Giải thể và phá sản DNNN: Chuyện khó
Trong 10 năm (2001-2010) đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), chỉ có 91 DN phải phá sản và chỉ có 227 trường hợp phải giải thể.
"Chết không được chôn": phổ biến
Sau 10 năm, Nhà nước đã rút dần ra khỏi lĩnh vực kinh doanh của DN, từ 60 ngành, lĩnh vực chỉ còn nắm giữ ở 19 ngành, lĩnh vực. Chủ sở hữu các DNNN từ UBND các địa phương đã chuyển sang Tổng công ty kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Nhìn lại kết quả của công cuộc đổi mới, sắp xếp DNNN 10 năm qua, báo cáo mới đây của Bộ Kế hoạch và đầu tư đã cho thấy hiệu quả của cuộc "tổng cải cách" này hãy còn mờ nhạt. Nguyên nhân chính bắt nguồn từ cơ chế, chính sách là chủ yếu.
Bộ Kế hoạch và đầu tư nhận định, một trong những kết quả quan trọng của quá trình đổi mới, sắp xếp lại DNNN 10 năm qua là việc đã chuyển hầu hết các DNNN sang hoạt động theo luật Doanh nghiệp 2005.
Trước tiên, đó là việc chuyển đổi mô hình hoạt động cho hầu hết các công ty Nhà nước sang mô hình công ty cổ phần hoặc công ty TNHH một thành viên.
Giai đoạn 2001-2010, cả nước đã có 1.189 doanh nghiệp Nhà nước được chuyển đổi mô hình theo nhiều hình thức như giao, bán, khoán kinh doanh, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, hoặc phá sản.
Trong đó, hình thức sáp nhập và hợp nhất là phổ biến nhất với 599 trường hợp, kế đến là giải thể với 227 trường hợp, 139 trường hợp giao, 124 trường hợp bán. Số các DNNN phải "chuyển đổi" bằng việc phá sản trên cả nước trong 10 năm qua là ít nhất, với 91 trường hợp.
Các hình thức "nhạy cảm" nhất, gắn liền với hiệu quả hoạt động của DN là giải thể và phá sản chủ yếu nằm ở địa phương và các DN nhỏ và rất nhỏ
Cụ thể như, số các DNNN thuộc địa phương bị phá sản có 68 trường hợp, chiếm tới 74% số DN phá sản trên cả nước. Tương tự, số các DNNN địa phương phải giải thể có 191 trường hợp, chiếm 84% trường hợp giải thể trên cả nước.
Trong khi đó, trực thuộc các bộ ngành chỉ có 21 công ty phá sản, 27 công ty giải thể . Ở qui mô Tổng công ty , Tập đoàn phải giải thể chỉ có 9 đơn vị và phải phá sản trong 10 năm qua chỉ có 2 đơn vị.
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch đầu tư cho rằng, hiệu quả của công cuộc đổi mới, sắp xếp lại các DNNN đã phát huy tác dụng ở nhiều trường hợp, thậm chí là vực dậy nhiều DNNN bên bờ vực phá sản, từ hoạt động yếu kém đang hoạt động hiệu quả hơn.
Dẫn chứng thống kê, bộ này cho biết đã có tới... 250 DNNN từng ở tình trạng "chết không chôn" được nhiều năm trước, nhưng sau đó, nhờ giao, bán thành công nên đã hồi sinh, tránh được việc phải giải thể, phá sản cũng như tránh được việc đẩy người lao động vào thế bị mất việc làm.
Theo nhiều chuyên gia thì sau 10 năm đổi mới, sắp xếp DNNN, số DNNN phá sản hay giải thể như trên là quá ít. Tại cuộc hội thảo về về tái cấu trúc DNNN đã đưa ra nghiên cứu về hiệu quả hoạt động của khối này cho thấy, kém năng động, kém hiệu quả là đặc trưng được "điểm" đến đầu tiên. Số liệu được công bố tại đây cho biết hàng năm có tới 12% DNNN có kết quả kinh doanh thua lỗ và mức lỗ bình quân của DNNN cao gấp 12 lần so với các DN khu vực ngoài nhà nước. Một trong những nguyên nhân của yếu kém chính là quá trình đổi mới DN chưa thực sự hiệu quả như mong đợi.
Lại vướng ở Luật Phá sản
Các phân tích của Bộ Kế hoạch và đầu tư đã cho thấy, nguyên nhân chính nằm ở chỗ thủ tục hành chính quá phức tạp, rườm rà khiến cho các DN đành ở tình trạng "chết lâm sàng", "sống thực vật". Nhiều vướng mắc đã phát sinh lại nằm ở những quy định không phù hợp của Luật Phá sản.
Đơn cử như theo qui trình phá sản theo Luật này, các DN còn tài sản như nhà xưởng, trụ sở, nhà kho chưa được thanh lý và các khoản nợ phải thu nhưng chưa thu được thì chưa thể hoàn thành thủ tục phá sản. Như vậy, DN cũng chưa thể giải quyết chế độ cho người lao động và chưa thể chính thức tuyên bố phá sản.
Đặc biệt, vấn đề xử lý nợ của các DN phải phá sản gây đau đầu nhất. Luật không ấn định thời điểm ngừng thanh toán nợ của doanh nghiệp phá sản đã khiến cho tổ quản lý, thanh lý tài sản công nợ, nhất là nợ tín dụng ngân hàng trở nên lúng túng. Hoặc trường hợp đảm bảo quyền lợi của các chủ nợ cũng gây ra sự mất công bằng.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch đầu tư phân tích, trong khi các chủ nợ "có đảm bảo" phải chờ đến khi có quyết định thanh lý tài sản mới được thanh toán nợ thì các chủ nợ "không có đảm bảo" lại được "thoải mái" hơn, vẫn được thanh toán các khoản nợ cho đến khi có quyết định mở thủ tục phá sản.
Chưa hết, cho đến nay, Nhà nước vẫn chưa có cơ chế xử lý xóa các khoản nợ tồn đọng không có khả năng thu hồi. Kể cả phương án giải quyết các khoản tiền nợ cơ quan bảo hiểm xã hội mà không có nguồn thanh toán khi phá sản DN cũng chưa có hướng đi rõ ràng.
Ngay cả việc giao, bán các DNNN cũng vướng ở khâu xử lý công nợ. Nhiều trường hợp, "con nợ" bị chết, hoặc mất khả năng thanh toán phải có xác nhận của địa phương, tòa án... không được quy định rõ ràng khâu này càng trở nên vất vả hơn.
Bộ này cũng khẳng định, khung chính sách đã thiếu chế tài quy trách nhiệm cho người đứng đầu khi để DN lâm vào tình trạng phá sản. vì thế, qui trình này càng bị kéo dài.
Bộ Kế hoạch đầu tư cũng chỉ ra, đó là sự thiếu đồng bộ trong cách chính sách đổi mới DNNN. Chỉ trong 10 năm, hầu hết các cơ chế, chính sách sắp xếp đổi mới DNNN đều phải sửa đổi lại và thậm chí là thay thế mới 3-4 lần, văn bản hướng dẫn thì ban hành chậm. Việc thay đổi liên tục này đã làm ách tắc lại nhiều kế hoạch mà điển hình là đã làm chậm lại kế hoạch cổ phần hóa DNNN mà đáng lẽ ra phải hoàn thành tháng 7/2010.
Vì thế, Bộ Kế hoạch đầu tư cho rằng, Chính phủ cần hoàn thiện cơ chế chính sách về sáp nhập, hợp nhất, giải thể và phá sản DNNN. Cụ thể như, cần phải sửa đổi bổ sụng các qui định về xử lý nợ khi giải thể DN, bổ sung qui định về trách nhiệm của DN và cơ quan chủ sở hữu khi để DN rơi vào tình trạng phá sản mà không nộp đơn xin phá sản.
Các chế tài "hậu" phá sản cần được nghiên cứu hoàn thiện như qui định hoàn tất thủ tục kiểm toán thẩm định giá trị tài sản trước khi thụ lý hồ sơ phá sản, các qui định về quyền lợi của chủ nợ, các phương án xóa nợ tồn đọng...
Phạm Huyền
Diễn đàn kinh tế Việt Nam
|