Các nhà tài trợ quốc tế muốn đẩy mạnh chống tham nhũng
Các nhà tài trợ quốc tế tiếp tục thúc giục Chính phủ tăng cường cuộc chiến chống tham nhũng đang được đánh giá là trầm trọng hơn trong con mắt người dân.
Đây là ý kiến chung của các nhà tài trợ tại cuộc đối thoại phòng chống tham nhũng lần thứ 10 tổ chức sáng nay (29-11) tại Hà Nội nhằm tổng kết 5 năm tổ chức các cuộc đối thoại về chống tham nhũng.
Nỗ lực của Việt Nam
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định rằng buổi đối thoại về chống tham nhũng với các nhà tài trợ là một kênh thông tin quan trọng giúp Chính phủ trong việc ban hành chính sách liên quan đến chống tham nhũng, và xác định những vấn đề tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng.
Ông cho rằng, không thể có một hình mẫu (chống tham nhũng) thích hợp cho mọi quốc gia, và Việt Nam phải tìm tòi lựa chọn con đường thích hợp trên cơ sở tiếp thu bài học kinh nghiệm thành công, thất bại của các nước khác.
Báo cáo của Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cho biết, trong giai đoạn 2006-2010, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện, kiến nghị xử lý hay thu nộp ngân sách tới 80.130 tỉ đồng. Trong năm 2011, cơ quan này cũng phát hiện 2.882,5 tỉ đồng từ các hoạt động kiểm toán.
Ban chỉ đạo trích dẫn số liệu của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cho biết, trong 5 năm (2007-2011), các cơ quan tiến hành tố tụng trong cả nước đã khởi tố bình quân mỗi năm khoảng 280 vụ với 600 bị can về các tội tham nhũng.
Báo cáo cho biết, trong năm 2011 có 61 người đứng đầu cơ quan bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng trong phạm vi quản lý của mình.
Đến nay có 13 bộ, ngành và 11 địa phương hoàn thành việc kê khai tài sản, thu nhập năm 2010, với tổng số 135.482 người kê khai lần đầu, và 585.441 kê khai bổ sung. Tuy nhiên, trong số đó chỉ có 3 trường hợp bị xử lý kỷ luật do vi phạm quy định về kê khai tài sản thu nhập, và 9 cá nhân người đứng đầu cơ quan bị phê bình do chậm tổ chức việc kê khai.
Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng đánh giá: “Trên một số lĩnh vực, tham nhũng đã được kiềm chế, đơn thư khiếu kiện và số vụ vi phạm có xu hướng giảm”.
Cuộc chiến vẫn còn dài
Đại diện Đại sứ quán Mỹ hỏi lại ngay: lĩnh vực cụ thể nào kiềm chế được tham nhũng? Đại diện Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng đáp: đó là các lĩnh vực quản lý và sử dụng tài sản công, sử dụng vốn ODA, chi tiêu thường xuyên bằng nguồn vốn ngân sách, các chương trình mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên ông này nói: “Việc đánh giá chỉ có tính tương đối vì Việt Nam đang xây dựng bộ tiêu chí đánh giá phòng chống tham nhũng”.
Ông Renwich Irvine, Bộ Phát triển Quốc tế Anh, cho biết theo điều tra xã hội học về quan điểm tham nhũng ở khu vực thành thị thì có tới 36% người dân được hỏi cho rằng tham nhũng đã tăng nhiều, 26% cho rằng tăng một chút, 18% cho rằng không thay đổi và chỉ có vỏn vẹn 3% cho rằng tham nhũng giảm đi nhiều. Ông nói: “Như vậy, tham nhũng có chiều hướng gia tăng ở Việt Nam”.
Ông Antony Stokes, Đại sứ Vương quốc Anh trích dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Chính phủ sẽ dùng luật pháp mà trị những kẻ ăn hối lộ. Đã trị, đang trị và sẽ trị cho kỳ hết" khi các đại biểu Quốc hội Việt Nam đã chất vấn Chính phủ vào năm 1946. Đại sứ nói: “Tuy nhiên, 55 năm đã trôi qua, tham nhũng vẫn là một vấn đề mang tính hệ thống. Tham nhũng đe dọa sự phát triển và ổn định của đất nước cũng như uy tín của Việt Nam. Đồng thời tham nhũng làm tổn thương người nghèo và những người dễ bị tổn thương”.
Ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, tham nhũng đang diễn ra nhiều nhất ở hai khu vực là đầu tư công và doanh nghiệp nhà nước. Ông cho rằng, Việt Nam cần đẩy nhanh cải cách doanh nghiệp nhà nước nếu muốn chống tham nhũng thành công.
Tại buổi đối thoại, các đại biểu quốc tế khác kêu gọi Chính phủ tiếp tục tăng cường tiếp cận thông tin, thực thi luật pháp, và mở rộng sự tham gia của toàn xã hội, đặc biệt là báo chí để nâng cao hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng.
Tư Hoàng
tbktsg
|