỷ lệ thua lỗ lên tới 2/3, tổng số tiền thua lỗ hơn 1.350 tỷ đồng. Trong đó, nhiều CTCK lớn cũng lỗ như SBS (lỗ gần 258 tỷ đồng), VNDirect (lỗ gần 130 tỷ đồng), SSI (lỗ 17,4 tỷ đồng), BSC (lỗ 129 tỷ đồng), SHS (lỗ 382 tỷ đồng)… Số ít đơn vị có lãi chủ yếu là nhờ các hoạt động kinh doanh "tay trái", chứ không đến từ hoạt động chính. Nhiều công ty chỉ cầm cự với hy vọng sẽ bán được công ty (chủ yếu là giấy phép) cho đối tác khác khi UBCK đã ngừng cấp phép thành lập CTCK mới từ cuối năm 2008.

Tổng giám đốc một CTCK cho biết, năm 2010, ông mua lại một CTCK với kỳ vọng đón đầu chu kỳ khởi sắc của thị trường. Tuy nhiên, sau 1 năm hoạt động, quy mô công ty đã bị thu gọn lại tại trụ sở chính, phòng giao dịch đóng cửa, nhân sự chỉ còn đủ duy trì bộ máy. "Nếu năm 2012, thị trường không có chuyển biến, chúng tôi sẽ chấp nhận đóng cửa công ty", vị này cho biết.

Tuy nhiên, vẫn có những công ty kỳ vọng vào tương lai tươi sáng hơn của thị trường. Đại diện CTCK Cimb-Vinashin cho biết, sau 5 năm chờ đợi, Công ty dự kiến sẽ "thông sàn" vào tháng 2/2012 để cung cấp hoạt động môi giới cho khách hàng. Một số CTCK như Tân Việt lại có kế hoạch tuyển dụng nhân viên môi giới để tìm kiếm thêm khách hàng mới nhằm phát triển thị trường...

Nhưng đó chỉ là những niềm lạc quan hiếm hoi. Một cuộc đại phẫu khối CTCK đang đến gần. Cơ quan quản lý cũng đang gấp rút thực hiện việc này khi sáng 16/11, trong buổi hội thảo triển khai giải pháp đối với TTCK, Chủ tịch UBCK, ông Vũ Bằng cho biết, cơ quan này đã xây dựng Đề án tái cấu trúc các CTCK và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, dự kiến sẽ triển khai từ năm 2012 đến 2015.

Nguyễn Quang

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Các “ông lớn” tìm giải pháp “cứu” TTCK (18/11/2011)

>   Bẻ lái chiến lược đầu tư (18/11/2011)

>   Vốn đóng băng trong cổ phiếu OTC (18/11/2011)

>   Công ty chứng khoán: Thời điểm của đào thải (18/11/2011)

>   18/11: Bản tin 20 giờ qua (18/11/2011)

>   Từ chuyện hủy niêm yết ngẫm về “đứa con rơi”! (17/11/2011)

>   Kế hoạch lập quỹ của khối ngoại: Điệp vụ bất khả thi (17/11/2011)

>   Khối ngoại lại bán ròng 36 tỷ đồng trên HOSE (17/11/2011)

>   Sếp chứng khoán: Bỏ cổ phiếu sang... bán lạc rang (17/11/2011)

>   Chứng khoán: Nước xa có cứu được lửa gần? (17/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật