Thứ Năm, 17/11/2011 17:39

Kế hoạch lập quỹ của khối ngoại: Điệp vụ bất khả thi

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam khó khăn, nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều thách thức là hai đá tảng ngáng đường các quỹ gọi vốn. Mặc dù vậy, tin tức về việc xuất hiện các quỹ mới vẫn đều đều xuất hiện.

Vẫn chưa thấy gì...

Tháng 8, Công ty Quản lý quỹ Saigon Asset Management (SAM) cho biết đang lên kế hoạch thành lập quỹ đầu tư vào ngành năng lượng với quy mô 300 triệu USD.

Mặc dù vậy, trả lời trên các phương tiện truyền thông, đại diện của SAM lại “rào trước đón sau” rằng do tình hình tài chính toàn cầu khó khăn nên việc “huy động vốn là không dễ dàng”.

Những ai tinh ý có thể dễ dàng nhận thấy từ việc lên kế hoạch cho đến khi đem được tiền về cho quỹ là một chặng đường rất dài và rất chông gai, kể cả khi thị trường thuận lợi.

Quỹ DC, quỹ đầu tư có thương hiệu từ lâu trên thị trường chứng khoán Việt Nam, giờ đây cũng đang phải đối mặt với khó khăn, khi chỉ nửa đầu năm 2011, họ đã lỗ mất 100 triệu USD. Văn phòng chi nhánh tại Hà Nội giờ cũng đang phải cắt giảm nhân viên.

Các quỹ đầu tư nước ngoài gặp khó khăn khi gọi vốn vào Việt Nam, vì nhiều tập đoàn lớn, ví dụ như Vinashin thua lỗ lớn, chưa có phương án giải quyết nợ...

Sự đi xuống của thị trường chứng khoán đã khiến các quỹ đầu tư phải đương đầu với việc giá trị tài sản ròng sụt giảm mạnh. Vì thế, gây quỹ mới xem ra là “bất khả thi” trong thời điểm này.

Số tiền 300 triệu USD, xấp xỉ 6.300 tỷ đồng mà SAM dự định huy động là không hề nhỏ, nếu không muốn nói là quá lớn trong thời điểm hiện nay. 6.300 tỷ đồng, tương đương giá trị của 10 phiên giao dịch tại sàn HOSE trong giai đoạn đầu tháng 11, số tiền này còn lớn hơn cả giá trị vốn hóa của SSI (CTCK Sài Gòn), CP nằm trong nhóm có vốn hóa lớn trên thị trường.

Còn nhớ vào năm 2009, khi TTCK vẫn diễn biến tích cực, SAM cũng đã công bố kế hoạch thành lập Quỹ Vietnam Smart Money Fund với số vốn dự kiến 100 triệu USD. Nhưng kết quả đến giờ vẫn chưa thấy gì.

Cũng có trường hợp công ty quản lý quỹ thành lập ra một quỹ mới dưới hình thức quỹ mở để mua lại toàn bộ danh mục đầu tư từ một quỹ đóng cũng do mình quản lý. Do là quỹ mở nên nhà đầu tư nào có nhu cầu rút vốn công ty quản lý quỹ đều có thể đáp ứng dễ dàng không phải giải thể quỹ hay có một sự xáo trộn đặc biệt nào.

Trường hợp này, thoạt nhìn là công ty quản lý quỹ thành lập được quỹ mới nhưng thực chất là chẳng có gì, mà ngược lại, còn bị nhà đầu tư rút vốn.

Thì tương lai chưa rõ

Cách đây 1 tháng, VinaCapital cho biết sẽ huy động vốn cho Quỹ Trái phiếu và Quỹ Đầu tư tư nhân trong năm 2012. Lãnh đạo một số công ty quản lý quỹ cũng cho biết đang cân nhắc lập quỹ để đầu tư trong ngành thực phẩm.

Ngoài ra, một người làm nghề “săn đầu người” cũng cho biết đang gấp rút tìm kiếm những vị trí quản lý cao cấp để thành lập quỹ hưu trí (pesion fund).

Nhìn chung, liên quan đến việc thành lập quỹ, đến thời điểm này đều có một số điểm chung là tất cả đều ở “thì tương lai”, nhưng ngặt nỗi tính khả thi của tương lai cũng không rõ ràng.

Một chuyên gia tài chính nhận định, không chỉ do tình hình chung không thuận lợi, mà ngay bản thân các quỹ đầu tư cũng có những vấn đề như quản trị rủi ro kém, thậm chí còn trục lợi tiền từ cổ đông.

Vì vậy, bây giờ nhà đầu tư rất “ớn” bỏ tiền vào quỹ. Có chăng họ sẽ chọn các quỹ mở, đánh nhanh rút gọn, hoặc bỏ vào các quỹ ETF đánh cổ phiếu có vốn hóa lớn. Không chỉ có rào cản khách quan, mà còn có một bức tường sừng sững khác ngăn cách nhà đầu tư và công ty quản lý quỹ đó là: niềm tin.

Thế nên, việc Phó tổng giám đốc một CTCK lớn nhận định rằng, việc công bố thành lập quỹ mới hiện nay phần nhiều là để phục vụ cho việc “gia cố” tên tuổi của các công ty quản lý quỹ trong thời điểm khó khăn cũng không có gì quá lời.

Thực tế này rút ra từ nhận định, nếu các quỹ vẫn không thể xoay sở, kể cả khi chuyển hướng, khả năng đóng quỹ với nhiều công ty quản lý quỹ là hoàn toàn có thể xảy ra. Một số chuyên gia dự báo đến năm 2015, mức suy giảm dòng vốn gián tiếp tại Việt Nam có thể giảm tới 3-4 tỷ USD.

Không chỉ đánh bóng tên tuổi với thị trường, các công ty quản lý quỹ còn phải thể hiện với các nhà đầu tư hiện tại rằng “chúng tôi đang hoạt động tốt”.

Với tình hình hiện tại, khi hoạt động đầu tư (tức đầu ra) gặp nhiều trở ngại, nếu hoạt động gọi vốn (tức đầu vào) cũng “tắc” luôn, chắc chắn nhà đầu tư sẽ có cớ để “vặn” những người làm công tác quản lý về hiệu quả.

Bên cạnh đó, việc gọi vốn thành lập quỹ dù chỉ ở dạng bánh vẽ nhưng cũng là cách để những người lãnh đạo quỹ thể hiện cái tầm của mình.

Chẳng hạn, hiện nay, ngành thực phẩm, nông nghiệp đang được đánh giá cao thì những ai gọi quỹ để đầu tư vào ngành này được xem là thức thời, còn nếu gọi không được thì cứ đổ thừa cho thị trường xấu.

Hoặc như trường hợp gọi quỹ hưu trí mà theo một số người có kinh nghiệm trong ngành quản lý quỹ cho biết thì họ cũng chưa biết mô hình hoạt động sẽ ra sao, luật pháp đã cho phép hay chưa, nhưng người nghĩ ra cũng được tiếng là sáng tạo.

Lâm Anh

DOANH NHÂN SÀI GÒN

Các tin tức khác

>   Khối ngoại lại bán ròng 36 tỷ đồng trên HOSE (17/11/2011)

>   Sếp chứng khoán: Bỏ cổ phiếu sang... bán lạc rang (17/11/2011)

>   Chứng khoán: Nước xa có cứu được lửa gần? (17/11/2011)

>   An toàn tiền gửi NĐT, nhìn từ bài học MF Global (17/11/2011)

>   17/11: Bản tin 20 giờ qua (17/11/2011)

>   Khối ngoại đột ngột bán ròng 66 tỷ đồng; lại xả mạnh VIC và HAG (16/11/2011)

>   Công ty chứng khoán: Lỗ không chỉ vì niềm tin (16/11/2011)

>   TTCK chờ “hà hơi, tiếp sức” (16/11/2011)

>   16/11: Bản tin 20 giờ qua (16/11/2011)

>   Có tiền nên đầu tư vào đâu? (15/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật