Thanh khoản nhiều ngân hàng đã cải thiện
Việc rút tiền của người dân và doanh nghiệp từ các ngân hàng đã giảm từ giữa tuần trước nên thanh khoản của nhiều ngân hàng đã được cải thiện, sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố sẽ hỗ trợ cho ngân hàng nhỏ và lên kế hoạch tái cấu trúc các ngân hàng.
Ông Trịnh Văn Tuấn, Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (Oricombank - OCB), cho biết việc rút tiền của các tổ chức và cá nhân từ giữa tuần qua có đỡ hơn so với thời gian đầu NHNN quy định trần lãi suất huy động ở mức 14%/năm. Sau khi dùng nhiều công cụ để cân đối nguồn vốn, đến nay thanh khoản của OCB tạm thời ổn định.
Theo lãnh đạo một ngân hàng nhỏ, thời gian qua cũng có vài ngân hàng phải tìm vốn với mức lãi suất cao trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất qua đêm trên thị trường này có khi đã lên đến 30%/năm cho kỳ hạn 1 tháng. Tuy nhiên, ông cho biết với kỳ hạn trên rất ít người vay, đa phần lãi suất mà các ngân hàng nhỏ phải tiếp cận chủ yếu từ 20-22% cho kỳ hạn 1 tuần.
Lãnh đạo ngân hàng này cho biết thêm số ngân hàng nhỏ bị thiếu thanh khoản như vậy là không nhiều, đa phần các ngân hàng đã bớt căng thẳng trong huy động do lượng tiền bị rút ra khỏi hệ thống trong vài ngày gần đây đã có dấu hiệu giảm.
Ông này cũng khẳng định lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đã hạ nhiệt từ cuối tuần qua, với kỳ hạn 1 tuần, mức lãi suất chỉ còn ở 18%, khi nhiều ngân hàng đã được hỗ trợ từ NHNN qua kênh tái cấp vốn. Ông cũng cho biết, trong những ngày qua, NHNN đã cho phép các ngân hàng nhỏ vay trước, rồi bổ sung hồ sơ tín dụng sau, tạo điều kiện cho các ngân hàng này bù đắp thanh khoản.
Tổng giám đốc một ngân hàng tại TPHCM cũng khẳng định, trong 2 tuần trở lai đây việc rút tiền đã không còn đáng lo ngại như trước. Có thêm nguồn vốn từ thị trường mở và qua kênh tái cấp vốn nên tạm thời ngân hàng ông không còn lo lắng về thanh khoản. Ông cũng cho rằng số lượng ngân hàng thiếu thanh khoản trầm trọng cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay nên việc ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống ngân hàng là không có.
Trong tuần qua, lượng tiền mà NHNN bơm ra qua kênh thị trường mở đã giảm trở lại so với tuần trước. Cụ thể, trong tuần qua, NHNN bơm ròng hơn 18.000 tỉ đồng, trong khi con số của tuần trước vào khoảng 22.000 tỉ đồng.
Vị giám đốc ngân hàng tại TPHCM trên cho rằng đã đến lúc NHNN nên kiểm soát gắt gao hoạt động của các ngân hàng yếu kém, buộc xây dựng phương án bán, sáp nhập để tránh tình trạng phải đưa ra các gói giải cứu các ngân hàng này, đồng thời sẽ tránh được sự rối loạn thị trường khi các ngân hàng trên vì thiếu thanh khoản phải tìm mọi cách để huy động.
“Cách làm cụ thể, theo tôi là phải gia tăng số lượng ngân hàng ở khu vực nông thôn - vốn rất ít ngân hàng hoạt động; trong khi đó, khu vực thành thị thì đang quá dư thừa các ngân hàng. Đồng thời phải xác định rõ tái cấu trúc ở đây là với các ngân hàng yếu kém, tức không phải chỉ có ngân hàng nhỏ mới không 'khỏe', nhiều ngân hàng lớn hiện nay cũng đang hoạt động không hiệu quả”, ông này nói thêm.
Trong khi đó, ông Louis Taylor, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered khu vực Đông Dương, nói muốn xây dựng một hệ thống ngân hàng lớn mạnh ở Việt Nam, với sự hiện diện của các ngân hàng lớn, ít ngân hàng nhỏ thì cần có sự thận trọng. Việc tái cấu trúc ngân hàng không có nghĩa là sáp nhập các ngân hàng yếu lại với nhau, vì chưa chắc sáp nhập lại sẽ tạo nên một ngân hàng mạnh.
Đồng ý với quan điểm này, ông Tuấn của OCB cho rằng không nên vội vã công bố các ngân hàng sẽ phải tái cấu trúc mà nên đặt ra lộ trình dài hơi để có sự thống nhất, đồng thuận giữa các ngân hàng.
Ngày 18-10, NHNN đã ra thông báo trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường giám sát thị trường tiền tệ và hoạt động của từng tổ chức tín dụng cũng như toàn bộ hệ thống để phát hiện kịp thời và có biện pháp hỗ trợ thích hợp các tổ chức tín dụng có khả năng thiếu hụt thanh khoản, bảo đảm thị trường tiền tệ hoạt động thông suốt, không ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiền, an toàn của từng ngân hàng cũng như của cả hệ thống. Trước đó, ngày 5-10, NHNN cũng cam kết không để bất kỳ tổ chức tín dụng nào mất khả năng thanh khoản.
Vào ngày 19-10, NHNN cũng đã công bố về chủ trương tái cơ cấu các ngân hàng. Theo đó xu hướng sáp nhập, hợp nhất ngân hàng có thể xảy giữa các ngân hàng với nhau. Ngoài ra, một điểm mới về quan điểm trong chủ trương này là không nhất thiết phải "cào bằng" quy mô vốn của các ngân hàng.
Thanh Thương
TBKTSG Online
|