Tây Ninh quyết “bán” hồ Dầu Tiếng
Tỉnh Tây Ninh đang tích cực kêu gọi đầu tư vào khu vực lòng hồ Dầu Tiếng với những ưu đãi dành cho nhà đầu tư
Tháng 8-2011, tỉnh Tây Ninh có văn bản đề nghị Bộ NN-PTNT xem xét bổ sung nhiệm vụ du lịch cho hồ Dầu Tiếng để làm cơ sở cho tỉnh mời gọi đầu tư và Tập đoàn An Viên (AVG) triển khai dự án tổ hợp phim trường An Viên - du lịch sinh thái hồ Dầu Tiếng.
Bộ chưa xong quy hoạch
Tháng 10-2011, trong văn bản trả lời tỉnh Tây Ninh, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Đào Xuân Học cho biết việc khai thác tổng hợp tài nguyên các hồ chứa phải tuân thủ theo Nghị định 112/2008 về quản lý, bảo vệ, khai thác tổng hợp tài nguyên và môi trường các hồ chứa thủy điện, thủy lợi và Nghị định 72/2007 về quản lý an toàn đập của Chính phủ. Hồ Dầu Tiếng quan trọng cấp quốc gia, phục vụ đa mục tiêu (cấp nước tưới tiêu và cho Nhà máy Nước TPHCM, bảo đảm tạo nguồn nước ổn định cho vùng hạ lưu sông Sài Gòn…) và liên tỉnh (TPHCM, Tây Ninh, Long An, Bình Dương).
Vì vậy, dự kiến trong hai năm 2012-2013, Bộ NN-PTNT sẽ thực hiện và hoàn thành dự án quy hoạch vùng lòng hồ Dầu Tiếng và khu đầu mối phục vụ quản lý, khai thác đa mục tiêu nhằm đánh giá toàn diện hiện trạng, tiềm năng phát triển của hồ và đưa ra các giải pháp khai thác phù hợp với định hướng phát triển toàn vùng. Trên cơ sở đó sẽ kiến nghị bổ sung nhiệm vụ của hồ bảo đảm khai thác hiệu quả, bền vững. Còn hiện tại, nhiệm vụ thiết kế của hồ Dầu Tiếng theo Quyết định 498/1993 của Thủ tướng Chính phủ, chưa có nhiệm vụ phát triển du lịch.
Tỉnh vội vàng khai thác
Trái với những thận trọng của Bộ NN-PTNT, tỉnh Tây Ninh có vẻ khẩn trương mời gọi đầu tư vào khu vực lòng hồ Dầu Tiếng mà không cần chờ quy hoạch của Bộ NN-PTNT. Không chỉ đảo Nhím, hồ Dầu Tiếng với 27.000 ha mặt nước, các đảo và vùng ven hồ đã được tỉnh Tây Ninh đưa vào danh mục dự án du lịch mời gọi đầu tư trong và ngoài nước tại hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch Tây Ninh và các tỉnh Đông Nam Bộ ngày 26-11.
Những ưu đãi đầu tư khá hấp dẫn được đưa ra: Nhà đầu tư được quyết định quy mô dự án, miễn tiền thuê đất 15 năm, thuế thu nhập doanh nghiệp trong 10 năm đầu là 20%... nhằm “biến” lòng hồ thành các khu nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái và vui chơi giải trí… tầm cỡ quốc tế.
Ông Trần Hữu Hậu, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư – Thương mại - Du lịch Tây Ninh, cho rằng: “Chúng tôi nghiên cứu phát triển du lịch hồ Dầu Tiếng theo lời nhắc nhở khéo léo và nghiêm khắc của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải: Một hòn ngọc của Tây Ninh như thế này mà không khai thác, phát triển du lịch thì đây là một sự lãng phí tài nguyên của đất nước.
Vì vậy, chúng tôi cho nghiên cứu và kêu gọi đầu tư”. Ông Hậu cũng cho hay AVG là đơn vị thứ 5 tỉnh tìm đến sau khi 4 đơn vị trước muốn trở thành nhà đầu tư dự án trên đảo Nhím nhưng không thành.
Về việc không bàn bạc với TPHCM và Bình Dương trước khi chấp thuận chủ trương đầu tư của AVG, ông Hậu giãi bày chủ trương của tỉnh là nghiên cứu trước để biết làm gì và như thế nào rồi mới “ngồi lại” với các tỉnh, tránh tình trạng thông báo “khơi khơi” để đến khi các tỉnh bạn chất vấn sẽ không trả lời được. Tuy nhiên, ông Hậu cũng thừa nhận vấn đề chính yếu nhất vẫn là việc chấp thuận bổ sung mục đích du lịch cho hồ Dầu Tiếng.
Tỉnh mới chấp nhận chủ trương thôi!
* Phóng viên: Thưa bà, theo Quyết định 498/1993 của Thủ tướng Chính phủ, hồ Dầu Tiếng chưa có nhiệm vụ phát triển du lịch nhưng tỉnh Tây Ninh lại chấp thuận cho xây dựng tổ hợp phim trường và du lịch sinh thái?
- Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh: Hiện nay, chúng tôi mới chấp nhận chủ trương đầu tư, đang tổ chức hội thảo và phải chờ ý kiến Bộ NN-PTNT cũng như Bộ Tài nguyên - Môi trường. Sau khi có ý kiến chính thức, chúng tôi sẽ trao đổi với TPHCM, bởi vì lòng hồ Dầu Tiếng cung cấp nguồn nước sạch cho các địa phương lân cận: TPHCM, Long An, Tây Ninh và một phần Bình Dương. Chính vì thế, khi kêu gọi đầu tư vào lòng hồ Dầu Tiếng, tỉnh cũng hết sức cân nhắc, chỉ xin về mặt chủ trương thôi. Đến giờ này, chúng tôi vẫn chưa cấp giấy chứng nhận đầu tư vì phải làm thận trọng.
* Hồ Dầu Tiếng nằm trên địa phận 3 tỉnh, thành: Tây Ninh, TPHCM và Bình Dương, trong khi chỉ một mình Tây Ninh đầu tư khai thác, các địa phương còn lại phải làm thế nào?
- Theo đánh giá của chúng tôi, dự án này hết sức quan trọng và cũng phù hợp, vì cao trình mực nước của chúng tôi là 24,4 m
nhưng chúng tôi cũng chỉ lấy một phần trên thôi, còn phần ven hồ chúng tôi không đầu tư đến.
* Nhưng các địa phương khác sẽ bị ảnh hưởng?
- Bây giờ, chúng tôi chưa thể đánh giá được nhưng sau này chắc chắn sẽ lấy thêm ý kiến các nhà khoa học. Hiện nay, dư luận rất băn khoăn, cho rằng ảnh hưởng về ô nhiễm nguồn nước nhưng nhà đầu tư đang có cam kết với tỉnh về phương án xử lý nên chúng tôi chưa kết luận về ý kiến này, cần có kết luận của các nhà khoa học.
* Theo Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành năm 2011, việc khai thác phải do đơn vị chủ quản và không chia cắt về địa giới hành chính, tức là mỗi địa phương không thể khai thác riêng lẻ.
- Trong đó, chúng tôi có Công ty Khai thác Thủy lợi hồ Dầu Tiếng (Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa).
* Nhưng đó là công ty trực thuộc Bộ NN-PTNT, thưa bà. Có nghĩa là việc kêu gọi đầu tư vào hồ Dầu Tiếng phải do Bộ NN-PTNT thực hiện, thẩm định, phê duyệt?
- Thì nhìn chung là hằng năm các tỉnh, thành cũng ủng hộ Tây Ninh cũng như công ty một khoản tiền để tu bổ.
* Trước khi chấp thuận chủ trương đầu tư dự án phim trường, tỉnh đã lấy ý kiến các địa phương liên quan chưa, thưa bà?
- Chúng tôi chưa lấy ý kiến vì nó không ảnh hưởng gì, mà chỉ là sau này vì trực thuộc Bộ NN-PTNT nên chúng tôi chỉ xin ý kiến Bộ NN-PTNT. Khi nào Bộ NN-PTNT cho chuyển công năng đầu tư về du lịch, chúng tôi mới tiến hành làm việc với các tỉnh bạn.
Thu Sương thực hiện |
Minh Khanh - Thanh Đảo
người lao động
|