Có nên đặt chỉ tiêu GDP?
Từ trước đến nay, chỉ tiêu tăng trưởng GDP luôn được các đại biểu Quốc hội cân nhắc trước khi biểu quyết thông qua tại các kỳ họp cuối năm khi thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm tới hay cho cả một giai đoạn năm năm. Kỳ họp lần này cũng vậy. Nhưng đâu là cơ sở cho việc chọn lựa và biểu quyết? Liệu có nên đưa tăng trưởng GDP thành chỉ tiêu pháp lệnh?
Chuyên đề của TBKTSG tuần này sẽ giới thiệu ý kiến của các chuyên gia kinh tế cũng như các đại biểu Quốc hội xoay quanh vấn đề này.
GS.TS. Trần Ngọc Thơ: Quốc hội và GDP
Biết bao tổ chức và các nhà kinh tế trên thế giới đã rất rụt rè và thận trọng khi đưa những dự báo GDP của mình cho dù họ sở hữu trong tay rất nhiều dữ liệu và mô hình dự báo chuyên nghiệp. Họ rụt rè và thận trọng vì không ít lần những dự báo không đúng so với thực tế.
Nói như thế mới thấy, so với thế giới, việc đưa chỉ tiêu GDP ra để Quốc hội cân đong, đo đếm và sau đó bấm nút biểu quyết là một trong những hình ảnh hiếm hoi mà mọi người được chứng kiến ở nghị trường Việt Nam. Người thích thì nói 7%/năm là vừa, người không thích thì gia giảm chút đỉnh, xuống còn 6,5% là hợp lẽ.
Tranh luận và quyết định một chỉ tiêu như GDP mà người trong cuộc ít hiểu biết gì về mô hình để dự báo nó đã là một điều lạ. Nhưng lạ nhất, sau khi thông qua chỉ tiêu GDP hàng năm thì người ta dùng nó để làm gì?
Việc biểu quyết GDP ở Việt Nam vì vậy giống như một cái gì đó thuộc về ý chí chính trị hơn là công việc kỹ năng. Tác động của chúng đến doanh nghiệp, đến thị trường tuy có nhưng không lớn. Doanh nghiệp và thị trường không thể nhìn vào ý chí chính trị của các đại biểu Quốc hội để lên kế hoạch kinh doanh cho riêng mình. Họ chỉ cần những điều cụ thể.
Nếu không tính đến những tổ chức chuyên đưa ra những dự báo như IMF (hay các tổ chức tài chính đầu tư đưa ra dự báo GDP để phục vụ cho khách hàng của mình) thì trong từng quốc gia dự báo GDP được nhìn nhận như thế nào? Rất cụ thể và thiết thực thay vì trừu tượng và mang nặng tính hình thức.
Chẳng hạn, định kỳ hàng quí hoặc cấp thiết hơn khi có một sự cố nào đó, Thống đốc Ngân hàng Trung ương hoặc Bộ trưởng Bộ Tài chính ra điều trần trước một ủy ban kinh tế hoặc ngân sách của quốc hội về những dự báo của mình cho GDP quí sắp đến hoặc cả năm, hoặc lý do vì sao phải điều chỉnh GDP đã dự báo trước đó.
Tiếp theo, Ngân hàng Trung ương hoặc Bộ Tài chính đưa ra những tín hiệu gì để thị trường có thể nắm bắt đường đi sắp tới của chính sách tài khóa và tiền tệ. Nếu ai đã từng theo dõi trực tiếp những phiên điều trần như thế thì sẽ thấy những thông điệp này ngay lập tức tác động đến thị trường. Ngược lại, ở nước ta thì thị trường khá thờ ơ và vô cảm với chỉ tiêu GDP mà Quốc hội biểu quyết.
Có lẽ đã đến lúc chúng ta cũng phải theo thông lệ này. Thay vì đưa ra Quốc hội biểu quyết, thì các vị đứng đầu của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần phải định kỳ giải trình trước Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội về dự báo GDP, lạm phát, thất nghiệp và những thông điệp chính sách kèm theo trong phạm vi quyền hạn của mình để đạt được những mục tiêu chính sách này. Nếu những gì sau các phiên giải trình này được Thủ tướng cam kết điều hành thì tác động lan tỏa của chúng sẽ vô cùng lớn so với cách làm quá xưa cũ hiện nay.
