TTCK chờ “hà hơi, tiếp sức”
Văn bản mới nhất của NHNN về việc loại một số khoản vay bất động sản ra khỏi tín dụng phi sản xuất được kỳ vọng sẽ mở ra một lối thoát nhỏ cho thị trường bất động sản. Còn trên TTCK, các nhà đầu tư vẫn đang mòn mỏi chờ một động thái "tiếp sức, hà hơi".
SBI Securities, cổ đông chiến lược của FPTS, một trong những CTCK hoạt động ổn định nhất hiện nay, đã đề nghị Công ty hoãn kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên HOSE. Lý do là họ lo ngại khi TTCK Việt Nam còn ảm đạm kéo dài thì cổ phiếu tốt xấu lẫn lộn, niêm yết cổ phiếu có khi lợi bất cập hại. Tương tự, cổ đông Singapore của một DN có trụ sở tại TP. HCM liên tục gửi thư yêu cầu công ty ngừng kế hoạch niêm yết, dù đây là DN hoạt động rất tốt, EPS vài năm gần đây liên tục duy trì ít nhất 8.000 đồng.
|
Sự e dè của nhà đầu tư ngoại đối với TTCK thứ cấp Việt Nam là không khó hiểu. TTCK suy giảm quá lâu đang tác động tiêu cực sang cả khu vực sản xuất, bởi bản thân nó trong nhiều trường hợp đã không làm tốt nhiệm vụ thẩm định cơ hội và giám sát hiệu quả quá trình triển khai các dự án đầu tư có nguồn vốn được huy động từ các nhà đầu tư chứng khoán. Với một thị trường có quy mô nhỏ, biến động giá cổ phiếu liên tục xảy ra với biên độ dao động lớn, đang tạo ra tâm lý xấu, gây hại cho nhiều DN niêm yết vốn đang hoạt động tốt và ổn định.
Vậy thì tương lai nào sẽ đến với thị trường vốn Việt Nam? Ông Dominic Patrick Mellor, chuyên gia kinh tế Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong một cuộc đối thoại có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh mới đây, cho rằng, Việt Nam cần huy động nguồn tiết kiệm trong dân để phát triển nền kinh tế thông qua một hệ thống tài chính đa dạng và hiệu quả hơn. Sự phụ thuộc quá nhiều vào hệ thống cung ứng vốn có đặc tính là ngắn hạn từ khối ngân hàng thương mại sẽ gây khó khăn cho chính quá trình tái cơ cấu cả nền kinh tế. Việt Nam cần phát triển chuyên sâu và tăng thanh khoản cho thị trường vốn.
Với một TTCK vận hành tốt, trước các tín hiệu kinh tế bất lợi, nhà đầu tư vẫn tìm được cơ hội chuyển tài sản chính đang nắm giữ sang một hàng hóa trung gian khác có tính thanh khoản cao hơn. Trong khi đó, các DN vẫn tiếp tục sử dụng được nguồn vốn dài hạn đã huy động. Nhờ đó, khu vực sản xuất - kinh doanh vẫn tiếp tục được vận hành ổn định. Với hệ thống ngân hàng thương mại, năng lực đảm bảo vận hành ổn định cho khu vực sản xuất bị giới hạn ở tiềm lực tài chính của chính ngân hàng, các quy định về giới hạn cho vay và hạn mức với một khách hàng, các cam kết thời hạn của khoản vay.…
Để bước ra khỏi khó khăn hiện hữu, nền kinh tế Việt Nam nói chung và mỗi DN nói riêng phải chấp nhận cơn đau để thay đổi. TTCK Việt Nam cũng cần chấp nhận đau đớn nhằm cắt bỏ những những tồn tại bấy lâu, đây cũng là cơ hội để sàng lọc những cá thể mạnh khỏe sau cơn bão suy thoái.
Nhiều CTCK khi đặt kế hoạch cho năm 2012 đã dự cảm thị trường còn khó khăn, ít nhất là đến hết năm sau. Trong khi đó, tâm lý thận trọng đang chi phối hoạt động giao dịch thị trường và đang gia tăng sức ép lên bên cầm cổ phiếu. Lượng cung cổ phiếu có thể còn bị đẩy ra mạnh hơn, nếu như các blue-chip trụ cột tiếp tục chu kỳ giảm. VN-Index được dự báo sớm phá các ngưỡng hỗ trợ gần nhất tại 385 điểm. Văn bản mới nhất của Ngân hàng Nhà nước về việc loại một số khoản vay bất động sản ra khỏi tín dụng phi sản xuất được kỳ vọng sẽ mở ra một lối thoát nhỏ cho thị trường bất động sản. Còn trên TTCK, các nhà đầu tư vẫn đang mòn mỏi chờ một động thái "tiếp sức, hà hơi".
Anh Việt
đầu tư chứng khoán
|