Thứ Ba, 01/11/2011 14:04

Doanh nghiệp niêm yết gian nan tìm cổ đông chiến lược

Thất bại gần đây của một số DN trong tìm kiếm đối tác chiến lược cho thấy, không phải cứ có nhu cầu, công bố nhu cầu là sẽ tìm được đối tượng đáp ứng.

“DN tự tìm người mua, không dễ”

CTCP Dược phẩm Hà Tây (DHT) vừa thông báo kết quả chào bán cổ phiếu ra công chúng. Theo đó, DHT chỉ chào bán được 1,335 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương đương 20% lượng cổ phiếu cần bán. Còn lại 5,34 triệu cổ phiếu, chiếm 80% cổ phiếu mà DHT định bán cho đối tác chiến lược, Công ty không thể tìm được người mua.

Trước đó, CTCP Kết cấu kim loại và lắp máy dầu khí (PXS) cũng gặp phải tình huống tương tự, khi không một NĐT chiến lược nào chịu bỏ tiền mua 10 triệu cổ phiếu, chiếm 33% tổng lượng cổ phiếu chào bán của PXS. Vì thế, kế hoạch tăng vốn của PXS đã không trọn vẹn như dự tính.

Trả lời ĐTCK về lý do DHT không thể thành công trong đợt chào bán vừa qua, ông Lê Văn Lớ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc DHT cho rằng, do TTCK "quá bất lợi" và từ chối tiết lộ những bất lợi cụ thể với DHT.

Thực tế, NĐT đã không được biết chi tiết về phương án chào bán cho đối tác chiến lược của DHT, cả về đối tượng nhắm đến cũng như cách thức chào bán. Họ chỉ được biết thông tin về số lượng cổ phiếu và giá chào bán của DHT. Và căn cứ vào mức giá 15.000 đồng/CP, thấp hơn đáng kể so với mức giao dịch 25.000 - 26.000 đồng/CP tại thời điểm chào bán (31/8 - 23/9), nhiều người không hiểu vì sao DHT lại không tìm được đối tác chịu mua.

Trong khi đó, nhìn vào những kế hoạch tìm kiếm đối tác chiến lược của các doanh nghiệp ngành dược, NĐT lại thấy một diễn biến ngược lại, thế chủ động luôn thuộc về bên bán. Đơn cử, Domesco (DMC) đã phải kêu gọi các cổ đông lớn là tổ chức tài chính nhường bước cho tổ chức cùng ngành tham gia. Mặt khác, DMC phải dành sự ưu tiên cho người đến trước. Ông Nguyễn Văn Hóa, Giám đốc tài chính của DMC cho biết: "DMC nhận được liên lạc thường xuyên của các tổ chức đầu tư từ Nhật, thậm chí, Công ty còn nhận được cả bản danh sách các tổ chức muốn tham gia đầu tư, từ một đơn vị tư vấn, để DMC lựa chọn".

Theo thông tin nội bộ, ở những đợt tìm kiếm đối tác chiến lược của những doanh nghiệp dược chưa niêm yết, giá chào bán của đa số đơn vị cũng đều trên mức 20.000 đồng/CP. Vì thế, câu chuyện của DHT lại càng gây tò mò.

Sự e dè và vai trò của “bà mối”

Với cái nhìn của người trong ngành, ông Hóa khẳng định, cơ hội tìm kiếm đối tác chiến lược của doanh nghiệp ngành dược hiện khá thuận lợi. Do các NĐT, đặc biệt là NĐT đến từ Nhật, đánh giá cao triển vọng của ngành dược.

Theo nhiều ý kiến, việc DHT huy động vốn không thành công không thể đổ hoàn toàn cho nguyên nhân khách quan. Đặc biệt, khi nhìn vào room ngoại của DHT, vẫn thấy cửa rất rộng mở cho NĐT nước ngoài. Có ý kiến cho rằng, nhiều khả năng thất bại này là do yếu tố nội tại doanh nghiệp. Dù kết quả kinh doanh của DHT không tệ nhưng cũng không có gì nổi bật. Và quan trọng hơn, những zíc-zắc thời gian qua của Dược Viễn Đông (DVD) ít nhiều có liên quan đến DHT đã khiến các tổ chức e ngại. Họ sẽ không chọn cách mạo hiểm, nhất là khi cơ hội từ xung quanh lại rất nhiều.

Yếu tố nội tại doanh nghiệp, rào cản từ chính sách đã là lý do các doanh nghiệp, không riêng DHT, thất bại trong tìm kiếm đối tác chiến lược. Tuy nhiên, cũng không loại trừ những lý do tưởng vô hại lại có tính chi phối. Theo quan sát của ông Phạm Thứ Triệu, Phó phòng Dịch vụ Ngân hàng đầu tư, CTCK Thăng Long (TLS), những doanh nghiệp thiếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng về thời gian, về phương án chào bán thường khó thành công trong tìm kiếm đối tác chiến lược.

Thông thường, một tổ chức nếu muốn đầu tư vào đâu đều phải dành từ 6 tháng đến 1 năm, thậm chí 2 năm để nghiên cứu và đánh giá. Do vậy, việc doanh nghiệp không chủ động tìm đối tác chiến lược trước hoặc chủ quan không nhờ tổ chức trung gian thu xếp giúp rất dễ rơi vào cảnh"ế" hàng.

Các DN thường thấy việc chi ra 1 - 2% tổng giá trị chào bán cho đơn vị tư vấn là quá lớn, nhưng có lẽ họ đã quên rằng, việc thu xếp tài chính là việc rất chuyên môn, cần đơn vị có chuyên môn sâu đứng ra đảm đương.

Rõ ràng, để tìm được đối tác chiến lược, cần phải có một sự đầu tư nghiêm túc trên cơ sở "biết người biết ta", chứ không đơn giản là cứ có nhu cầu và công bố nhu cầu đó là sẽ có nhà đầu tư tìm đến.

Ngọc Thủy

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   01/11: Bản tin 20 giờ qua (01/11/2011)

>   UPCoM-Index giảm nhẹ sau 2 phiên tăng (31/10/2011)

>   Nhiều công ty chứng khoán dè dặt với margin (31/10/2011)

>   Khối ngoại bất ngờ mua ròng mạnh Chứng khoán, Bất động sản (31/10/2011)

>   Công ty chứng khoán “lạ hoắc” (31/10/2011)

>   Èo uột như chứng chỉ quỹ đầu tư (31/10/2011)

>   Bản tin đầu tuần: Nợ công và đầu tư công (31/10/2011)

>   Chữ W nào cho chỉ số chứng khoán? (30/10/2011)

>   UPCoM-Index có tuần thứ 2 tăng điểm (28/10/2011)

>   Cần minh bạch dư nợ margin đến từng mã chứng khoán (28/10/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật