Vỡ hàng loạt vụ tín dụng "đen": Lộ rõ nhiều yếu huyệt
|
Cơ quan công an khám xét nơi ở của Phạm Thị Chinh. |
Ngăn chặn hoạt động tín dụng “đen” cũng như tiến hành xử lý các đối tượng của đường dây tín dụng "đen" không hề đơn giản, bởi hành lang pháp lý còn nhiều sơ hở.
Theo quy định của pháp luật, khi người vay nợ bỏ trốn khỏi nơi cư trú thì được coi có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, người vay không trốn chạy mà có biểu hiện trây ỳ, thì ranh giới để xác định vụ việc mang tính chất dân sự hay hình sự lại rất mong manh. Đáng chú ý là, những đối tượng trây ỳ trong các đường dây tín dụng đen hầu hết là những người trung gian huy động vốn vay.
Từ thực tế hoạt động của các đường dây tín dụng đen bị phanh phui, có thể phân biệt ra 3 loại đối tượng, một là những nạn nhân góp vốn lấy lãi, hai là những người trung gian huy động vốn để hưởng chênh lệch và cuối cùng là những người đi vay - người đứng đầu đường dây. Vì vậy, muốn tiến hành xử lý các hoạt động tín dụng đen, cần phải bóc tách được vai trò của các cá nhân trong vai trò trung gian, tuy nhiên, đứng trên góc độ pháp luật, việc này lại rất khó khăn. Cụ thể, Luật sư Nguyễn Quang Thành (Đoàn Luật sư tỉnh Hòa Bình) cho biết, sau các vụ đổ bể tín dụng "đen", để xác định một vụ án có dấu hiệu lừa đảo, theo khoản 2, Điều 163, Bộ luật Tố tụng hình sự, cơ quan điều tra phải chứng minh được người cho vay lãi cao "có tính chất chuyên nghiệp, bóc lột", mức lãi suất cho vay cao hơn mức quy định từ 10 lần trở lên. Nhiều chủ đường dây tín dụng "đen" đã khéo léo lách luật bằng cách ghi mức vay với lãi suất dưới mức sẽ bị xử lý hình sự về tội cho vay nặng lãi (lãi suất cao 8-9 lần so với lãi suất ngân hàng) hoặc không ghi mức lãi suất. Với quy định như vậy, những người trung gian (thực chất là người cho vay nặng lãi), mặc dù đóng vai trò đắc lực nhất trong đường dây tín dụng đen, nhưng lại hầu như không bị vướng lưới pháp luật.
Theo ông Tào Ngọc Hải, Phó trưởng Phòng Bảo vệ an ninh kinh tế, Công an TP. Hà Nội, do rất am hiểu pháp luật, nên đối tượng cho vay nặng lãi đã thể hiện khả năng lách luật... tài tình! Đó là chưa kể, các đối tượng vay nợ còn áp dụng nhiều thủ đoạn để đối phó như vẫn xác nhận nợ, trả nợ nhỏ giọt, hứa hẹn trả nợ, nhưng thực tế không trả, khiến việc xác minh hành vi vi phạm của họ rất khó khăn.
Ông Đinh Văn Toản, Phó giám đốc Sở Công an TP. Hà Nội cho rằng, nhiều chủ đường dây tín dụng "đen" huy động tiền của nhiều người qua hợp đồng dân sự dựa trên thỏa thuận giữa hai bên, nên không thể kết luận hành vi của họ mang tính chất lừa đảo. Nhiều vụ cho vay với số tiền cực lớn, nhưng thủ tục đơn giản, thậm chí chỉ là thỏa thuận miệng, gây nhiều khó khăn cho cơ quan điều tra. Một khó khăn khác của cơ quan điều tra là khó xác định chính xác số thiệt hại, nhiều nạn nhân che giấu việc cho vay nợ với hy vọng sẽ thu hồi được nợ.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, các quy định của pháp luật đã không tính hết các tình huống phòng ngừa và xử lý hậu quả của việc cho vay lãi suất cao. Hệ thống thông tin đã không giúp người cho vay có thể thẩm định được những người đứng ra vay mượn trên cơ sở pháp lý nào, mức độ tín nhiệm cá nhân, mối quan hệ của họ với các tổ chức được mượn danh nghĩa để huy động vốn.
Hàng loạt vụ "nổ" tín dụng "đen" tại Hà Nội đã gây thiệt hại rất lớn cho người dân, đồng thời tác động xấu tới nền kinh tế. Trong khi đó, việc gửi tiền vào ngân hàng, tuy đem lại lợi nhuận thấp hơn tín dụng “đen”, nhưng rất an toàn. Hơn nữa, với kênh tín dụng này, người dân sẽ giúp ngân hàng huy động được lượng vốn tồn đọng trong xã hội để đưa vào sản xuất, kinh doanh phục vụ nền kinh tế.
Hữu Tuấn
ĐẦU TƯ
|