Cần có quy định về nợ xấu của CTCK
|
Rủi ro của hoạt động margin sẽ được kiểm soát tốt nếu có quy định chi tiết về nợ xấu CTCK | Nhiều ý kiến cho rằng, UBCK nên ban hành quy định chi tiết về nợ xấu của các CTCK với nhiều điểm tương đồng như nợ xấu của hệ thống ngân hàng, thay vì chỉ dừng lại ở việc giám sát qua các chỉ tiêu an toàn tài chính.
Nhiều thành viên thị trường cho rằng, rủi ro của hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ (margin) của CTCK, cũng như an toàn hệ thống sẽ được kiểm soát tốt nếu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) ban hành quy định chi tiết về nợ xấu của các CTCK với nhiều điểm tương đồng như nợ xấu của hệ thống ngân hàng, thay vì chỉ dừng lại ở việc giám sát qua các chỉ tiêu an toàn tài chính theo Thông tư 226/2010/TT-BTC như hiện tại.
UBCK cho phép các CTCK triển khai margin đúng vào thời điểm thị trường èo uột, nên các CTCK không mấy mạnh tay triển khai nghiệp vụ này bởi nhiều công ty đang phải đối mặt với rủi ro kép: phải xử lý món nợ đọng của các hợp đồng hợp tác đầu tư hay nói cách khác là margin "nhái" và rủi ro khi triển khai margin theo quy định của UBCK, bởi đã cho vay thì tất yếu đối mặt với nguy cơ nợ xấu.
Là người trong cuộc, Giám đốc môi giới một CTCK cho biết, một trong những hoạt động "nóng" nhất của các CTCK hiện tại là ráo riết thu nợ margin "nhái". Nhiều CTCK đang đau đầu với các khoản nợ có khả năng mất vốn. Diễn biến TTCK càng lình xình như hiện tại thì các CTCK càng khó đòi nợ, bởi rất nhiều NĐT đang tìm cách xù margin "nhái" với hy vọng khi vụ việc được kiện ra toà, cơ quan này sẽ tuyên các hợp đồng margin này vô hiệu.
Đó là câu chuyện đau đầu của hiện tại. Muốn giảm thiểu "nỗi đau" margin trong tương lai tương tự như những gì mà các CTCK đang phải đối mặt, nhiều ý kiến đề nghị UBCK cần sớm nghiên cứu và ban hành đồng bộ các biện pháp về kiểm soát rủi ro của hoạt động cho vay margin, trong đó, quy định về nợ xấu của CTCK là việc được cần ưu tiên.
Theo Phó tổng giám đốc phụ trách quản lý rủi ro một CTCK đang niêm yết, thực ra với Thông tư 226/2010/TT-BTC quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính của các CTCK, nếu các CTCK tuân thủ tốt, thì đã phản ánh khá rõ nét tình trạng nợ xấu. Tuy nhiên, để quy định về nợ xấu chi tiết hơn, nhất là ở khía cạnh nghĩa vụ công bố thông tin ra thị trường, thì cần phải có quy định về nợ xấu của CTCK, trong đó, phải làm rõ khái niệm thế nào là nợ xấu của các CTCK, đồng thời đưa ra các tiêu chí phân loại nợ chi tiết để trên cơ sở đó giúp CTCK chủ động quản lý nợ xấu, đồng thời hỗ trợ cơ quan quản lý giám sát hiệu quả tình trạng nợ xấu.
Giám đốc môi giới một CTCK đề nghị UBCK cần sớm có quy định về nợ xấu của các CTCK với cách hiểu nợ xấu margin là nợ có mức tài sản ròng (TSR) nhỏ hơn mức xử lý, hoặc hết hạn mà không thu được nợ gốc. Ông này kiến nghị có thể tham khảo quy định về nợ xấu của ngân hàng và tính đến yếu tố đặc thù của cho vay margin như kỳ hạn ngắn, tình trạng nợ được đánh giá lại hàng ngày, có thể cảnh báo và xử lý trước khi hết hạn… để phân loại nợ xấu của CTCK theo 5 nhóm. Cụ thể: Nhóm 1 - nợ đủ chuẩn là các khoản margin được CTCK đánh giá có thể thu hồi đủ cả gốc lẫn lãi đúng hạn. Nhóm 2 - nợ cần chú ý: là các khoản margin có TSR rơi vào tình trạng cảnh báo, tức là NĐT chuẩn bị bổ sung tiền hay tài sản đảm bảo khác; hoặc margin tuy có TSR tốt nhưng hết hạn và NĐT cùng CTCK đang thảo luận để gia hạn, đảo thành margin mới… trong một khoảng thời gian nhất định, nhưng không thể áp dụng mức 90 ngày như nợ cần chú ý của ngân hàng do margin là các khoản tín dụng ngắn hạn. Nhóm 3 - nợ dưới chuẩn là các khoản margin có TSR rơi về mức xử lý và NĐT chưa bổ sung tài sản đảm bảo, nhưng TSR vẫn ở mức dương; hoặc margin quá hạn của nhóm 2 mà NĐT và CTCK không thể gia hạn hay đảo nợ trong một khoảng thời gian nhất định, nên buộc CTCK phải bán chứng khoán để thu nợ. Nhóm 4 - nợ nghi ngờ và nhóm 5 - nợ có khả năng mất vốn, là các khoản margin có TSR âm, nghĩa là có bán số cổ phiếu cầm cố này, CTCK vẫn chịu thiệt hại, hoặc margin nhóm 3 mà CTCK có bán cổ phiếu cầm cố nhưng vẫn không thể thu đủ nợ do cổ phiếu rơi vào tình trạng mất thanh khoản, giảm giá quá nhanh…
Cũng theo vị chuyên gia này, nợ nhóm 3 trở đi được coi là nợ xấu. Sở dĩ coi nợ dưới chuẩn ngay khi TSR rơi về mức xử lý là bởi NĐT chỉ có tài sản đảm bảo hiện hữu duy nhất là chứng khoán. Do CTCK chỉ nắm được chừng ấy "tóc" của khách hàng nên luôn mong sao bán được chứng khoán ngay khi TSR còn dương để thu đủ nợ. Thực ra, thời gian để CTCK bán cổ phiếu cầm cố khi TSR về mức xử lý mà vẫn dương không nhiều, nên khi đến ngưỡng xử lý là phải quyết bán cho bằng được mặc dù trong thâm tâm rất ngán việc siết nợ cổ phiếu của NĐT cũng như việc phải đối mặt với nguy cơ kiện tụng.
Hữu Đạo
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|