Thứ Tư, 30/11/2011 06:58

'Cấp cứu' doanh nghiệp, cứu sản xuất

Trao đổi với Đất Việt, TS Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy Ban giám sát tài chính quốc gia cho biết, những con số về kinh tế vĩ mô như lạm phát, dự trữ ngoại hối, tỷ giá của Việt Nam đang có xu hướng tốt lên.

Tuy nhiên, một thực trạng đáng lo là sản lượng hàng hóa đang giảm. Cứu doanh nghiệp, cứu sản xuất lúc này theo ông Nghĩa là rất cấp bách.

- Thưa ông, tình hình kinh tế vĩ mô từ nay đến cuối năm, nếu nhìn từ góc độ của người làm công tác giám sát tài chính quốc gia, còn những mối lo nào?

Nếu chỉ nhìn từ chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, gần đây kinh tế Việt Nam đang có xu hướng tốt lên, lạm phát tháng 12 dự kiến còn khoảng 0,35%, dự trữ ngoại hối tăng, tỷ giá hối đoái ổn định ở mức 21.200 đồng/USD. Đó cũng là một thành quả của việc thắt chặt tiền tệ và chính sách tài khóa của Chính phủ thời gian qua. Nhưng tác dụng phụ của 2 liều thuốc này có thể dẫn đến nguy cơ sản xuất đình đốn, nếu không cẩn thận sẽ dẫn đến lạm phát tăng trở lại. Trong trường hợp giá dầu thế giới tăng mạnh, hiệu ứng đình đốn sản xuất sẽ càng khiến giá cả tăng lên. Mối lo thứ hai là tỷ giá đang đứng trước sức ép tăng rất lớn. Nguyên nhân chủ yếu do tăng trưởng tín dụng ngoại tệ tăng và lạm phát của Việt Nam cao hơn lạm phát của Mỹ, nên đồng Việt Nam tiếp tục bị phá giá. Cùng với đó là mối lo từ biến động giá vàng.

- Vàng có là mối lo cấp bách nhất hiện nay? Theo ông, phải giải quyết thế nào để ổn định kinh tế vĩ mô?

Vàng tác động rất mạnh vào cán cân thanh toán. Hiện nay đang có hai tài khoản để “đo” tác động của vàng vào cán cân thanh toán, và sai sót này chủ yếu do tình trạng nhập lậu vàng. Nói như vậy để thấy, vàng tham gia vào cán cân thanh toán quốc tế ở Việt Nam quan trọng không kém gì xuất nhập khẩu và nhập siêu. Ổn định giá vàng, những chính sách liên quan đến vàng sẽ tác động mạnh mẽ vào đời sống và cả cán cân thanh toán. Nhưng, vấn đề cấp bách của chúng ta là vừa chống lạm phát và vẫn tăng trưởng được. Tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt đỉnh cao nhất khoảng 8,26% vào năm 2006, từ đó đến nay lại có nguy cơ thụt lùi và lao xuống dưới 6%.  Năm 2011 lao xuống ở mức 5,7%, và nếu chúng ta không làm gì cả thì đến năm 2020, GDP chỉ còn khoảng  3,4% . Vì thế, cái cấp bách hiện nay là vấn đề cứu doanh nghiệp, cứu sản xuất và có các biện pháp để GDP chỉ dừng lại ở 5,7% và đi lên chứ không lao dốc. Tôi nghĩ, để ổn định kinh tế vĩ mô, trong ngắn hạn phải chống lạm phát, bảo vệ các ngân hàng và hỗ trợ doanh nghiệp. Về hỗ trợ doanh nghiệp, theo tôi sẽ có các cách, như: giảm thuế, gia hạn thuế, giúp DN tiếp cận vốn dễ và phục hồi lại tài sản. 

- Muốn DN tiếp cận vốn tốt, lãi suất phải giảm. Điều này có phù hợp với mục tiêu chống lạm phát hay không, thưa ông?

Đầu tư tư là hàm của lãi suất. Nên lãi suất giảm thì đầu tư sẽ tăng và ngược lại. Như tôi đã nói ở trên, chống lạm phát còn phụ thuộc vào sản xuất. Sản xuất tăng, sản lượng tăng thì những lo ngại về lạm phát sau giảm phát sẽ giảm. Mặt khác, khi thâm hụt ngân sách giảm, đầu tư tăng và lãi suất sẽ giảm. Theo tôi, lãi suất đầu năm 2012 có nhiều cơ sở để giảm xuống và doanh nghiệp sẽ dễ dàng để tiếp cận vốn hơn. Và một điều đáng nói, khi lãi suất về với thị trường, tôi ủng hộ việc bỏ trần lãi suất để doanh nghiệp tiếp cận vốn theo cơ chế thị trường. Cái này có lợi cho chính doanh nghiệp và cả nền kinh tế.

- Ông bình luận gì về việc NHNN có thể lấy vàng miếng SJC làm thương hiệu quốc gia, và dự thảo nghị định quản lý kinh doanh vàng mới đây?

- Ngân hàng trung ương có thể lựa chọn một thương hiệu vàng, và chọn SJC là điều nên làm để làm thương hiệu quốc gia, nhưng theo tôi không nên dẹp các loại vàng miếng khác. Giống như hiện nay ngân hàng trung ương các nước vẫn dự trữ vàng miếng Thụy Sĩ nhưng thị trường vẫn tồn tại các loại vàng miếng khác của các nước. Còn riêng về dự thảo này, tôi thấy chưa nói nhiều đến quyền của người dân mà chủ yếu nói về quyền của các đơn vị kinh doanh vàng. Vì thế, vẫn cần xem lại dự thảo cho sát với quyền lợi của người dân hơn.

- Xin cảm ơn ông!

Hà Phương (thực hiện)

ĐẤT VIỆT

Các tin tức khác

>   Giải thể và phá sản DNNN: Chuyện khó (30/11/2011)

>   Hà Nội: Hỗ trợ lãi suất sau đầu tư 2,4%/năm cho các doanh nghiệp  (29/11/2011)

>   Dự án thép Cà Ná thu hút các nhà phát triển hạ tầng (29/11/2011)

>   Các nhà tài trợ quốc tế muốn đẩy mạnh chống tham nhũng (29/11/2011)

>   Sẽ sửa đổi quy định đầu tư ra nước ngoài (29/11/2011)

>   Kinh tế tháng 11: Xuất khẩu vượt trội, nhập siêu giảm mạnh (29/11/2011)

>   Grant Thornton: Tư nhân hết lạc quan về kinh tế Việt Nam (29/11/2011)

>   Sốt ruột chờ luật quản “tài sản của nhân dân” (29/11/2011)

>   "Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư cho phát triển" (29/11/2011)

>   Kinh tế Âu - Mỹ hỗn loạn: Việt Nam sẽ ra sao? (29/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật