Thứ Hai, 14/11/2011 15:52

Số phận của đồng euro và những hệ lụy kinh tế

Cuộc khủng hoảng nợ công tại khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều vấn đề chứ không riêng số phận của đồng euro.

Trong bối cảnh lãi suất trái phiếu chính phủ gia tăng, giá cổ phiếu đi xuống, hoạt động của các ngân hàng sa sút và kinh tế toàn cầu có nguy cơ lại rơi vào suy thoái, nỗi lo sợ đầu tiên của giới thị trường và cả người dân châu Âu là sự sụp đổ của hệ thống kinh tế và tài chính khu vực.

Đồng euro cũng sẽ không được an toàn trừ phi châu Âu giải quyết được những vấn đề cơ bản mà châu lục này đã trốn tránh trong nhiều năm qua.

Một số nước châu Âu muốn thiết lập các rào cản chắc chắn xung quanh thị trường giàu có và rộng lớn của Liên minh châu Âu (EU). Một số quốc gia khác lại muốn co cụm lại và đóng cửa không những với thế giới mà cả với dự án hội nhập châu Âu, trong khi một vài nước cho rằng không nên lảng tránh toàn cầu hóa, mà nên hội nhập toàn diện.

Đây không phải là sự lựa chọn mang tính triết học trừu tượng, mà là cuộc đấu tranh khốc liệt cho tương lai của châu Âu. Cuộc đấu tranh sẽ thiết lập những giới hạn về hệ thống phúc lợi xã hội của châu Âu. Nó sẽ xác định xem quan hệ đối tác không cân xứng giữa Đức và Pháp với Anh sẽ ảnh hưởng đến EU như thế nào.

Eurozone đang trong vòng xoáy đi xuống thảm hại. Những lo ngại về việc liệu các chính phủ ở Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Ireland, Tây Ban Nha và Italy có trả được món nợ 3.000 tỷ euro (4.200 tỷ USD) hay không đang làm suy sụp tinh thần các chủ nợ của họ, nhất là các ngân hàng trong khu vực.

Tuy nhiên, Eurozone vẫn có khả năng ngăn chặn nguy cơ xảy ra thảm hoạ tại các chính phủ và ngân hàng trong khu vực. Khối này mắc ít nợ hơn so với Mỹ và thâm hụt ngân sách khu vực công cũng thấp hơn. Eurozone có tiền để củng cố các ngân hàng trước nguy cơ vỡ nợ của Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Ireland, nếu cần thiết.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) về nguyên tắc có thể đứng đằng sau chính phủ các nước dễ bị tổn thương bằng cách mua các khoản nợ với số lượng không hạn chế ở thị trường thứ cấp. Nhưng EU đã nhiều lần thất bại trong việc đưa ra một giải pháp có sức thuyết phục để cứu đồng euro khi hồi cuối tháng trước các nước thành viên không đạt được sự đồng thuận về mức độ đóng góp của mỗi quốc gia để giải quyết cuộc khủng hoảng. Vì vậy, chừng nào các thành viên Eurozone chưa chấm dứt tranh cãi về điều này, một hành động tập thể cần thiết để bảo vệ đồng euro sẽ là không thể.

Trong khi thế giới chờ đợi châu Âu đưa ra quyết định, thảm họa đang treo lơ lửng trên đầu và nó có thể đến từ nhiều dạng. Một nước nào đó có thể từ bỏ đồng euro, các ngân hàng châu Âu có thể phải chịu thiệt hại khủng khiếp về lòng tin.

Italy và Tây Ban Nha có thể không vay thêm được tiền theo các điều khoản chặt chẽ. Hoặc một chính phủ trong khối tìm cách áp đặt các biện pháp thắt lưng buộc bụng có thể bị thay thế bằng một chính phủ khác không tán đồng chủ trương này.

Những vấn đề như vậy có thể gây hiệu ứng xấu và đẩy nền kinh tế châu Âu nói riêng và thế giới nói chung vào trạng thái trì trệ./.

Ngự Bình

Vietnam+

Các tin tức khác

>   Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm các năm tới (14/11/2011)

>   Fed sẽ tiến hành đợt “stress tests” thứ tư trong các tuần tới (14/11/2011)

>   Kinh tế Nhật bùng nổ sau 3 quý suy giảm liên tiếp (14/11/2011)

>   NHTW Đức cảnh báo việc can thiệp thị trường trái phiếu của ECB (14/11/2011)

>   Nền kinh tế nào sẽ đổ vỡ trước? (14/11/2011)

>   Hy Lạp chạy đua với thời gian trước nguy cơ vỡ nợ (13/11/2011)

>   Khủng hoảng nợ công châu Âu vào bước ngoặt mới (13/11/2011)

>   Obama cảnh báo Trung Quốc phải "chơi theo luật" (13/11/2011)

>   Bốn nước châu Âu có nguy cơ phải rời Eurozone (13/11/2011)

>   IMF kêu gọi Nhật Bản giảm số nợ công khổng lồ (13/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật