Chứng khoán thời... “của nợ”
Không coi bảng điện, không ngó tài khoản, thậm chí chỉ ghé sàn như một thói quen mỗi buổi sáng, còn lại chủ yếu "họp” ngoài quán nước. Đó là tâm trạng của không ít nhà đầu tư trong thời buổi chứng khoán xuống dốc này.
Sợ nhất... vợ hỏi
Một nhà đầu tư cũng khá thâm niên trên sàn HBB cho biết tình trạng của anh hiện đang lỗ khá nặng. Mặc dù thoát ra tương đối chuẩn trong sóng tăng tháng 9 vừa qua, nhưng lại mắc kẹt khi lỡ bắt đáy hụt thời điểm VN-Index quanh mức 400 điểm. Đặc biệt cuối tháng 10, anh lại lỡ "tất tay” mua vào. "Cứ nghĩ thị trường đã chấm dứt quá trình rơi, cùng lắm là về đáy cũ, không ngờ ngoảnh đi ngoảnh lại danh mục đã lỗ trên 30%. Mấy lần tính cắt lỗ nhưng lại dự đoán giá khó thủng đáy nên chần chừ. Có lẽ giờ phải ôm dài hạn”, anh này cho biết. Đối với những người theo nghiệp chứng khoán chuyên nghiệp, tức là chỉ chăm lo đầu tư hàng ngày mà không làm việc khác, mấy tháng gần đây quả là thời kỳ khó khăn. Áp lực tâm lý rất nặng nề vì không những không sinh lời được từ đầu tư, mà còn mất kha khá tiền. "Buổi sáng đi ra khỏi nhà lên sàn còn đỡ, cứ về nhà lại thấy mệt mỏi kinh khủng. Cõ lẽ tới đây phải kiếm việc gì khác làm cho quên chứng khoán đi. Sợ nhất lúc này là vợ buột miệng hỏi tiền đầu tư chứng khoán giờ còn bao nhiêu. Vô tình nhưng cứ giật thon thót, lại thấy mình thiếu trách nhiệm với gia đình”, nhà đầu tư nói trên bày tỏ thật lòng. Không phải ngẫu nhiên trên thế giới, ngoài những cuốn sách dạy về kỹ thuật đầu tư, phân tích chứng khoán, còn có một thị trường những sách dạy cách tìm sự vui vẻ, thanh thản trong nghề này. Áp lực tâm lý thay đổi quá nhanh giữa hai thái cực có thể khiến tâm lý nhà đầu tư mất ổn định. Nhất là với thị trường có mức độ dao động quá lớn như Việt Nam, khả năng thay đổi xu hướng gần như 180 độ mà không có những chu kỳ chuyển tiếp thông thường. Nhà đầu tư không chịu nổi áp lực lỗ phải bán ra ồ ạt thì ngay hôm sau thị trường đã có thể tăng trở lại. Đối với những cổ phiếu đầu cơ, khả năng được-mất trong hai, ba ngày có thể lên tới cả chục phần trăm.
Công ty chứng khoán cũng... nằm thở
Sàn vắng ngắt vài tuần gần đây là điểm chung của không ít công ty chứng khoán. Một môi giới của công ty chứng khoán T cho biết số người lên sàn ngày càng thưa thớt, một phần vì đã có giao dịch qua mạng, một phần vì thị trường ảm đạm quá, lên sàn càng buồn thêm. Cắt giảm nhân sự hóa ra lại là hoạt động quan trọng nhất của công ty chứng khoán trong thời điểm này. Giám đốc môi giới của một công ty chứng khoán tại Hà Nội cho biết, cũng không có gì lạ với hiện tượng này: "Năm 2008 nhiều công ty đã phải co lại để tồn tại. Giảm nhân viên, cắt giảm chi phí là việc phải làm. Trước đây kiếm tiền rủng rỉnh, nhiều bộ phận "tặc lưỡi” thêm người, giờ một người phải kiêm nhiều việc”. Điểm thú vị khác với năm 2008 là tình trạng "nợ nần” của môi giới đã giảm đi rất nhiều. Trước đây, môi giới được xem là "chuyên gia” và không ít khách hàng gửi tiền nhờ đầu tư hộ. Nhiều môi giới còn huy động được tiền lớn như một dạng quỹ thành viên để đầu tư kiếm lời. Rốt cục sự thanh lọc của thị trường đã khiến không ít môi giới rơi vào cảnh nợ đầm đìa, thậm chí có người còn xin chuyển công tác vào địa bàn khác để "trốn nợ”. Số liệu quý 3 vừa qua cho thấy, hầu hết các công ty chứng khoán có quy mô lớn đều có sự co hẹp nhất định, cả về mạng lưới lẫn nhân viên. Ngay cả những công ty như SSI số nhân viên cũng giảm hơn 100 người so với thời điểm cuối năm ngoái.
Tổng giám đốc một công ty chứng khoán còn cho biết sẽ sắp xếp lại nhân sự theo hướng chuyển thành cộng tác viên. Môi giới sẽ không còn nằm trong hệ thống nhân sự cứng nữa mà ăn theo doanh số. Tìm được nhiều khách thì có thu nhập, không có thì... nằm im.
Hoàng Ngân
Đại đoàn kết
|