Minh bạch hơn - khởi đầu để tái cấu trúc
Tái cấu trúc là một công việc không hề dễ dàng ngay cả khi chỉ là những thay đổi trên bề nổi. Tái cấu trúc phần căn bản của hệ thống (phần chìm của tảng băng) còn khó khăn hơn nhiều. Điều kiện tiên quyết để thay đổi hiệu quả là cần phải làm cho phần chìm của tảng băng nhô lên trên mặt nước.
Thời gian gần đây, thuật ngữ "tái cấu trúc nền kinh tế" được nhắc đi nhắc lại một cách liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như các diễn đàn. Ở đó các câu hỏi từ đâu, như thế nào, làm cái gì... cũng được đặt ra với tần suất cao, nhưng có vẻ câu trả lời vẫn chưa có. Có ý kiến cho rằng cần cắt giảm đầu tư công, có ý kiến lại yêu cầu bán bớt doanh nghiệp nhà nước (DNNN), lại có ý kiến đề xuất những thay đổi ở cấp cao hơn như vấn đề thể chế... Thậm chí, có chuyên gia cho rằng việc tái cấu trúc phải bắt đầu từ chính khả năng tiến hành tái cấu trúc của nhà nước. Liệu những cách tiếp cận này có giải quyết được vấn đề và còn có cách tiếp cận nào khác cho việc tái cấu trúc?
Thay đổi từ trên
Nếu định nghĩa một cách đơn giản tái cấu trúc nền kinh tế là sự thay đổi lớn, sâu rộng về các chính sách liên quan đến cơ cấu của nền kinh tế, bao gồm cả thành phần và thị trường, thì phải hiểu rằng tái cơ cấu là những thay đổi ở tầng trên.
Theo định nghĩa đó, chúng ta đã chứng kiến ít nhất một lần tái cơ cấu lớn và một vài lần tái cơ cấu ở qui mô nhỏ hơn trong thời gian gần đây. Lần tái cơ cấu lớn vẫn được chúng ta nhắc đến với thuật ngữ "Đổi Mới", diễn ra năm 1986. Đây là sự đổi mới toàn diện về tư duy phát triển nền kinh tế, với sự chuyển đổi từ mô hình kinh tế bao cấp tập trung do nhà nước quản lý sang mô hình kinh tế nhiều thành phần.
Khác với bối cảnh năm 1986 khi nền kinh tế đang trì trệ, lần tái cơ cấu sau lại diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế của chúng ta đầy triển vọng. Đó là việc hình thành hàng loạt tập đoàn trên cơ sở lắp ghép các DNNN trong khoảng 2005-2008. Ngay sau giai đoạn đó là thời kỳ khủng hoảng kinh tế kéo dài đến tận thời điểm hiện nay. Nếu xâu chuỗi các sự kiện thì nhiều người cho rằng DNNN có liên quan đến khủng hoảng và cần tái cơ cấu khu vực này ngay lập tức. Điều này có thể không sai, tuy nhiên với cùng một tư duy cũ (thay đổi thứ tự ưu tiên cho các thành phần kinh tế, thị trường...) liệu những giải pháp tức thời này có làm cho lịch sử lặp lại với cùng một vấn đề hay vấn đề mới trong một lĩnh vực mới.
Khách quan mà nói, cuộc khủng kinh tế lần này (từ năm 2008) bắt đầu từ Mỹ, nước có nền kinh tế được coi là tự do nhất, sau sự sụp đổ của một loạt ngân hàng, các định chế tài chính. Đây có thể là cơ sở để nhiều người cho rằng, sự trì trệ hay khủng hoảng của nền kinh tế không chỉ do thành phần kinh tế nhà nước gây ra.
Thực tế, kinh tế ngoài nhà nước cũng đã có giai đoạn phát triển rực rỡ cùng với sự đi lên của thị trường chứng khoán. Nhiều người có thể không tin tưởng khi nhà nước dùng tiền thuế của mình cho các DNNN kinh doanh, nhưng họ đã tin vào các chủ doanh nghiệp cổ phần với niềm tin những người chủ này cũng chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh. Tuy nhiên suy thoái trầm trọng kéo dài nhiều năm nay cho thấy niềm tin của nhiều người đã không đặt đúng chỗ. Điều đó cho thấy rằng một khi không có niềm tin vào các giá trị hiện tại sẽ không có cơ hội cho bất kỳ sự phát triển nào.
Hãy thay đổi từ phía dưới
Thực ra khi kêu gọi những thay đổi từ trên hay trên cao hơn nữa, người ta thường nhìn vào cấu trúc cấp bậc của một hệ thống. Trong khi đó, với đặc thù của riêng, khi phát biểu nhiều nhà quản lý dường như còn e dè khi đề cập đến một khía cạnh của hệ thống. Điều này càng làm cho người khác nghĩ rằng các biện pháp tái cấu trúc hiện nay chưa thực sự động chạm đến khu vực cần tái cấu trúc. Nếu coi tái cấu trúc ở quy mô ngành nghề là chưa đủ cao, cần có tái cấu trúc ở cấp độ chiến lược, chính sách của chính phủ. Vậy cấp cao hơn chính phủ là cấp nào? Đó chẳng phải là người dân sao, vì chính phủ nào chẳng phải là chính phủ của dân. Nếu cứ tiếp tục tranh luận thì chẳng khác câu chuyện "Trời sợ ai".
|
Do đó, muốn biết tái cấu trúc cần bắt đầu từ đâu, chúng ta phải có một cách nhìn khác về cấu trúc của các hệ thống nói chung trong đó có hệ thống kinh tế của một quốc gia. Trong cách nhìn mới này, người ta coi tổ chức giống như một tảng băng trôi trên đại dương. Từ phía ngoài, chúng ta thường chỉ nhìn thấy phần nổi trên mặt nước của tảng băng. Phần này đại diện cho phần trên của hệ thống như tầm nhìn, chiến lược, mục tiêu, cấu trúc, hệ thống... Do dễ nhìn thấy nên mỗi khi cần thay đổi người ta lại nghĩ đến việc tác động vào các yếu tố này. Tuy nhiên, các yếu tố này lại có đặc tính không cụ thể nên dễ bị diễn giải theo các cảm nhận cá nhân hoặc sự tác động bên ngoài.
Chẳng hạn như khi chúng ta xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020, đã có nhiều ý kiến đòi hỏi không đưa định hướng "kinh tế nhà nước là chủ đạo" vào trong dự thảo, thì có ý kiến cho rằng "kinh tế nhà nước" không thể hiểu đơn thuần là các doanh nghiệp nhà nước mà gồm nhiều nguồn lực khác. Những nỗ lực thay đổi phần ngọn đó thường không tạo ra sự đồng thuận do phần nhiều là thay đổi về câu chữ.
Trở lại với hình ảnh tảng băng trôi, phần nằm dưới nước, không nhìn thấy mới là phần chính của tảng băng này. Phần này đại diện cho mục đích, giá trị, niềm tin, văn hóa... của hệ thống và là phần khó có thể thay đổi nếu chỉ có những tác động hời hợt. Tuy nhiên, nếu phần dưới của tảng băng của tảng băng này không thay đổi thì sẽ không có sự thay đổi của cả hệ thống. Câu chuyện khủng hoảng năm 2008 nêu trên đã chứng minh một khi không có niềm tin, các giá trị không được tôn trọng thì mô hình kinh tế nào cũng gặp khủng hoảng.
Do đó, để thay đổi, trong Diễn văn khai mạc Đại hội VI, cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã không đơn giản kêu gọi thay đổi thành phần kinh tế như chúng ta thường nghĩ về "đổi mới" mà ông nói: "Chỉ có đổi mới, thì mới thấy đúng và thấy hết sự thật, thấy những nhân tố mới để phát huy, những sai lầm để sửa chữa... Muốn thế phải đấu tranh chống cái cũ, chống bảo thủ trì trệ, chống giáo điều rập khuôn, chống chủ quan nóng vội, chống tha hóa biến chất, chống những thói quen lỗi thời, dai dẳng. Đây là cuộc đấu tranh gian khổ diễn ra trên mọi lĩnh vực và bản thân mỗi người chúng ta".
Tổng thống Mỹ B. Obama khi phát biểu trước hai viện vào đầu năm 2009 (sau khủng hoảng) cũng thừa nhận khủng hoảng không xảy ra một sớm một chiều. Giải pháp cho vấn đề khủng hoảng cũng nằm ngay trong tầm tay của dân Mỹ, chúng tồn tại trong trường đại học và các phòng thí nghiệm của chúng ta, trên cánh đồng và nhà máy của chúng ta, trong trí tưởng tượng của các thương nhân và niềm tự hào của giai cấp công nhân trên trái đất này.
Tái cấu trúc là một công việc không hề dễ dàng (nếu không đã không tốn nhiều giấy mực như thế) ngay cả khi chỉ là những thay đổi trên bề nổi. Tái cấu trúc phần căn bản của hệ thống (phần chìm của tảng băng) còn khó khăn hơn nhiều. Để thay đổi cần có nhiều giải pháp đồng bộ, và phần nhiều cũng đã được nhắc đến. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết cho việc thay đổi có hiệu quả là cần phải làm cho phần chìm của tảng băng nhô lên trên mặt nước. Nước đại diện cho điều gì trong hệ thống? Phải chăng nó thể hiện cho sự thiếu minh bạch, thiếu rõ ràng?. Nâng cao tính minh bạch trong hệ thống có phải là sự khởi đầu cho mọi thay đổi?
Bùi Minh Khuê
Diễn đàn kinh tế Việt Nam
|