Kịch bản kinh tế 2012: Chưa mang tính hành động
Kịch bản kinh tế nước ta 2012 do Bộ KHĐT công bố mới đây nhận nhiều phản hồi trái chiều. Thay vì tán thành những chỉ tiêu lạc quan trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều quan điểm của chuyên gia và cơ quan nghiên cứu kinh tế cho rằng cần nhìn nhận rõ nét hơn những đường đi nước bước của Chính phủ.
Vấn đề này được mổ xẻ tại cuộc toạ đàm hoạch định kinh doanh DN VN 2012 tổ chức hôm qua (2.11) tại Hà Nội.
Kịch bản... thiếu logic
Kinh tế 10 tháng đầu năm được Viện Nghiên cứu kinh tế T.Ư (CIEM) nhận định không mấy lạc quan khi cho rằng, dù có chủ trương song chính sách tiền tệ chưa thực sự được thắt chặt. Trong tổng số dự án mới khởi công năm 2011 đầu tư bằng trái phiếu chính phủ, có 333 dự án không thuộc danh mục dự án được sử dụng vốn năm 2011. Việc rà soát danh mục dự án đầu tư chủ yếu là để hoãn chứ chưa cắt hẳn hoặc chỉ cắt trên giấy. Sau 10 tháng, tiết kiệm chi khoảng hơn 10.000 tỉ đồng, song mức tăng chi so với dự toán lại lên tới 70.000 tỉ đồng. Thực trạng phân bố vốn đầu tư cũng quá dàn trải khi đã phân bố gần 120.000 tỉ đồng cho hơn 17.700 dự án, trong đó “dành riêng” gần 22.000 tỉ cho hơn 5.000 dự án mới (trung bình 4,3 tỉ đồng/dự án) và hơn 95.500 tỉ cho 12.700 dự án chuyển tiếp (trung bình 7,52 tỉ đồng/dự án).
Theo “đà” này, Phó Viện trưởng CIEM - TS Nguyễn Đình Cung - cho biết: Kịch bản tăng trưởng kinh tế 2012 hoàn toàn chưa mang tính hành động bởi không thể hiện yếu tố về tái cơ cấu kinh tế, thậm chí thiếu logic. Theo kịch bản, 2012 dù lạm phát song GDP vẫn tăng trưởng 6 - 6,5% trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vẫn giữ mức dưới 10%. “Tái cơ cấu kinh tế nhất thiết phải phân bổ lại đầu tư. Nếu vậy sẽ làm đảo lộn mô hình tăng trưởng và do đó tăng trưởng sẽ khó có thể cao hơn năm nay.
Ngoài ra, tập trung vào đầu tư thì vẫn cần mở rộng chính sách tiền tệ và tài khóa. Nếu điều này “bung” ra, chắc chắn CPI không thể giữ dưới 10%” – ông Cung phân tích. Một số chỉ tiêu cũng được cho là thiếu thuyết phục như bội chi 4,5% đáng lẽ phải là 5,5% vì cần tính đến trái phiếu và khoản vay khác của Chính phủ, xuất khẩu tăng 13,1% thì lại quá dè dặt bởi bình quân hằng năm vẫn tăng thực tế 20%.
Cần mạnh tay cắt giảm đầu tư công
Theo khảo sát mới nhất của Cty tư vấn và nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới TNS, lạm phát VN hiện cao nhất Châu Á với mức 17,05% tính đến hết tháng 10.2011 và quá phụ thuộc vào thị trường thế giới với hơn 70% giá trị GDP đến từ thương mại và FDI. Cty này không ngần ngại khi khẳng định lạm phát “giết chết” hết tiềm năng kinh tế VN và nếu không có cải cách rộng khắp để giải quyết khó khăn thì 2012 khó phục hồi kinh tế. Giải pháp đồng bộ mà TNS đề cập gồm kiềm chế lạm phát, quản lý hệ thống tài chính, nâng cao hiệu quả khu vực DNNN và thu hút nguồn vốn FDI. Diễn giả của TNS cũng cho biết, người tiêu dùng VN năm tới có vẻ còn khá lạc quan về nền kinh tế, mặc dù những hạn chế của kinh tế 2009 – 2010 còn tiếp diễn trong năm tới.
Cụ thể hóa hơn, CIEM đưa ra nhiều đề xuất, trong đó mạnh dạn cho rằng cần cắt bỏ 50% dự án đầu tư công thiếu hiệu quả không cần thiết, tập trung vào dự án đầu tư dang dở. “Vấn đề là phải tính toán kỹ cắt bỏ dự án nào, ai chịu cắt bởi nếu cứ đầu tư dàn trải thì vốn dẫu giảm vẫn khó có dự án nào được hoàn thành. Làm được điều này đòi hỏi phải có sự đồng thuận, chia sẻ cao từ chính các địa phương” – ông Cung nói. Một loạt phương án khác được đưa ra như kiểm soát tỉ giá và giá lương thực - thực phẩm, kiên trì kiềm chế lạm phát, thắt chặt tín dụng bất động sản và “xử lý” lãi suất. Về điều này, ông Cung cho biết: “Hiện việc giảm lãi suất là rất khó bởi Chính phủ luôn chịu áp lực giảm lạm phát. An toàn hệ thống ngân hàng vẫn là ưu tiên số một, trong đó phải có liên kết hệ thống các ngân hàng để đảm bảo thanh khoản. Việc này cần hết sức thận trọng để tránh tâm lý gây sốc cho thị trường”.
Dương Hà
lao động
|