Tên gọi tập đoàn đang gây tranh cãi
Dự thảo Quyết định (sau đây gọi là dự thảo) của Thủ tướng Chính phủ về việc đặt tên cho tập đoàn, tổng công ty ngay sau khi công bố để lấy ý kiến đóng góp đã gây nhiều ý kiến tranh cãi.
Dự thảo được công bố hôm 15-11-2011 trên trang chủ http://www.mpi.gov.vn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT). Dự thảo chỉ gói gọn trong gần hai trang giấy và không có tờ trình hay bất cứ tài liệu nào kèm theo để thuyết minh mục tiêu và tính cần thiết của việc soạn thảo văn bản này.
Một nhân viên của Phòng Nghiệp vụ đăng ký kinh doanh, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ KHĐT, nơi tiếp nhận ý kiến đóng góp, nói rằng cơ quan soạn thảo tuân thủ đúng theo Điều 67 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tức không có trách nhiệm phải đăng tải các tài liệu liên quan ngoài tài liệu duy nhất được công khai là dự thảo.
Chính vì vậy, nhiều ý kiến băn khoăn không rõ mục tiêu của dự thảo nói trên là gì. Tiến sĩ Nguyễn Quốc Vinh, Công ty Luật Tilleke&Gibbins đồ rằng có thể do Bộ KHĐT, cơ quan đề xuất dự thảo lo ngại tình trạng đua nhau xưng tên “tập đoàn” quá lộn xộn và việc này có thể sẽ bị lợi dụng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Theo ông Vinh, nếu quả đúng như thế thì không có cơ sở vì làm sao có thể trao cho dự thảo quyết định mà nếu ký ban hành, nó là văn bản dùng để hướng dẫn Luật Doanh nghiệp như đề xuất của Bộ KHĐT, nhiệm vụ chống tội phạm vốn dĩ thuộc chức năng của pháp luật hình sự. Hơn nữa, ngay cả có xem đây như một biện pháp nhằm mục đích phòng ngừa tội phạm thì cũng hoàn toàn khó khả thi.
“Chẳng lẽ khi có vốn điều lệ một nghìn tỉ đồng trở lên, được xưng là “tập đoàn” thì lúc ấy sẽ không còn lừa đảo nữa?” - ông Vinh đặt vấn đề. Mặt khác, khi việc sử dụng cụm từ “tập đoàn” bị hạn chế, người ta sẽ tìm cách đối phó. Ví dụ, thay bằng những tên gọi khác như "tổ hợp"; "tập hợp"... Lúc đó, sẽ xử lý như thế nào?
Luật sư Nguyễn Ngọc Bích, Giám đốc Công ty Luật VB, thì cho rằng quy định về đặt tên “tập đoàn” là một sự lầm lẫn giữa tên gọi này với khái niệm “công ty”. Ông Bích giải thích: “Bản chất của công ty là độc lập, chịu trách nhiệm, sai thì thưa nó. Còn tập đoàn thì không có tư cách pháp nhân, không có tính pháp lý và không có tính cưỡng chế”.
Theo một luật sư giấu tên, việc dự thảo đặt ra một số điều kiện để được đặt tên tập đoàn là một cách gián tiếp định nghĩa lại khái niệm tập đoàn. Những điều kiện ấy hoàn toàn trái với định nghĩa của Luật Doanh nghiệp về khái niệm “tập đoàn kinh tế”. Theo đó, tập đoàn kinh tế là một trong những hình thức “tập hợp các công ty có mối quan hệ gắn bó lâu dài với nhau về lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường và các dịch vụ kinh doanh khác”.
Cùng quan điểm như trên, theo luật sư Trần Thanh Tùng, Công ty Luật P&P, khi tập đoàn không phải là pháp nhân thì không cần thiết phải có quy định về tên gọi của nó. Mặt khác, ngay cả khi theo dự thảo có vẻ như cơ quan soạn thảo muốn gói lại khái niệm tập đoàn như một hình thức công ty mẹ thì lại càng không cần thiết. Bởi về bản chất công ty mẹ cũng là công ty, mà tên công ty thì Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn đã quy định khá rõ rồi, cần gì quy định nữa cho thêm phần rối rắm!?
Các chuyên gia cũng lo ngại quy định về đặt tên tập đoàn với những điều kiện như phải có vốn điều lệ trên 1.000 tỉ đồng; phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép... có thể sẽ tạo ra thủ tục xin - cho mới, gây phiền hà cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, còn hàng loạt hệ lụy khác có thể phát sinh nhưng chưa được dự thảo đề cập. Chẳng hạn việc chứng minh vốn ở các doanh nghiệp khác như thế nào? Các doanh nghiệp đã sử dụng cụm từ “tập đoàn”, “tổng công ty” lâu nay nhưng không đáp ứng đủ tiêu chuẩn thì xử lý ra sao? Chế tài gì đối với những tập đoàn vi phạm tiêu chí?...
Nguyên Tấn
tbktsg
|