Thứ Ba, 01/11/2011 10:37

BIDV hỗ trợ 2 ngân hàng: Một thỏa thuận trấn an dư luận

Việc ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) cam kết hỗ trợ thanh khoản 8.000 tỉ đồng cho hai ngân hàng thương mại Bắc Á (BacABank), Dầu khí toàn cầu (GPBank) đã thu hút sự quan tâm của thị trường.

Theo thoả thuận hợp tác được ký cuối tuần qua, BIDV và BacABank, GPBank sẽ hợp tác tương đối toàn diện: kinh doanh tiền tệ, uỷ thác cho vay và thu hồi nợ một số dự án đầu tư, hoạt động ngân hàng bán lẻ, kinh doanh dịch vụ bảo hiểm, quan hệ trao đổi và cung cấp thông tin, đào tạo... Trong đó, đáng chú ý là khoản cam kết hỗ trợ thanh khoản của BIDV cho BacABank đến 3.000 tỉ đồng và cho GPBank đến 5.000 tỉ đồng.

Đây không phải lần đầu, những hợp đồng hợp tác chiến lược song phương, đa phương kiểu này được ký. Giá trị khoản vốn cam kết tối đa cỡ vài ngàn tỉ đồng cho mỗi đối tác cũng không phải là con số quá lớn, nếu so với với nhiều hợp đồng hợp tác chiến lược trong lĩnh vực ngân hàng, cũng như các lĩnh vực khác. Song sự kiện này ít nhiều đã “hâm nóng” dư luận với những góc nhìn khác nhau.

Hoạt động liên kết, hợp tác, hỗ trợ luôn là cần thiết, nhất là trong bối cảnh lĩnh vực ngân hàng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay. Biểu hiện căng thẳng trong thanh khoản của một số đơn vị đã được đẩy lên tới đỉnh điểm hồi cuối tháng 10, khi lãi suất liên ngân hàng đã có lúc đã lên tới 40%/năm. Do vậy, cam kết hỗ trợ thanh khoản của BIDV – ngân hàng được xếp vào hàng “ông lớn” – rõ ràng là một thông điệp tích cực. Cam kết đó khẳng định, tiềm lực của BIDV, nhất là về tài chính hoàn toàn ổn – ít nhiều xua đi những đồn đoán nghi ngại về ngân hàng này thời gian qua. Khách hàng của BacABank và GP.Bank cũng thêm yên tâm khi lựa chọn hai ngân hàng này, khi có “ông lớn” như BIDV chống lưng. Thị trường cũng nhẹ đi mối lo thị trường liên ngân hàng có thể lại “dậy sóng” như những ngày vừa qua, khi mà tâm lý tự vệ trên mức cần thiết của những ngân hàng phân phát vốn đã ít nhiều được giải toả (một trong những nguyên nhân đẩy lãi suất liên ngân hàng vọt lên chóng mặt trước đó, được nhận định là do một số ngân hàng cho vay đã yêu cầu ngân hàng đi vay phải đảm bảo bằng tài sản thế chấp).

Đứng trên phương diện kinh doanh, đây là một bản hợp đồng “đôi bên cùng có lợi”. Về phía BacABank và GPBank, hai ngân hàng này sẽ có điều kiện được vay vốn kịp thời, với mức lãi suất hợp lý hơn từ BIDV. Phía BIDV cũng tiêu thụ được một lượng vốn khá lớn, trong lúc cho vay doanh nghiệp bị hạn chế bởi chủ trương siết tăng trưởng tín dụng và e ngại rủi ro. Đó là chưa kể, việc hợp tác cũng giúp giảm chi phí, tăng cơ hội khai thác khách hàng, thị phần.

Lãnh đạo một ngân hàng cho rằng, còn quá sớm và mỏng về dữ liệu để cho rằng hợp đồng hợp tác này có là tín hiệu, tiền đề của một cơ hội thâu tóm, mua bán, sáp nhập ngân hàng. Dẫu thế nào, hợp đồng hợp tác chiến lược của BIDV với hai đối tác BacABank, GPBank ít nhất cũng đạt hiệu quả về marketing, khi ít nhiều thu hút sự quan tâm của dư luận thời điểm này.

Thảo Nguyễn

sài gòn tiếp thị

Các tin tức khác

>   Lãi suất: Đồng thuận hay độc quyền nhóm? (01/11/2011)

>   Độc chiêu câu khách của ngân hàng thời đói vốn (01/11/2011)

>   Đến lượt ngân hàng 'lũng đoạn' giá USD (01/11/2011)

>   Thu hút vốn ngoại - Con đường tái cấu trúc ngân hàng (01/11/2011)

>   TS Nguyễn Minh Phong: Sẽ còn nhiều vụ vỡ nợ tín dụng "đen" (31/10/2011)

>   Ngân hàng lỗ kinh doanh ngoại hối - Thủ thuật lách (31/10/2011)

>   Vỡ nợ - hậu quả của tâm lý hám lợi (31/10/2011)

>   Giá đôla tiếp tục giảm (31/10/2011)

>   Công bố thủ tục thu hồi giấy phép và thanh lý tài sản Ngân hàng khi sáp nhập, phá sản (31/10/2011)

>   Tái cấu trúc ngân hàng: Cứu trợ hay giải pháp dứt điểm (31/10/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật