Thứ Tư, 02/11/2011 22:28

Lựa chọn phương thức để tái cơ cấu đầu tư công

Đầu tư công đang trở thành đề tài được quan tâm trong thời gian qua tại Việt Nam, đặc biệt khi câu chuyện nợ công của châu Âu vẫn đang rất nóng hiện nay.

Theo tính toán, khi đầu tư công vẫn đang ở mức cao sẽ khiến nợ công của Việt Nam có xu hướng vượt khỏi ngưỡng an toàn trong thời gian tới. Vì vậy, việc thực hiện tái cơ cấu đầu tư công sẽ không chỉ giúp triển khai hiệu quả nguồn lực này mà còn góp phần tránh được những hệ lụy trong tương lai.

Đầu tư công tỷ lệ thuận nợ công?

Theo thống kê trong giai đoạn 2001-2005, tổng lượng vốn dành cho đầu tư công của Việt Nam vào khoảng 286.000 tỷ đồng, chiếm 23% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Giai đoạn 2006-2010 con số này tăng lên 739.000 tỷ đồng, chiếm trên 24% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Song song với đó, nợ công của Việt Nam cũng có xu hướng tăng.

Chỉ tính riêng nợ nước ngoài, theo số liệu công bố của Bộ Tài chính, năm 2005 là 14.208 triệu USD, tương đương 32,2% GDP, năm 2009 là 27.929 triệu USD, tương đương 39%, mỗi năm tăng bình quân 18,5%. Năm 2010, nợ chính phủ tương đương 44,5% GDP và nợ công bằng 56,7% GDP.

Xét về cơ cấu thì khu vực kinh tế nhà nước chiếm tỷ lệ lớn trong tổng đầu tư toàn xã hội, mặc dù vốn đầu tư cho khu vực này đã giảm từ 59,1% vào năm 2000 xuống còn 33,9% năm 2008. Năm 2010 tỷ trọng đầu tư cho khu vực này lại có xu hướng tăng và chiếm lớn nhất trong tổng đầu tư toàn xã hội với 38,1%.

Tiến sỹ Vũ Tuấn Anh, Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá, trong 10 năm qua, các khoản đầu tư công được định hướng tập trung vào việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, cải thiện các điều kiện xã hội, môi trường và dành một phần vốn đầu tư cho các doanh nghiệp nhà nước. Các định hướng sử dụng đầu tư công này nhìn chung là đúng.

Tuy nhiên, với việc “phân cấp trắng” cho các địa phương là nguyên nhân quan trọng gây nên tình trạng đầu tư dàn trải, chồng chéo, công trình thi công chậm, thiếu đồng bộ, sản phẩm dở dang nhiều, và rút cục là hiệu quả đầu tư công hiện nay thấp ở các ngành và các địa phương.

Mặt khác, khi đánh giá kết quả của đầu tư công, thường dẫn ra những bằng chứng về số lượng các công trình đã xây dựng, năng lực sản xuất và dịch vụ đã tăng lên. Song, theo tiến sỹ Vũ Tuấn Anh, đánh giá hiệu quả của đầu tư công đòi hỏi không chỉ đo đếm được số lượng những kết quả đạt được, mà còn phải xem xét mối tương quan về lượng giữa vốn đã bỏ ra và kết quả đạt được.

Do đó, việc tìm hiểu thực trạng hiện nay về đầu tư công của Việt Nam xét theo yêu cầu chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng trở thành một yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Phương thức nào tái cơ cấu đầu tư công?

Doanh nghiệp nhà nước hiện đang nắm giữ phần quan trọng nguồn lực kinh tế quốc gia, nhưng hoạt động chưa thực sự hiệu quả, điều này kéo theo chất lượng của đầu tư công giảm.

Vì vậy, theo giáo sư-tiến sỹ khoa học Nguyễn Quang Thái, cần cương quyết thực hiện việc sắp xếp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước như đang triển khai. Chấm dứt tình trạng đầu tư ngoài ngành, hoàn thiện thể chế quản lý doanh nghiệp nhà nước. Bên cạnh đó, cũng cần phải giảm cả quy mô và tỷ trọng của đầu tư công trong nền kinh tế xuống chỉ còn chiếm dưới mức 30% tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội để nguồn vốn này tập trung hơn vào các nhiệm vụ chính...

Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách - Trường Đại học Quốc gia Hà Nội phân tích, đầu tư công ảnh hưởng tới đầu tư của khu vực tư nhân theo nhiều kênh khác nhau. Nếu đầu tư công có tính bổ trợ cho đầu tư tư nhân sẽ thúc đẩy cho nhóm này phát triển. Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra nếu đầu tư công tạo ra được các hiệu ứng lan tỏa đối với nền kinh tế. Doanh nghiệp tư nhân sẽ thu được lợi nhuận cao hơn khi có đầu tư công, và do vậy, thúc đẩy đầu tư tư nhân.

Cũng theo phân tích của tiến sỹ Nguyên Đức Thành, đầu tư công có thể dẫn đến hiện tượng chèn ép đầu tư tư nhân nếu như nó cạnh tranh nguồn lực với đầu tư tư nhân. Khả năng chèn ép đầu tư tư nhân sẽ lớn nếu như đầu tư công được thực hiện bởi các doanh nghiệp nhà nước hoặc thông qua hình thức doanh nghiệp nhà nước. Dịch vụ cung cấp từ khu vực doanh nghiệp nhà nước sẽ cạnh tranh với khu vực tư nhân, làm giảm động cơ tham gia đầu tư của khu vực tư nhân. Vì vậy, cần xây dựng một lộ trình vững chắc nhằm thu hẹp khu vực doanh nghiệp nhà nước đồng thời, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng thông qua giảm đặc quyền của doanh nghiệp nhà nước, cụ thể là nâng cao trách nhiệm giao nộp lợi nhuận của doanh nghiệp nhà nước.

Theo giáo sư-tiến sỹ khoa học Nguyễn Quang Thái, việc sửa Luật Ngân sách, ban hành Luật Đầu tư công, tiến tới Luật Ngân sách hàng năm, gắn với các chương trình dự án lớn, được cân đối liên hoàn theo phương pháp chi tiêu trung hạn cũng là một trong những việc cần làm để kiểm soát việc đầu tư công.

Ngoài ra, theo nhiều ý kiến, việc hoàn thiện lĩnh vực đầu tư công, đảm bảo sử dụng đầu tư công hiệu quả đòi hỏi phải có tầm nhìn chiến lược, xuất phát từ lợi ích cao nhất của quốc gia, có chiếu cố tới các đặc điểm đặc thù và lợi thế so sánh của từng địa phương./.

Quang Toàn

Vietnam +

Các tin tức khác

>   Lâm Đồng: Doanh nghiệp FDI lỗ ảo (02/11/2011)

>   Xử lý những yếu kém trong đầu tư công: Cần thống nhất vào một đầu mối (02/11/2011)

>   Nhật cấp tiếp 1,2 tỷ USD vốn ODA cho Việt Nam (02/11/2011)

>   Đầu tư công: Càng hoành tráng, càng nhiều hoa hồng (02/11/2011)

>   Hà Nội: Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu tăng 27% (01/11/2011)

>   Dự báo kiều hối đạt kỷ lục 8,5 tỉ đô la Mỹ (01/11/2011)

>   Minh bạch hơn - khởi đầu để tái cấu trúc (01/11/2011)

>   Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ vốn ODA cho Việt Nam (31/10/2011)

>   Dàn trải đầu tư công (30/10/2011)

>   Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 tiếp tục kỳ vọng giảm (28/10/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật