NHTW Đức cảnh báo việc can thiệp thị trường trái phiếu của ECB
|
Chủ tịch Bundesbank, Jens Weidmann |
(Vietstock) – Thống đốc Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) Jens Weidmann dứt khoát từ chối yêu cầu của cộng đồng quốc tế về việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) can thiệp các thị trường trái phiếu nhằm chống chọi với khủng hoảng nợ. Ông cảnh báo các biện pháp như vậy sẽ làm gia tăng bất ổn do vi phạm luật lệ của châu Âu.
Ông Weidmann cho rằng không phải các ngân hàng trung ương mà chỉ có các chính trị gia mới có thể giải quyết được khủng hoảng và ông bác bỏ ý tưởng xem ECB như là một nhà cho vay cuối cùng của các Chính phủ.
Ông chỉ trích hành động của các Chính phủ Eurozone là không nhất quán và cảnh báo rằng kế hoạch liên quan đến sự tham gia của các ngân hàng tư nhân vào gói giải cứu dành cho Hy Lạp có thể khiến các vấn đề tại Eurozone càng thêm trầm trọng. Theo ông, sự tham gia của lĩnh vực tư nhân có thể làm xói mòn niềm tin thị trường đối với các công cụ giải quyết khủng hoảng của Eurozone, chẳng hạn như Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu (EFSF).
Ông Weidmann đưa ra nhận định trên vào một thời điểm quyết định đối với liên minh tiền tệ 13 năm tuổi của châu Âu. Trong các ngày vừa qua, chi phí vay mượn của Ý tăng vọt và cả Thủ tướng Ý và Hy Lạp đều đã từ chức.
Để ngăn chặn nguy cơ cuộc khủng hoảng có thể bùng nổ thành một cú sốc kinh tế toàn cầu, các nhà kinh tế và chính trị gia trên toàn thế giới đã hối thúc ECB can thiệp trực tiếp vào các thị trường trái phiếu. Cuối tuần qua, Thủ tướng Nga Vladimir Putin cũng có động thái tương tự. Được biết, ECB bắt đầu mua trái phiếu Chính phủ vào tháng 5 năm ngoái và Bundesbank đã phản đối hành động này.
Ông nhấn mạnh rằng các ngân hàng trung ương không phải là người chịu trách nhiệm chính cho việc đảm bảo sự bình ổn của hệ thống tài chính. Chủ tịch mới của ECB Mario Draghi cũng cho biết ECB không có nhiệm vụ hành động như một nhà cho vay cuối cùng và ông Weidmann cho rằng biện pháp như vậy là vi phạm lệnh cấm của châu Âu về việc cấp vốn của ngân hàng trung ương cho các Chính phủ.
Ông Weidmann nói: “Tôi không biết làm cách nào để đảm bảo sự bình ổn của liên minh tiền tệ bằng cách vi phạm các quy định pháp lý. Tôi cũng không biết làm cách nào để xây dựng niềm tin vào một hệ thống vi phạm các luật lệ”.
Theo nhận định của ông Weidmann, các mức lợi suất hiện tại của Ý không phải là một vấn đề quan trọng trong ngắn hạn. Những gì mà chúng ta đang phải đối mặt tại Ý chính là một cuộc khủng hoảng niềm tin và chỉ Chính phủ ý mới có thể giải quyết được cuộc khủng hoảng này”.
Ông Weidmann bày tỏ lo lắng rằng việc Eurozone liên tục thay đổi kế hoạch đối phó với cuộc khủng hoảng đã khiến niềm tin của các thị trường tài chính suy giảm. Ông không đưa ra bất kỳ chứng cứ vào về việc ECB có thể tiếp tục hạ lãi suất từ mức hiện tại là 1.25% tại cuộc họp chính sách vào tháng 12 tới.
Phạm Thị Phước (Theo Financial Times)
|