Nhiều công ty chứng khoán dè dặt với margin
Khi dự thảo về Quy chế giao dịch ký quỹ được đưa ra lấy ý kiến, nhiều CTCK đã đấu tranh rất nhiều nhằm có những quy định thoáng hơn về vấn đề này. Nhưng, sau khi Quy chế được ban hành, bản thân các CTCK lại trở nên dè dặt, mà lý do có thể là từ yếu tố thị trường.
|
Khi thị trường chưa có dấu hiệu khởi sắc, cho vay ký quỹ là khá rủi ro |
Khoảng 20 CTCK đã được cấp phép cung cấp dịch vụ giao dịch ký quỹ (margin). Danh sách các cổ phiếu không được giao dịch ký quỹ cũng đã được hai Sở GDCK công bố. Hành lang pháp lý đã đủ để triển khai, nhưng chính các CTCK lại cảm thấy e dè, mà "thận trọng" nhất có lẽ là CTCP Chứng khoán Âu Việt (AVS). Trong thư gửi NĐT, Âu Việt viết: "Ngày 17/11/2011, AVS được UBCK cho phép thực hiện dịch vụ giao dịch ký quỹ. Tuy nhiên, AVS đánh giá tình hình thị trường trong giai đoạn hiện nay chưa thuận lợi nên quyết định tạm ngưng triển khai dịch vụ giao dịch ký quỹ".
Không quá e dè như Âu Việt, nhưng các CTCK được cấp phép giao dịch ký quỹ khác cũng khá thận trọng trong việc đưa ra danh sách chứng khoán được phép giao dịch và tỷ lệ ký quỹ. Trong danh sách các mã chứng khoán được phép giao dịch ký quỹ mà hai Sở GDCK đã cho phép, CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) chỉ cho phép NĐT giao dịch ký quỹ 90 mã chứng khoán. Nhưng trong số này, chỉ có 29 mã chứng khoán được phép giao dịch với tỷ lệ ký quỹ tối thiểu theo luật định là 60% (tức cho vay 40%), 61 mã chứng khoán còn lại chủ yếu giao dịch với tỷ lệ ký quỹ 70% - 80%, cá biệt có trường hợp tỷ lệ ký quỹ đến 90% như: HAP của CTCP Giấy Hải Phòng, DCS của CTCP Gỗ Đại Châu.
Sự thận trọng của các CTCK khác cũng tương tự, khi danh mục chứng khoán cho phép giao dịch ký quỹ đều thu hẹp hơn rất nhiều so với phạm vi chứng khoán mà hai Sở GDCK thống kê và tỷ lệ ký quỹ thường cao hơn so với yêu cầu. Tại CTCK Bản Việt (VCSC), với 140 mã chứng khoán được giao dịch ký quỹ, 23 mã chứng khoán có tỷ lệ ký quỹ yêu cầu 60%, 14 mã chứng khoán có tỷ lệ ký quỹ 65%, 27 mã chứng khoán phải ký quỹ 70%, 10 mã 75%, các mã còn lại tỷ lệ ký quỹ yêu cầu là 80%. Với CTCK Rồng Việt (VDS), số mã được giao dịch ký quỹ lên tới 216 mã chứng khoán, nhưng cũng chỉ có 34 mã được phép vay tới 40% giá trị giao dịch, trong khi có tới 51 mã chỉ được vay tối đa 20% giá trị giao dịch.
Nới nhất về tỷ lệ cho vay ký quỹ tính đến thời điểm này, theo ghi nhận của ĐTCK là CTCK Kim Eng (KEVS), khi công ty này có tới 116 cổ phiếu ký quỹ 60%, 17 cổ phiếu ký quỹ 70% và 74 cổ phiếu phải ký quỹ 80% trong tổng số 207 cổ phiếu được phép giao dịch ký quỹ. Ngoài ra, so sánh các CTCK khác, có công bố danh sách mã chứng khoán cho phép giao dịch ký quỹ và tỷ lệ cho vay, thì VNDirect (VND), FPTS… có phần thoáng hơn, khi tỷ lệ cho vay ký quỹ chủ yếu là 40% và 30%.
Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Việt Cường, Phó TGĐ CTCK Tân Việt (TVSI) cho biết, Công ty rất thận trọng khi cung cấp dịch vụ này cho NĐT. "Chúng tôi chỉ sàng lọc một danh sách nhỏ hơn những mã cổ phiếu được phép giao dịch ký quỹ, với tỷ lệ kỹ quỹ thay đổi theo từng mã cụ thể, thậm chí có thể lên tới 90% giá trị giao dịch theo từng thời kỳ, để đảm bảo tính an toàn tài chính cho Công ty cũng như khách hàng", ông Cường cho biết. Tại TVSI, đến thời điểm này, có khoảng 4.000 tài khoản giao dịch ký quỹ của khách hàng, tương đương khoảng 10% số tài khoản giao dịch chứng khoán thông thường. Theo ông Cường, những khách hàng mở tài khoản giao dịch ký quỹ chủ yếu là những người đã có kinh nghiệm sử dụng các dịch vụ đòn bẩy, chứ những NĐT mới thì vẫn chưa xuất hiện. TVSI mới chỉ sử dụng hết khoảng 30% hạn mức cho vay theo Quy chế UBCK đã ban hành, dù theo ông Cường, Công ty đã liên tục giảm mức lãi suất cho NĐT.
Quan sát trên bình diện chung của nhóm các CTCK cho thấy, đa phần các CTCK giai đoạn này đều thận trọng với việc triển khai dịch vụ giao dịch ký quỹ. Nguyên nhân chính của tình trạng trên có lẽ xuất phát từ bài học quản trị rủi ro của năm 2010, khi không ít CTCK hiện đang phải đau đầu giải bài toán thu hồi nợ xấu của khách hàng và bị phía đối tác thúc ép trả nợ. Nhưng trên thực tế, không phải CTCK nào cũng ý thức gắt gao về bài học quản trị rủi ro và không phải sự hạn chế mở rộng dịch vụ nào cũng đến từ ý thức quản trị rủi ro của CTCK. Bởi vì, trong một số trường hợp, nguyên nhân chính của việc khép mình với giao dịch ký quỹ đến từ việc không huy động được vốn để tài trợ cho nghiệp vụ và chưa mở rộng được mạng lưới khách hàng. Dù thế nào, nhìn ở mặt tích cực, việc thận trọng trong cung cấp dịch vụ giao dịch ký quỹ cũng cho thấy, các CTCK đã hướng đến một sự phát triển bền vững, chứ không phải những cuộc chạy đua thị phần bất chấp rủi ro như giai đoạn trước.
Bùi Sưởng
Đầu tư chứng khoán
|