Các “ông lớn” tìm giải pháp “cứu” TTCK
Đại diện một số quỹ đầu tư nước ngoài và các CTCK lớn đã có cuộc làm việc tại UBCK để bài giải pháp "cứu" TTCK Việt Nam.
Sáng 16/11, đại diện một số quỹ đầu tư (Dragon Capital, VietFund, IDG Venture...), các CTCK lớn (SSI, Bảo Việt...) đã có cuộc làm việc tại UBCK để bàn giải pháp cho TTCK, chuẩn bị cho sự kiện Diễn đàn DN Việt Nam ngày 2/12 tới. Hai vấn đề được quan tâm nhất là làm thế nào để tránh đổ vỡ hệ thống khối CTCK và làm thế nào để kích thích được dòng vốn đầu tư chảy vào TTCK Việt Nam.
Trước khi cuộc họp này diễn ra, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính, UBCK cũng đã có cuộc trao đổi với báo chí về các giải pháp mà UBCK đang và sẽ thực hiện. Sau đó, những giải pháp này đã được công khai trên website của UBCK
Sự cởi mở thông tin từ UBCK đã phần nào trấn an sự trượt dốc của niềm tin thị trường. Dư luận ít nhất cũng có thêm thông tin về việc UBCK đang làm gì, Bộ Tài chính đang làm gì để giữ và phát triển TTCK. Theo đó, các thành viên được biết rằng, có tới 14 đề án, chính sách và hàng chục văn bản pháp lý UBCK đã và đang xây dựng để trình Bộ Tài chính và các cấp cao hơn xem xét, dự kiến sẽ ban hành từ nay đến hết năm 2012. Những nỗ lực này, theo UBCK, là đang được thực hiện một cách âm thầm, vì trong bối cảnh kinh tế vĩ mô còn bộn bề khó khăn, UBCK ở thế rất khó để truyền thông, do TTCK phụ thuộc quá nhiều vào nền tảng vĩ mô này.
Nhưng từ thị trường, dư luận lại có những cách nhìn khác. Nhiều ý kiến cho rằng, TTCK càng khó khăn, các thành viên càng cần hơn sự định hướng từ cơ quan quản lý. Bên cạnh đó, tinh thần sẵn sàng đối thoại và công khai những giải pháp điều hành thị trường cũng là cách để giữ niềm tin chính sách, từ đó góp phần quan trọng giữ niềm tin thị trường.
Trở lại với vấn đề được quan tâm nhất là an toàn hệ thống CTCK. Trước hiện tượng một số CTCK mất thanh khoản, chủ đề tái cấu trúc CTCK trở thành câu chuyện phổ cập trên nhiều mặt báo. Nhưng an toàn hệ thống CTCK đã đến mức đáng lo ngại hay chưa? Phương hướng tái cấu trúc như thế nào? Những CTCK như thế nào sẽ nằm trong diện phải tái cấu trúc?…lại được đưa ra rất mơ hồ trên mặt báo. Sự mơ hồ này đã gây nên nỗi lo bao trùm toàn thị trường, mà nguyên nhân chính là ở chỗ các phương tiện truyền thông thiếu những thông tin tổng quát về khối công ty này.
Để kích thích dòng vốn đầu tư vào TTCK Việt Nam, vấn đề thiết thực nhất là cơ chế thuế. Chủ đề này từng được dư luận nêu lên trên nhiều diễn đàn vì sự bất cập (với NĐT cá nhân) và không có tính khuyến khích (với NĐT tổ chức), nhưng chưa một lần Bộ Tài chính "mở lòng" đối thoại với các thành viên TTCK. Một vài cuộc hội thảo về chủ đề thuế chứng khoán cũng đã được tổ chức, nhưng thường là các chuyên gia tự…đối thoại với nhau.
Lập ra thời hạn để hoàn thành các đề án, chính sách là cách để hoàn thành về "lượng" công việc, nhưng chính sách ban hành có đi vào thực tế và có tác động tích cực đến TTCK hay không, lại đòi hỏi về "chất" của từng văn bản. Muốn có một chính sách tốt, quan trọng nhất là phải có sự đồng thuận và hợp sức từ thị trường. Muốn có sự đồng thuận, quan trọng nhất là phải tạo ra một cơ chế đối thoại thường xuyên, để thị trường hiểu đường đi của chính sách, mục tiêu và tính khả thi của chính sách, từ đó mới có thể hợp sức biến chính sách thành hiện thực.
Tường Vi
đầu tư chứng khoán
|