Thứ Bảy, 26/11/2011 14:10

Một cách nhìn khác về đầu tư công

Tiềm năng chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ để biến tiềm năng thành hiện thực là hiệu quả đầu tư công trên hai phương diện hiệu suất đầu tư cao và khả năng sử dụng đầu tư công để kích thích doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ phát triển. Những hiệu quả này của đầu tư công lại chỉ có thể đạt được dựa trên tiền đề cải cách triệt để doanh nghiệp nhà nước.

Mối quan hệ đầu tư công và công nghiệp hỗ trợ

Đối với nền kinh tế mới bước vào giai đoạn đầu của công nghiệp hóa, để thực hiện tăng trưởng cần tăng đầu tư vốn toàn xã hội trong đó có đầu tư công. Đầu tư công ở đây được hiểu là phần đầu tư nhằm cung cấp những dịch vụ, hàng hóa công (đường sá giao thông công cộng, dịch vụ hành chính, giáo dục phổ thông…), mà không bao hàm vốn nhà nước trong khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Đầu tư công dù về mặt thống kê được tính vào tăng trưởng, nhưng mục tiêu số một của nó là để cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện kích thích đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài (những chủ thể mang lại tăng trưởng đích thực) phát triển.

Như đã đề cập, hiệu quả đầu tư công được xét trên hai phương diện: hiệu suất đầu tư công và hiệu quả kích thích tăng trưởng đầu tư xã hội nói chung, đặc biệt là đầu tư tư nhân nội địa. Hiệu quả kích thích phát triển đầu tư tư nhân trong đó có công nghiệp hỗ trợ nội địa lại có thể được đánh giá trên hai khía cạnh. Thứ nhất là kích thích gián tiếp thông qua việc cải thiện môi trường kinh doanh (điều kiện giao thông, đào tạo lao động…), và giảm chi phí kinh doanh. Thứ hai là kích thích trực tiếp thông qua việc cung cấp việc làm, tạo bước đệm cho doanh nghiệp nội địa đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ phát triển.

Ở các quốc gia bắt đầu công nghiệp hóa, như Việt Nam hiện tại, công nghiệp hỗ trợ nội địa thường bị rơi vào một vòng luẩn quẩn giữa “năng lực cung cấp yếu” và “bế tắc thị trường đầu ra” nên không phát triển được. Thực tế đa số nhu cầu đặt hàng công nghiệp hỗ trợ là của các nhà lắp ráp (chủ yếu là đầu tư nước ngoài) thuộc các lĩnh vực đòi hỏi sản phẩm có độ tinh cao như chế tạo ô tô, máy móc cơ khí, đồ điện gia dụng, trong khi trình độ công nghệ cũng như quản lý kinh doanh của công nghiệp hỗ trợ địa phương thường không đáp ứng được.

Trong khi đó, nhìn về mặt công nghệ kỹ thuật, phần lớn lĩnh vực mà đầu tư công (đặc biệt giai đoạn đầu của công nghiệp hóa) cần tập trung phát triển, như xây dựng hạ tầng giao thông, đường sá, cầu cảng, bến bãi, cấp thoát nước…, cũng yêu cầu cung cấp những sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp chế tạo, tức là sử dụng công nghệ gia công định hình và xử lý bề mặt, cũng với các vật liệu sắt thép, hợp kim, nhựa, cao su, gốm sứ, thủy tinh, giấy, gỗ, vải hay chất dẻo tổng hợp. Chỉ khác nhau về độ tinh của sản phẩm. Cùng là sản phẩm đúc nhưng vỏ động cơ và hàng rào dùng trong xây dựng đòi hỏi độ tinh hoàn toàn khác nhau là một ví dụ.

Chính mức đòi hỏi độ tinh thấp tương đối của phụ kiện vật liệu trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng (so với cơ khí máy móc) là điểm mấu chốt bảo đảm tính khả thi của vấn đề dùng đầu tư công để nuôi dưỡng công nghiệp hỗ trợ nội địa bước ban đầu. Nếu thực hiện quản lý sử dụng đầu tư công hiệu quả, những doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nội địa nỗ lực cạnh tranh sẽ có khả năng “tập dượt” qua việc cung cấp sản phẩm cho các công trình phát triển hạ tầng bằng đầu tư công, từ đó nâng cao dần trình độ công nghệ kỹ thuật cũng như năng lực quản lý kinh doanh của mình, để có thể thâm nhập vào những thị trường đòi hỏi sản phẩm có độ tinh cao hơn trong tương lai.

Dĩ nhiên cần phải nhấn mạnh, để làm được điều này đầu tư công phải được triển khai một cách minh bạch và có tính cạnh tranh. Việc tổ chức, thực hiện và giám sát đầu tư công phải khoa học, công bình, công khai. Khoa học là dự án đầu tư công phải được khảo cứu kỹ lưỡng và tham khảo ý kiến các nhà nghiên cứu chuyên môn. Công bình và công khai là nhằm lựa chọn được những nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ có tinh thần doanh nghiệp thực thụ, có tư tưởng mưu cầu lợi nhuận chính đáng. Như vậy mới phát huy được hiệu quả nuôi dưỡng công nghiệp hỗ trợ nội địa của đầu tư công.

...Và việc cải cách doanh nghiệp nhà nước

Để tận dụng hiệu quả lan tỏa của đầu tư công đối với việc nuôi dưỡng kích thích sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ nói riêng cũng như của doanh nghiệp tư nhân nói chung, cần tiến hành cải cách DNNN một cách triệt để nhằm bảo đảm một môi trường cạnh tranh tự do bình đẳng thực chất. Cải cách không chỉ vì sức ép hội nhập mà phải thay đổi vì sự phát triển của quốc gia. Vấn đề cải cách DNNN cần phải được xem lại một cách cơ bản, trả lại đúng chức năng vốn có của bộ phận này.

Theo kinh tế học hiện đại, DNNN được thành lập để cung cấp hàng hóa dịch vụ công, trong chừng mực đầu tư tư nhân chưa đủ năng lực thực hiện chức năng này. Vì vậy cải cách triệt để DNNN là giải phóng bộ phận này ra khỏi những lĩnh vực phi hàng hóa dịch vụ công, trả sân chơi lại cho doanh nghiệp tư nhân. Theo cách nghĩ này thì đặt DNNN hoạt động trong cùng một môi trường pháp lý với doanh nghiệp tư nhân, như cách Việt Nam đang thực hiện, dù bỏ hết những điều kiện bảo hộ khác, thì vẫn không phải là một môi trường cạnh tranh bình đẳng. Làm như vậy vẫn là chèn ép kinh tế tư nhân. DNNN đúng nghĩa không thể chịu điều tiết chung bằng một bộ luật chung với doanh nghiệp tư nhân mà phải có khung pháp lý riêng, và chỉ được phép hoạt động trong những lĩnh vực cung cấp hàng hóa dịch vụ công, mang tính độc quyền cao.

Tóm lại, vì lý do tham nhũng mà giảm đầu tư công, hạ chỉ tiêu tăng trưởng, chần chừ thực hiện cải cách DNNN, là những biện pháp hạ sách, không thể tạo ra mà chỉ có tác dụng kìm hãm sự phát triển. Để trong vòng một hai thập kỷ tới có thể sánh vai với các cường quốc trong khu vực, cần tăng cường đầu tư công hiệu quả, mạnh dạn đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng hai con số, nhưng phải đồng thời triệt để cải cách hệ thống DNNN bằng cách trở lại đúng với chức năng cung cấp hàng hóa dịch vụ công, trả lại sân chơi còn lại cho chủ thể của kinh tế thị trường là doanh nghiệp tư nhân, sử dụng đầu tư công để tạo đà phát triển cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tư nhân nội địa.

Đỗ Mạnh Hồng

tbktsg

Các tin tức khác

>   Tái cấu trúc: Có phải là thần chú? (26/11/2011)

>   Đại biểu Quốc hội lại chất vấn Thủ tướng về Vinashin (25/11/2011)

>   Hội nghị CG sẽ tập trung vào tái cơ cấu nền kinh tế (25/11/2011)

>   FDI 11 tháng: Vốn không chảy vào bất động sản (25/11/2011)

>   “Chấm điểm” chất vấn: “Điểm cao” cho Chủ tịch Quốc hội (25/11/2011)

>   Sáng nay Quốc hội chất vấn Thủ tướng (25/11/2011)

>   Tập đoàn tăng vốn đầu tư “tay trái” không báo cáo Thủ tướng (24/11/2011)

>   Vốn FDI vào TPHCM vẫn tăng mạnh (24/11/2011)

>   Nợ công: “65% GDP là tối đa” (24/11/2011)

>   CPI tháng 11 cả nước tăng 0.39% (24/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật