Bẻ lái chiến lược đầu tư
Một số quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đang thay đổi chiến lược đầu tư của mình để tìm kiếm những cơ hội mới. Từ đầu năm đến nay, các thương vụ chuyển nhượng vốn của khối nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) diễn ra khá sôi động. Một loạt thương vụ khá lớn đã được công bố.
Thoái vốn đầu tư cũ
Trong số này, có thể kể đến Tập đoàn đồ uống Diageo mua 30% vốn tại CTCP Cồn Rượu Hà Nội (Halico); Tập đoàn SEB (Pháp) mua 51% cổ phần Quạt Việt Nam; Tập đoàn Unicharm (Nhật Bản) mua 95% cổ phần của Diana Việt Nam; Masan Consumer bán 10% cổ phần cho Tập đoàn KKR (Mỹ); Mekong Capital thoái vốn tại Công ty AA, Công ty Hàng gia dụng quốc tế (ICP)… Những thương vụ này đều mang lại khoản lợi nhuận khổng lồ cho những đơn vị đầu tư ban đầu. Chẳng hạn, Vina Capital đã bán hết số cổ phần nắm giữ tại Halico và thu về hơn 50 triệu USD. Tương tự, sau 10 năm gắn bó với Sacombank (STB), mới đây Dragon Capital đã chuyển nhượng bằng giao dịch thỏa thuận cho các đối tác do Sacombank đàm phán và chỉ định. Mặc dù không công bố chính thức khoản lợi nhuận này, nhưng giới tài chính đều hiểu Dragon Capital chỉ có thể lời. Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành Công ty quản lý quỹ Vina Capital nhận định, việc bán ra lượng lớn cổ phiếu trên thị trường chứng khoán vừa qua hay thoái vốn ở một số công ty có thể để tái cấu trúc lại danh mục. Chẳng hạn Công ty Vina Capital của ông thoái vốn ở các công ty cũ để tái đầu tư vào những công ty mới. Đây là việc làm bình thường trong quá trình đầu tư của các quỹ.
Trong khi đó, ông Chris Freund, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Mekong Capital cho biết, quỹ đầu tiên của công ty quản lý quỹ Mekong Capital là Mekong Enterprise Fund được khai trương vào năm 2002 và do vậy, 2012 có thể coi là năm hoạt động cuối cùng của quỹ. Do đó, họ đã bán ra 5 trong số 10 khoản đầu tư của quỹ này và sẽ tập trung vào việc bán nốt 5 khoản đầu tư còn lại trong năm sau. Thế nhưng, công ty này vẫn còn đang quản lý 2 quỹ trong thời gian hoạt động và vẫn tìm kiếm những doanh nghiệp, ngành nghề để tiếp tục đầu tư.
Thay đổi xu hướng đầu tư
Thị trường bất động sản đang bị trầm lắng và không một chuyên gia nào có thể dự báo được đến khi nào "băng" trên thị trường này mới tan. Vì vậy, nếu như trước đây nhiều quỹ ĐTNN đều có đầu tư vào lĩnh vực này thì giờ đây theo ông Andy Ho, họ rất e dè với việc bỏ vốn vào bất động sản. Thay vào đó, trong thời gian tới Vina Capital sẽ chú trọng vào các lĩnh vực như: y tế, thực phẩm, nông nghiệp, giáo dục. Một số khoản đầu tư mới đã được Vina Capital giải ngân vào Yến Việt, cà phê Thái Hòa, Bảo vệ thực vật An Giang, nhà máy sản xuất mía đường tại Campuchia… Tương tự, hiện tại Mekong Capital chỉ tập trung đầu tư vào các ngành nghề thúc đẩy tiêu dùng và đang nhắm tới các lĩnh vực như xây dựng thương hiệu, marketing, quản lý bán hàng và xây dựng hệ thống phân phối cũng như bán lẻ. Bên cạnh đó, quỹ này cũng đưa ra nhiều tiêu chuẩn hơn để thẩm định doanh nghiệp khi muốn tham gia góp vốn đầu tư.
Tại hội thảo thường niên về vốn đầu tư tư nhân khu vực Đông Nam Á giữa tháng 9 vừa qua, các quỹ đầu tư đã đưa ra nhận định: Việt Nam là thị trường còn rộng để bỏ vốn đầu tư. Lợi thế lớn nhất của Việt Nam là sở hữu một nền nông nghiệp mạnh và bờ biển dài hàng ngàn cây số. Theo kinh nghiệm của những quỹ đã trải qua hàng chục năm ở các thị trường mới nổi thì Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng trong ngành sản xuất nông nghiệp. Đây là ngành mang lại lợi nhuận ổn định cho các quỹ từ 15 - 30%. Prakash Jhanwar, Giám đốc khu vực của quỹ đầu tư Olam Vietnam, quỹ quản lý chuỗi cung ứng nông nghiệp lớn nhất khu vực ASEAN đang hoạt động đầu tư với 12 tỉ USD, cho rằng, Việt Nam đang là nước sản xuất nông nghiệp với chi phí rẻ từ lúa gạo, cà phê cho đến cao su, hạt tiêu…
Trong khi đó, quỹ Swiss Re cho biết, 3/4 nguồn vốn họ đang tập trung vào châu Á và các dự án ở Việt Nam như: Năng lượng tái tạo, năng lượng sóng và công nghệ biển là đầy hứa hẹn. Ông Gavin Smith, Giám đốc Quỹ phát triển sạch Mekong cho biết, Việt Nam là nơi khát nguồn năng lượng thay thế cho xăng dầu nhưng lại chưa hình thành một thị trường năng lượng. Đến năm 2012, thị trường trao đổi khí thải carbon sẽ có tiềm năng nhiều hơn. Chẳng hạn, nếu đầu tư vào điện gió thì ngoài điện, còn có nguồn thu khác từ bán quota phát thải.
Vẫn khó khăn…
Dù nhìn nhận thị trường Việt Nam có nhiều tiềm năng, nhưng các quỹ đầu tư vẫn còn những lo ngại nhất định. Theo ông John Cook, Chủ tịch quỹ Rock Lake Associates, có những quỹ đã đến Việt Nam tới… 30 lần, bỏ không ít công sức và nỗ lực tìm hiểu thị trường, nhưng vẫn chưa quyết định được khoản đầu tư nào. Một trong những vấn đề mà các quỹ ĐTNN lo ngại là Việt Nam vẫn còn thiếu những nhà quản lý quỹ đáp ứng được tiêu chí cũng như thiếu những doanh nghiệp đạt được chuẩn mực quản trị quốc tế. Đó là chưa kể với mức lạm phát cao và giá trị của đồng tiền Việt Nam liên tục bị mất giá thì các quỹ ĐTNN mong muốn có một tỷ suất lợi nhuận cao hơn mức 20% để bù đắp cho các rủi ro này.
Còn ông Douglas Clayton, Giám đốc điều hành quỹ Leopard Capital, nhận xét: "Việt Nam có những lợi thế nổi bật, nhưng tính cạnh tranh vẫn thấp. Một số nhà quản lý quỹ khác thì e ngại những khó khăn về cơ sở pháp lý cho nhà ĐTNN tiếp cận các ngành nghề hay doanh nghiệp mà họ đầu tư. Vì vậy trước khi bỏ vốn, họ phải nghiên cứu kỹ hơn để đảm bảo giảm thiểu rủi ro trong tương lai".
Theo một chuyên gia tài chính tại TP.HCM, để thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp của nước ngoài trong thời gian tới, Việt Nam cần phải tiếp tục đẩy mạnh việc cổ phần hóa các công ty, tập đoàn Nhà nước lớn. Đồng thời có thể từng bước tăng tỷ lệ sở hữu trong các doanh nghiệp của nhà ĐTNN mới tạo ra bước nhảy ngoạn mục cho dòng vốn này. Chậm chân, dòng vốn sẽ không thể ngồi im để chờ đợi mà sẽ tìm đến các thị trường mới nổi khác trong khu vực và còn rất lâu mới có khả năng quay lại Việt Nam!
Yến Lê
diễn đàn doanh nghiệp
|