Èo uột như chứng chỉ quỹ đầu tư
Quỹ đầu tư ngày càng lép vế trên thị trường khi 100% chứng chỉ quỹ hiện giao dịch dưới mệnh giá, thậm chí có chứng chỉ quỹ có giá chỉ còn 1/3 giá phát hành ban đầu.
Trên thị trường hiện có 5 quỹ đầu tư niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE). Trong đó, có 3 quỹ do Công ty Quản lý Quỹ Đầu tư chứng khoán Việt Nam (VFM) quản lý, gồm Quỹ Đầu tư chứng khoán Việt Nam (VFMVF1), Quỹ Đầu tư doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam (VFMVF4) và Quỹ Đầu tư năng động Việt Nam (VFMVFA). Hai quỹ đầu tư còn lại do 2 công ty bảo hiểm quản lý, gồm Quỹ Đầu tư tăng trưởng Manulife (MAFPF1) và Quỹ Đầu tư cân bằng Prudential (PRUBF1).
Trong số các quỹ đầu tư đang niêm yết, hiện chỉ có quỹ VFMVF1 là còn “được giá” hơn cả, khi có giá 8.700 đồng/chứng chỉ quỹ (phiên giao dịch 28/10). Còn lại, các chứng chỉ quỹ đầu tư khác đều có giá dưới 5.000 đồng/chứng chỉ quỹ. Riêng 2 quỹ MAFPF1 và VFMVF4 có giá còn thấp hơn nữa, dưới 4.000 đồng/chứng chỉ quỹ.
Điều đáng chú ý là, hầu hết các chứng chỉ quỹ đầu tư có chỉ số giá trị tài sản ròng (NAV) không phải là thấp. NAV của các quỹ đều gấp tới gần 2 lần giá chứng chỉ quỹ, hay nói cách khác, giả sử trong trường hợp thanh lý quỹ, thì số tiền nhà đầu tư thu được cũng bằng gần gấp gần 2 lần so với giá phải bỏ ra để mua chứng chỉ quỹ trên thị trường. Tuy nhiên, chứng chỉ quỹ đầu tư hiện vẫn ế ẩm.
Phân tích về những nghịch lý nêu trên, một số chuyên gia cho rằng, sự sụt giảm giá của chứng chỉ quỹ có nguyên nhân từ sự tụt dốc của nhóm cổ phiếu “blue - chips” trên thị trường. Hầu hết các quỹ đầu tư đều nắm giữ nhiều cổ phiếu “blue-chips”, nên khi giá của nhóm cổ phiếu này đi xuống thì cũng dẫn đến hiệu ứng dây chuyền, làm nhà đầu tư cũng có tâm lý muốn đẩy chứng chỉ quỹ đi.
Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, việc hạch toán lỗ lãi đối với các cổ phiếu chưa niêm yết hiện vẫn chưa thật rõ ràng. Chính vì vậy, theo một số nhà đầu tư, mặc dù NAV của một số quỹ đầu tư vẫn treo ở mức cao, nhưng thực chất, nếu mang thanh lý một số tài sản là các cổ phiếu chưa niêm yết, thì chưa chắc đã bán được với giá như xác định để tính NAV.
Tuy nhiên, ông Lê Chí Phúc, Giám đốc đầu tư Công ty Quản lý Quỹ SGI cho rằng, giá chứng chỉ quỹ sẽ dần được cải thiện hơn. “Mức chênh lệch giữa thị giá và NACV thường sẽ giảm dần khi tới gần thời điểm giải thể quỹ”, ông Phúc nhận định.
Trong khi đó, việc tìm kiếm các khoản đầu tư của các quỹ đầu tư trong nước cũng ngày càng khó khăn do những hàng hóa tốt đều đã được săn đón từ nhiều năm trước, trong khi nhiều quỹ đầu tư nước ngoài tiếp tục vào thị trường Việt Nam và đương nhiên sẽ có sự cạnh tranh gay gắt giữa các quỹ với nhau.
Theo đó, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa qua đã khiến cho dòng vốn đầu tư từ các quỹ nước ngoài vào Việt Nam chững lại hẳn so với thời kỳ đỉnh cao 2006 – 2007. Gần đây, đã có thêm một số quỹ
đầu tư nước ngoài mới nhập cuộc, như Vietnam Fund, VAM Vietnam Index Linked, Honglong Vietnam Strategic…
Mới đây nhất, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã vừa cho phép Công ty quản lý quỹ nước ngoài Mirae Asset Maps Global Investment Co., Ltd (Hàn Quốc) mở Văn phòng đại diện tại TP.HCM. Văn phòng này được thực hiện chức năng văn phòng liên lạc và nghiên cứu thị trường chứng khoán, xúc tiến xây dựng các dự án hợp tác trong lĩnh vực chứng khoán.
Thị giá của các chứng chỉ quỹ và NAV (tính đến ngày 20/10/2011)
Quỹ MAPF1 là 3.300 đồng/chứng chỉ quỹ, NAV hơn 6.000 đồng/chứng chỉ quỹ;
Quỹ PRUBF1 là 4.500 đồng/chứng chỉ quỹ, NAV là 8.300 đồng/chứng chỉ quỹ;
Quỹ VFMVF1 là 8.700 đồng/chứng chỉ quỹ, NAV khoảng 15.200 đồng/chứng chỉ quỹ;
Quỹ VFMVF4 là 3.700 đồng/chứng chỉ quỹ, NAV là 6.500 đồng/chứng chỉ quỹ;
Quỹ VFMVFA là 4.600 đồng/chứng chỉ quỹ, NAV là 7.500 đồng/chứng chỉ quỹ. |
Chí Tín
đầu tư
|