Chuyên gia kinh tế Vũ Quang Việt: Dự báo thay vì đặt chỉ tiêu
Chỉ tiêu tăng GDP hàng năm, thậm chí bình quân năm năm, mang tính pháp lệnh, là điều không có trong bất cứ một nền kinh tế thị trường nào.
Trong cơ chế kinh tế thị trường, nhà nước có nhiệm vụ bảo đảm xây dựng luật pháp minh bạch và nghiêm minh nhằm tạo điều kiện cho người đầu tư thuận tiện làm ăn, tham gia cạnh tranh mà không bị phân biệt đối xử, có ngân sách cân bằng và chính sách tiền tệ phù hợp với sự phát triển để bảo đảm nền kinh tế ổn định, và trên những cơ sở đó người dân tự quyết định về sản xuất.
Tất nhiên, Chính phủ cũng phải nhìn xa, nghiên cứu về hướng và khả năng phát triển của nền kinh tế để có thể có kế hoạch về chi tiêu ngân sách nhằm xây dựng hạ tầng cơ sở đủ sức phục vụ yêu cầu phát triển. Vì vậy, Chính phủ phải dự báo tốc độ tăng trưởng GDP dài hạn, trong đó việc đánh giá sự phát triển của nền kinh tế thế giới và tác động của nó vào nền kinh tế nội địa nhằm đưa ra chính sách phù hợp cũng hết sức quan trọng.
Dự báo không phải là chỉ tiêu quốc hội giao cho chính phủ thực hiện. Dự báo là nhằm giúp chính phủ, và nhất là quốc hội, dự báo thu ngân sách để từ đó quyết định ngân sách chi của chính phủ. Ngân sách chi là luật mà chính phủ bắt buộc phải chấp hành, chứ không thể tùy tiện vượt chi, hoặc tùy tiện chuyển chi từ mục này sang mục khác như ở Việt Nam. Có những lúc cần thiết phải bội chi ngân sách để giải quyết nhu cầu bức bách trong ngắn hạn, nhưng đây là điều quốc hội phải thông qua. Nhiều năm qua, mức bội chi ngân sách ở Việt Nam luôn vượt mức Quốc hội cho phép là điều không thể chấp nhận được.
Trong sự vận hành của một nền kinh tế thị trường như nói ở trên, không ai nói đến chỉ tiêu tăng trưởng GDP. Cái đó không phải là nhiệm vụ của nhà nước.
Chỉ tiêu tăng GDP chỉ có thể vận hành trong một nền kinh tế kế hoạch, phi thị trường. Ở một nền kinh tế hoàn toàn kế hoạch, khi sản xuất không đúng kế hoạch, gây ra thiếu hụt, thì biểu hiện của nó là chất lượng thấp, là gian dối, là phân phối theo định mức chứ không thể biểu hiện qua lạm phát. Ở một nền kinh tế “bán thị trường” như Việt Nam, biểu hiện của nó là lạm phát.
Trong nền kinh tế Việt Nam, cái mà Nhà nước có thể kiểm soát được phần nào là khu vực quốc doanh và phần này khá lớn.
Đầu năm, theo chỉ tiêu tăng GDP đặt ra, Chính phủ phân phối ngân sách đầu tư, thường là dựa theo các hệ số trong quá khứ. Tình hình thực tế là khu vực kinh tế quốc doanh này ngày càng giảm chất lượng, nên tỷ lệ đầu tư trên GDP ngày càng tăng, và để đạt tốc độ tăng GDP như cũ (thí dụ 7%) thì định mức đầu tư từ ngân sách phải tăng, và do thiếu ngân sách chính quyền phải ra lệnh cho ngân hàng quốc doanh cung cấp tín dụng.
Khi đến những tháng cuối năm, khả năng đạt chỉ tiêu đuối dần thì Chính phủ ra lệnh tăng tốc cấp tín dụng, thúc đẩy xây dựng (bất kể chất lượng) nhằm đạt chỉ tiêu cho kịp báo cáo cuối năm. Thế là vừa tạo ra lạm phát cao vừa đạt chất lượng thấp, vừa làm xong đã hỏng.
Những năm qua, các nhà điều hành kinh tế càng cố đạt chỉ tiêu GDP thì càng tạo ra lạm phát và chất lượng tăng trưởng càng đi xuống. Đôi khi, chỉ tiêu cũng không thực hiện được, Chính phủ và Quốc hội lại du di với nhau, giữa chừng phải hạ chỉ tiêu. Người được hưởng lợi nhiều nhất từ việc này là các tập đoàn và địa phương nhận dự án đầu tư của Nhà nước.
