10,792 tấn vàng dự trữ có cứu được Eurozone?
(Vietstock) – Khủng hoảng nợ châu Âu chưa thể kết thúc trong một sớm một chiều nên khu vực này tiếp tục đề xuất hàng loạt giải pháp. Trong đó đề xuất mới nhất liên quan đến việc sử dụng vàng như một tài sản thế chấp.
* Thủ tướng Đức phản đối Eurobond, chứng khoán châu Âu đảo chiều giảm điểm
* 10 sự kiện quan trọng quyết định tương lai châu Âu
Với việc nắm giữ khoảng 64% dự trữ vàng của thế giới, các ngân hàng trung ương Eurozone có khả năng thực hiện được giải pháp trên.
Biện pháp này đã được áp dụng một số lần nhưng chủ yếu là trước khi Eurozone ra đời. Vì thế, không rõ những rào cản pháp lý nào cần phải được khắc phục để đáp ứng được yêu cầu của 17 quốc gia khu vực.
Tuy nhiên, nếu giả sử rằng những khó khăn này có thể được giải quyết ổn thỏa, các chuyên gia xem đây là một cơ hội thực sự có lợi cho tất cả các bên.
“Từ trước đến nay, việc các quốc gia sử dụng vàng như một tài sản thế chấp là không có gì lạ”, nhận định của ông Jeffrey Nichols, Giám đốc điều hành của American Precious Metals Advisors tại New York.
Theo tin đồn, ý tưởng sử dụng vàng như tài sản thế chấp là một phần của đề xuất toàn diện hơn được Ủy ban châu Âu (EC) công bố trong ngày thứ Tư. Dù kế hoạch này không trình bày chi tiết về khái niệm vàng như một tài sản thế chấp nhưng các chuyên gia cho rằng đây là một kịch bản khả thi.
Kế hoạch của EC đã nêu chi tiết ba phương án khác nhau về việc phát hành trái phiếu chung eurobond, ý tưởng từng vấp phải dự phản đối dữ dội từ các quốc gia lớn của khu vực như Đức.
“Tôi cho rằng Đức đã sai khi từ chối thẳng thừng biện pháp này. Nếu chúng ta muốn chấm dứt cuộc khủng hoảng nợ, thì nên xem xét tất cả các phương án có thể chứ không nên bác bỏ”.
Hiện các ngân hàng trung ương Eurozone nắm giữ khoảng 10,792 tấn vàng. Nếu tính theo mức giá ngày 23/11, tổng giá trị của số vàng này là gần 650 tỷ USD.
Dù khoản tiền này không đủ để giải quyết tất cả các vấn đề của Eurozone nhưng đây có thể là một bước đi đúng hướng, đặc biệt là nếu biện pháp này thu hút được sự quan tâm của Trung Quốc.
Ông Nichols cho rằng vì Trung Quốc đang “khát” vàng nên nước này có thể rất quan tâm đến việc hỗ trợ tài chính cho các quốc gia khó khăn của Eurozone.
Và nếu các quốc gia Eurozone không muốn đồng loạt đi theo hướng này thì cũng sẽ có ít nhất một vài nước muốn thử nghiệm quá trình thế chấp hóa nếu không vấp phải các rào cản pháp lý.
Ông nói thêm: “Rất có khả năng, một trong những ngân hàng trung ương của Eurozone sẽ sử dụng vàng như một tài sản thế chấp cho hoạt động tái cấp vốn”.
Ngân hàng Trung ương Ý là tổ chức nắm giữ vàng lớn thứ tư Eurozone với tổng khối lượng nắm giữ vào khoảng 2,451 tấn. Và đây là quốc gia thu hút được sự chú ý nhiều nhất trong thời gian qua vì khoản nợ công khổng lồ trị giá 1.9 ngàn tỷ EUR, tương đương 120% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và chi phí vay mượn cao với lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm đứng sát mức 7%.
Vậy điều này có ý nghĩa gì đối với giá vàng? Giả sử rằng kế hoạch trên nhận được đầy đủ sự ủng hộ từ các quốc gia Eurozone, ông Bhar và ông Nichols đều cho rằng phương án này khá tích cực.
Ông Nichols nói: “Điều này sẽ mang lại cảm giác rằng vàng do các quốc gia Eurozone nắm giữ ít có khả năng tràn ngập thị trường và cho phép vàng được mang giá trị tiền tệ”.
Chỉ cách đây vài tháng, giá vàng lên sát 2,000 USD/oz còn hiện tại giá kim loại quý này dao động quanh mức 1,700 USD/oz.
Phạm Thị Phước (Theo CNN Money)
|