Thứ Năm, 27/10/2011 13:57

Kiềm chế lạm phát và “áp lực” của Quốc hội

CPI tăng 10% được dự kiến cho năm 2012 so với nhiều nước cũng là cao lắm rồi, nên đây là chỉ tiêu mà Quốc hội phải gây “áp lực” để Chính phủ kiên định mục tiêu kiềm chế lạm phát…

Đã có những nhận định lạc quan hơn về khả năng kiềm chế lạm phát so với trao đổi với VnEconomy tại kỳ họp Quốc hội thứ nhất, song TS. Trần Hoàng Ngân, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Tp.HCM, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, đại biểu Quốc hội Tp.HCM (ảnh) cho rằng, lạm phát cao có thể quay đầu lại bất cứ lúc nào.

Thưa ông, tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa 13, nhiều vị đại biểu rất sốt ruột khi kết quả kiềm chế lạm phát chưa được như mong muốn. Riêng ông đề nghị Chính phủ cam kết với dân là dứt khoát phải kiểm soát được lạm phát. Chắc hẳn từ đó đến nay ông luôn theo sát vấn đề này?

8 tháng qua, Nghị quyết 11 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội đã đi vào cuộc sống. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 là 0,93%, tháng 9 còn 0,82% còn tháng 10 chỉ vào khoảng 0,4%, từ đó cho thấy tốc độ tăng giá đã giảm dần. Như vậy, Chính phủ đã thực hiện được việc kiềm chế lạm phát.

Tuy nhiên dấu hiệu này chưa thật bền vững bởi vì nó có thể quay đầu lại bất cứ lúc nào, tức là với yếu tố kiểm soát giá chúng ta chưa có quy định mạnh mẽ hơn trong xử lý. Vì thế chỉ cần giá xăng dầu thế giới tăng, mình điều chỉnh giá xăng lên thì giá cả lại tăng trở lại. Giá điện chỉ cần điều chỉnh thì ngay lập tức có hiệu ứng dimono đến các loại giá khác, và giá cả lại tăg trở lại.

Hay chỉ số giá lương thực thực phẩm, với tình hình thiên tai, giá xuất khẩu gạo của Thái Lan lên tới 20 – 30%. Nếu giá xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng, giá thu mua sẽ tăng, như vậy nhóm lương thực thực phẩm có khả năng lại tăng giá trở lại.

Việc kiềm chế lạm phát đã đúng hướng nhưng vẫn chưa có giải pháp đồng bộ và cụ thể. Rõ nhất là ở hệ thống phân phối, nếu nhà nước không tham gia vào cái trục ở giữa người sản xuất đến người tiêu dùng, bỏ lỡ không kiểm soát khâu trung gian thì giá cả tiêu dùng sẽ bị chi phối bởi thương lái.

Vai trò các doanh nghiệp nhà nước hiện nay mình không thấy, còn các siêu thị chủ yếu là nhận hàng bán chứ không triển khai kênh thu mua đến tận khu vực chăn nuôi, trồng trọt nên khâu trung gian làm tăng chi phí.

Như vậy những yếu tố cấu thành lên chỉ số tăng giá tiêu dùng hiện nay còn bỏ ngỏ, chỉ lo thắt chặt chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

Bên cạnh đó là yếu tố tỷ giá, nếu nhập siêu vẫn diễn ra như vậy thì yếu tố tỷ giá lại tiếp tục đe dọa nữa, mà tỷ giá là yếu tố tác động rất mạnh tác động đến lạm phát ở Việt Nam mình. Nếu tỷ giá có sự thay đổi  từ nay đến cuối năm thì lạm phát rất có khả năng bùng trở lại.

Nên, nếu chỉ đơn giản là thắt chặt tài khóa và tiền tệ thì chưa thể kiềm chế lạm 1 cách phát bền vững nhất.

Báo cáo của Chính phủ dự kiến lạm phát năm nay sẽ khoảng 18%, song nhiều dự báo cho rằng có khả năng cao hơn. Quan điểm của ông thế nào?