Cho nên giải pháp cho vấn đề hiện nay là khá rõ mặc dù không dễ thực hiện. Hãy nhìn về dài hạn để dự báo thay vì đặt chỉ tiêu hàng năm. Dù định hướng thế nào thì chi tiêu ngân sách phải cân bằng để nền kinh tế có thể phát triển trong ổn định. Như thế ngân sách chi phải là luật, Chính phủ đề nghị ngân sách; Quốc hội không chỉ quyết định tổng mức chi tối đa mà còn quyết cả từng các khoản chi và có ủy ban theo dõi ngăn chặn và xử lý việc vi phạm. Ngoài ra, các khoản chi tiêu thực hiện cũng cần được công bố chi tiết để nhân dân theo dõi, trừ những phần liên quan đến an ninh quốc phòng. Cũng có thể có những điều chỉnh chi bất thường, nhưng phải thông qua Quốc hội.
Khi GDP tăng thấp thì nên xem xét các chính sách hiện hành, đánh giá xem chúng có hỗ trợ sự vận hành của người sản xuất trong nền kinh tế không chứ không phải lại điều chỉnh chi tiêu và tín dụng nhà nước nhằm đạt chỉ tiêu.
Ông Đinh Tuấn Minh: Không nên tự trói mình vào quá nhiều mục tiêu
Tôi cho rằng Chính phủ không nên tự trói mình vào quá nhiều mục tiêu trong khi các công cụ chính sách là hữu hạn. Chính phủ nên ưu tiên đặt kế hoạch hoặc mục tiêu đối với một số ít biến vĩ mô quan trọng mà Chính phủ thực sự có lợi thế trong việc thực hiện.
Có hai biến vĩ mô như vậy. Thứ nhất là tỷ lệ lạm phát hàng năm. Thứ hai là mức thâm hụt ngân sách. Hai mục tiêu này có thể được thực hiện thông qua hai công cụ là chính sách tiền tệ và kế hoạch tài khóa.
Dựa trên hai kế hoạch và mục tiêu trên, Chính phủ có thể tính toán đến các mục tiêu thứ cấp khác như tăng trưởng kinh tế, cán cân thương mại, cán cân thanh toán, tỷ giá...
Cần lưu ý rằng tăng trưởng kinh tế là một biến số quan trọng, nhưng trên thực tế, việc kiểm soát biến số này không phải là lợi thế tương đối thật sự của Chính phủ.
Trong một nền kinh tế thị trường, tăng trưởng kinh tế ngày càng ít phụ thuộc vào chi tiêu chính phủ. Khu vực doanh nghiệp nhà nước cũng không còn là bệ đỡ cho sự tăng trưởng. Tuy nhiên, Chính phủ có thể tính toán và ước lượng con số này một cách khách quan dựa trên các dự báo có chất lượng.
Con số tăng trưởng GDP dự báo của Chính phủ có thể là thông tin định hướng tốt cho các kế hoạch khác của các cơ quan khác nhau trong bộ máy nhà nước. Các tác nhân kinh tế cũng có thể tham khảo để đưa ra các quyết định kinh doanh. Hàng quí, dựa trên các thông tin mới xuất hiện, Chính phủ có thể điều chỉnh dự báo về tăng trưởng kinh tế tương tự các tổ chức tài chính thường làm hiện nay.
Trong khi đó, Chính phủ lại có đủ công cụ cần thiết để kiểm soát lạm phát và cân đối ngân sách.
Nếu giả sử Chính phủ đạt được hai mục tiêu này, chẳng hạn duy trì lạm phát dưới 5% và thâm hụt ngân sách dưới 3%, các doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ yên tâm bỏ vốn đầu tư vào Việt Nam vì mức lãi suất trong nền kinh tế sẽ ổn định trong dài hạn.
Một khi các doanh nghiệp sẵn sàng bỏ vốn kinh doanh trong dài hạn, tăng trưởng kinh tế chắc chắn sẽ khởi sắc. Nói cách khác, bằng cách hướng vào mục tiêu kiểm soát lạm phát và thâm hụt ngân sách, Chính phủ vẫn có thể giúp nền kinh tế đạt được tăng trưởng cao và bền vững mà không cần thiết phải đặt ra mục tiêu này.
tbktsg
|