Nợ công châu Âu tác động xấu đến Việt Nam
Triển vọng tăng trưởng kinh tế ở các nước đang phát triển và mới nổi nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng, do sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Tốc độ phục hồi kinh tế chậm, nguy cơ suy thoái, khu vực tài chính nhiều bất ổn là đặc điểm chính của kinh tế thế giới trong 1-2 năm tới. Liều thuốc "kích cầu" quen thuộc thông qua việc bơm tiền vào nền kinh tế với trọng tâm là khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt tại Mỹ, không đưa lại kết quả trông đợi.
Dòng vốn đầu tư giảm
Nguyên nhân chủ yếu cho tình trạng ảm đạm trên là giao dịch thương mại quốc tế và dòng vốn đầu tư xuyên quốc gia sẽ giảm đáng kể, khi hai khu vực kinh tế đầu tầu (Mỹ và EU) còn chưa tìm được lời giải cho bài toán tăng trưởng và khủng hoảng nợ công trong điều kiện eo hẹp về ngân sách hiện nay. Các điều kiện tài chính xấu đi, chính sách tài khóa (đặc biệt là đề xuất của Chính phủ TT Obama về thuế thu nhập đối với người có thu nhập trên 1 triệu USD) đi vào ngõ cụt do bất đồng ý kiến giữa các đảng phái chính trị, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và thị trường nhà đất ngày càng suy yếu.
Ở châu Âu, nợ xấu và nguy cơ lan truyền ở khu vực đồng euro cao, việc tái cấu trúc nợ công ở Hy Lạp và tái cơ cấu vốn của các ngân hàng ở một số nước như Pháp, Đức, Italy chỉ còn là vấn đề thời gian. Hậu quả nặng nề từ thiên tai (động đất và sóng thần tại Nhật Bản), biến động không ngừng của giá nguyên vật liệu sản xuất do tình trạng bất ổn chính trị - xã hội ở Bắc Phi và Trung Đông cũng tác động tiêu cực đến đà phục hồi kinh tế.
Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu
Kinh tế thế giới suy giảm sẽ đưa đến tác động tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng ở các nền kinh tế đang phát triển, do hầu hết các nước này phụ thuộc vào xuất khẩu. Ảnh hưởng xấu có thể lan tỏa qua ba kênh chính: Sự lây lan bất ổn tài chính là mối đe dọa chủ yếu. Nợ xấu trong bảng tài sản của các ngân hàng trong khu vực đồng euro, biến động thất thường của thị trường tài chính có thể đưa đến cắt hoặc giảm đầu tư từ các nước phát triển đến các nước đang phát triển.
Kênh thứ hai là tăng trưởng yếu và thực thi chính sách thắt chặt chi tiêu ngân sách, hạn chế tăng trưởng tín dụng ở cả Mỹ và các nước phát triển châu Âu sẽ đưa đến cắt giảm viện trợ và nhu cầu hàng hóa nhập khẩu từ các nước đang phát triển.
Cuối cùng, biến động tỷ giá hối đoái euro/USD và đặc biệt là sự suy yếu của đồng euro là yếu tố bất lợi làm giảm khả năng cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu được tính giá bằng USD.
Mức độ ảnh hưởng khác nhau tùy thuộc vào mức độ hội nhập. Các nước chịu ảnh hưởng lớn nhất là các nước có tỷ trọng giao dịch thương mại lớn với Mỹ và châu Âu. Đối với Việt Nam, ảnh hưởng xấu từ sự suy yếu của kinh tế Mỹ là có thể nhìn rõ nhất vì quốc gia này là đối tác thương mại hàng đầu của nước ta, chiếm khoảng 20% tổng giá trị xuất khẩu, đặc biệt là hàng dệt may. Diễn biến kinh tế của Trung Quốc, xuất khẩu giảm và nguy cơ đổ vỡ thị trường bất động sản vốn đang quá nóng cũng có thể đưa đến những tác động bất lợi.
Đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu thông qua thúc đẩy quan hệ mậu dịch, đặc biệt trong khối các nước ASEAN, là một giải pháp thích hợp trong thời điểm hiện nay. Ngoài ra, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án hợp tác nhà nước – tư nhân (PPP) cũng giúp huy động vốn bù đắp thiếu hụt từ đầu tư nước ngoài, đồng thời tránh phải tăng vay nợ công.
PGS.TS Nguyễn Đức Khương (Học viện Thương mại Paris, Pháp)
đất việt
|