Bây giờ thì 17 hay 18, 19% đi nữa thì cũng không đạt được chỉ tiêu do Quốc hội đề ra, vấn đề là phải nhìn thời gian tới, phải nhìn trong trung và dài hạn. Bệnh lạm phát đã thẩm thấu nền kinh tế trong nhiều năm nên phải dùng toa thuốc hết sức dài hạn, uống thuốc này phải trường kỳ và phải có lộ trình.

Phải làm sao để các chợ, các cửa hàng đều niêm yết giá và chấp hành giá niêm yết, làm sao để dân mua hàng có biên lai, có hóa đơn, thể hiện trách nhiệm của mình với đất nước về nghĩa vụ thuế. Điều quan trọng là làm sao để dân thấy rằng, tôi là người đóng góp cho ngân sách và ngân sách phải minh bạch, các bộ phận hành chính công phải phục vụ tôi.

Tôi mua hàng minh bạch về mặt thuế, thì tôi sẽ cùng chính phủ kểm soát giá cả, tôi sẽ lấy biên lai. Người bán và mua hàng đều phải hiểu là cần có trách nhiệm chung với đất nước chứ chỉ đơn thuần hô hào mà không đi vào cái gốc của hệ thống bán lẻ về kiểm soát giá thì sẽ làm nền kinh tế mỏi mệt thêm mà thôi.

Với trình độ quản lý và dân trí hiện nay thì việc áp dụng các giải pháp như ông nói liệu có khả thi, thưa ông?

Thì chính bởi trình độ hiện nay đòi hỏi cần phải có thời gian nên mới phải tính đến việc tiến hành giải pháp trung và dài hạn. Làm sao phải xây dựng được hệ thống bán lẻ, đưa hệ thống siêu thị từ những siêu thị lớn, siêu thị mini đến cửa hàng bán lẻ cùng song hành định hướng với thị trường bán lẻ trong nước. Bởi vì hiện nay mạng lưới bán lẻ có tổ chức và quản lý giá chặt chẽ mới chiếm 10% trong doanh thu bán lẻ cả nước thôi.

Với mức lạm phát năm nay khoảng 18% (theo giả thiết mục tiêu của Chính phủ thành hiện thực), và “toa thuốc” thì phải uống trường kỳ thì liệu mục tiêu kiểm soát lạm phát năm sau dưới 10% có khả thi không, thưa ông?

Đây là chỉ tiêu mà Quốc hội phải gây áp lực đến chính phủ là phải thực hiện kiên định nghị quyết 11, tức là phải đẩy mạnh kiềm chế lạm phát vì 10% là cao rồi, các nước khác như Thái Lan, Malaysia chỉ  3 – 4% thôi.

Do đó lộ trình giảm lạm phát của ta cũng từ từ, từ 10 đến 9 đến 8% và 5 năm sau mới 5% nên quá trình này là dài hạn. Mình không thể giống Thái Lan hay Malaysia là có ngay năm nay chỉ còn từ 3 đến 4% mà phải 4 đến 5 năm mới về mức 5%.

Theo quan điểm của ông tại kỳ họp thứ nhất thì kiềm chế lạm phát phải được ưu tiên hàng đầu trong điều hành, và Chính phủ cần xem đó là một cam kết trong nhiệm kỳ mới. Song trên thực tế thì không phải năm nay lạm phát mới vượt xa con số mà Quốc hội đã quyết…

Hôm trước tôi đã phát biểu như thế và bây giờ thì bạn thấy rồi đó, các thành viên chính phủ đang xắn tay vào việc, đang lao vào kiềm chế lạm phát. Nếu lạm phát vẫn cao do nguyên nhân chủ quan, do điều hành kém thì các đại biểu Quốc hội sẽ thể hiện trách nhiệm của mình qua biểu quyết miễn nhiệm chẳng hạn.

