ADB hối thúc châu Á chung tay giải cứu Eurozone
(Vietstock) – Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa kêu gọi Ấn Độ và Trung Quốc sẵn sàng giải cứu Eurozone khỏi cuộc khủng hoảng nợ để tránh một đợt suy giảm lâu dài vì điều này có thể đảo ngược đà tăng trưởng tại các nền kinh tế châu Á.
* Moody's: Trung Quốc và khủng hoảng nợ châu Âu không ảnh hưởng đến xếp hạng tín nhiệm Đông Á
Ông Rajat Nag, Giám đốc điều hành ADB, cho rằng hai nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới phải làm mọi thứ có thể để đẩy mạnh đà phục hồi tại khu vực đồng tiền chung thông qua Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hoặc các thỏa thuận song phương trực tiếp.
Ông cảnh báo về việc các quốc gia BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) đã nhìn nhận những khó khăn của châu Âu theo các cách khác nhau và cho rằng sự hỗ trợ tài chính của châu Á cùng với nguồn lực và sự lãnh đạo tại châu Âu có thể giúp nền kinh tế toàn cầu tránh được nguy cơ sụp đổ trong dài hạn.
Phát biểu bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Mumbai, ông nói: “Bất kỳ nước nào có thể giúp đỡ châu Âu vượt qua khủng hoảng đều rất hữu ích. Châu Á có thể tránh được cuộc khủng hoảng ở một mức độ nào đó chứ không thể miễn dịch hoàn toàn. Vì thế nếu Trung Quốc và Ấn Độ có thể giúp đỡ, chắn chắn sẽ rất có ích”.
Liên minh tiền tệ châu Âu đã suy yếu nghiêm trọng trong các tháng qua do cuộc khủng hoảng nợ khu vực. Trong những ngày gần đây, chi phí vay mượn Ý đã tăng vọt lên các mức nguy hiểm và thủ tướng của hai nước Ý và Hy Lạp đều đã từ chức.
Cuộc khủng hoảng ngày càng sâu sắc tại châu Âu đã làm gia tăng nỗi lo sợ rằng nền kinh tế toàn cầu có thể rơi trở lại vào suy thoái và hối thúc việc kêu gọi các nền kinh tế mới nổi hàng đầu phối hợp để giúp Eurozone tìm ra giải pháp.
Ông Nag dự báo bất kỳ sự hỗ trợ nào của châu Á cũng sẽ phải thông qua IMF nhưng cho biết sự hỗ trợ song phương – chẳng hạn như việc mua trái phiếu giải cứu của Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu (EFSF) – sẽ đem lại lợi thế lớn hơn cho các quốc gia châu Á với việc mua được nhiều trái phiếu với giá rẻ.
Ông Anand Sharma, Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ, cho biết nước này sẽ cố gắng hết sức để giúp Eurozone trong bối cảnh nền kinh tế Ấn Độ đang chứng kiến sự sụt giảm của kim ngạch xuất khẩu và sự cạn kiệt của dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Trong khi đó, những người khác lại cho rằng các nền kinh tế phát triển như Ấn Độ không có quyền giúp đỡ các nền kinh tế châu Âu khi các nền kinh tế này đối mặt với những thách thức to lớn của chính mình.
Ông Lee Howell, Giám đốc điều hành WEF, cũng thắc mắc rằng tại sao phải sử dụng kho dự trữ của Ấn Độ để duy trì việc làm cho các công nhân viên chức có mức lương cao ngất ngưỡng của Hy Lạp trong các ngành tiện ích luôn hoạt động thua lỗ và được quản lý yếu kém như đường sắt.
Ông Nag cho rằng khủng hoảng nợ Eurozone có nguy cơ gây ra tác động dây chuyền to lớn trên khắp khu vực châu Á. ADB dự báo tốc độ tăng trưởng 7.5% của châu Á trong hai năm 2011 và 2012 có thể bị điều chỉnh giảm do các mối đe dọa từ châu Âu. Theo ông, các thị trường mới nổi cần phải có kế hoạch dự phòng để ngăn chặn một cuộc suy thoái và sự thất thoát của dòng vốn.
Phạm Thị Phước (Theo Financial Times)
|