Còn nếu do khách quan, do tác động bên ngoài, là tác động chung của nền kinh tế thì sẵn sàng chia sẻ với chính phủ. Tôi mong là cái gì đại biểu và các nhà nghiên cứu đã đóng góp thì Chính phủ phải nghiên cứu để triển khai thực hiện kiềm chế lạm phát cho hiệu quả.

Thời gian qua thì Bộ Tài chính đã có văn bản thể hiện quyết tâm kiềm chế lạm phát, Ngân hàng Nhà nước cũng đang thực hiện chính sách tiền tệ hết sức là chặt chẽ. Song theo tôi Bộ Công Thương cần quyết liệt hơn trong kiểm soát, quản lý thị trường, đảm bảo cung cầu.

Ở đây đòi hỏi sự đồng bộ để các doanh nghiệp dân doanh, các thành phần kinh tế trong nước có điều kiện tạo ra của cải xã hội cung cấp cho thị trường trong nước, tránh cú sốc bên ngoài. Nếu giảm độ mở của nền kinh tế Việt Nam thì khả năng kiểm soát lạm phát sẽ tốt. Còn nếu độ mở quá lớn, lệ thuộc quá lớn thì sẽ gia tăng áp lực về giá. Nên tôi nghĩ yếu tố quan trọng nhất là kiểm soát giá, còn giải pháp trung và dài hạn là chính sách tài khóa tiền tệ thắt chặt và chặt chẽ trong giám sát chi tiêu.

Vẫn câu chuyện về lạm phát, ông có nói đại biểu Quốc hội sẵn sàng chia sẻ với Chính phủ. Ở phiên thảo luận đầu tiên (tại tổ) về kinh tế xã hội năm 2011 tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa mới, ông cũng đã dành tới 40 phút để nói sâu, nói kỹ về lạm phát, để giúp các đại biểu không có điều kiện nghiên cứu về lĩnh vực này hiểu sâu hơn. Song khi thảo luận tại hội trường vẫn có một số ý kiến đại biểu khiến cử tri hoài nghi về quyết tâm kiềm chế lạm phát?

Quốc hội mình có đến 500 đại biểu mà, nên quyết định của Quốc hội là quyết định thông qua tính tập thể. Tôi nghĩ mỗi đại biểu có 1 chuyên môn thì phát biểu trong chuyên môn của mình, còn một số cái hiểu sai về từ ngữ thì cũng là lỗi lầm bình thường không có vấn đề gì lớn cả. Ở đây là thể hiện tâm huyết và đánh giá cao ở cái tâm huyết của đại biểu, tích cực trong phát biểu là cần thiết.

Nhưng cũng đừng bị áp lực mình cứ là đại biểu là phải phát biểu, đừng bị áp lực vấn đề đó, nhiều đại biểu vẫn bị cái áp lực đó. Theo tôi nghĩ không phải cứ phát biểu mới là đóng góp, mà  thì phải mà tăng cường vai trò giám sát, làm sao để chính sách đồng thuận và đi vào cuộc sống thì mới quan trọng.

Nguyên Thảo

TBKTVN

Các tin tức khác

>   Đằng sau nghĩa vụ trả nợ và nợ tư (27/10/2011)

>   Nhịn ăn để... đầu tư công? (27/10/2011)

>   Quản lý đầu tư công: Đặt hiệu quả lên trên hết (27/10/2011)

>   Quốc hội 'soi' các chỉ tiêu và kế hoạch kinh tế xã hội (27/10/2011)

>   Trảm dự án "ba không" và "thiết quân luật" đầu tư (27/10/2011)

>   Kiểm soát lạm phát bằng cách nào? (27/10/2011)

>   Đà Nẵng: Thu hồi dự án triệu đô (26/10/2011)

>   Đang có sự dịch chuyển vốn FDI vào Việt Nam (26/10/2011)

>   Kinh tế 10 tháng có nhiều chuyển biến tích cực (26/10/2011)

>   Trần nợ công là bao nhiêu? (26/10/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật